Tiếp tục đẩy mạnh việc đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm

Quốc Sỹ| 27/11/2018 10:10

Theo Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN), thời gian qua, đơn vị đã tích cực thực hiện việc hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh xúc tiến đăng ký quyền sở hữu trí tuệ và bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm.

ADQuảng cáo

Đến nay, Sở KH&CN đã hướng dẫn thủ tục tra cứu và đăng ký bảo hộ cho 80 đối tượng xác lập quyền sở hữu công nghiệp (nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, giải pháp hữu ích) cho các đơn vị, tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; trong đó có 53 văn bằng bảo hộ nhãn hiệu được cấp/80 đơn đăng ký, chiếm tỷ lệ 66%; 9 đơn đề nghị đăng ký bị từ chối cấp văn bằng, chiếm tỷ lệ 11%; 8 cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, nhãn hiệu tập thể.

Nhãn hiệu “DANO COFFEE” của Công ty Cổ phần XNK An Phong đã phát triển mạnh ở thị trường trong và ngoài nước. Ảnh: Quốc Sỹ

Riêng đối với các sản phẩm nông sản đặc thù của địa phương, hiện tại đã có nhiều sản phẩm được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, nhãn hiệu tập thể như: Măng cụt, sầu riêng, khoai lang, tiêu, cà phê, xoài, rau củ quả… Trong đó, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp văn bằng gồm: Nhãn hiệu “Măng cụt Gia Ân”, Nhãn hiệu “Sầu riêng Gia Trung”, Nhãn hiệu tập thể “Khoai lang Tuy Đức”, “Tiêu Đắk Song”, “Hồ tiêu hữu cơ Đồng Thuận”, “Hồ tiêu năm màu Hà Phát”.

Ngoài ra, một số sản phẩm đã nộp đơn đăng ký bảo hộ Nhãn hiệu tập thể đang chờ Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng như: Rau Đắk R’lấp, Gà đồi Đắk R’lấp, Cà phê Đắk Mil, Sầu riêng Đắk Mil, Xoài Đắk Mil, Lúa+gạo Krông Nô, Khoai lang Đắk Glong. Qua đó, mỗi huyện đã chọn có 1 đến 3 sản phẩm đặc thù để tiến hành đăng ký bảo hộ.

Xoài Đắk Mil đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm. Ảnh: Hồ Mai

Theo Sở KH&CN đánh giá, nhìn chung, nhận thức của các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trong việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm nông sản tại địa phương đã ngày càng được nâng cao. Từ đó, một số cá nhân, đơn vị đã sớm tiến hành bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm nông sản của mình.

ADQuảng cáo

Đến nay, một số sản phẩm sau khi được bảo hộ đã phát triển tốt như: Nhãn hiệu “Tất Thắng” cho sản phẩm đậu nành, đậu phộng của Công ty Công nghiệp Thực phẩm Tất Thắng, xã Tâm Thắng (Cư Jút); Nhãn hiệu “DANO COFFEE” của Công ty Cổ phần XNK An Phong, xã Nâm N’Jang (Đắk Song); Nhãn hiệu “Sầu riêng Gia Trung” của Trang Trại Gia Trung, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa); Nhãn hiệu “Măng cụt Gia Ân” của Trang trại Gia Ân, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa); “Tiêu hữu cơ Đồng Thuận” của Hợp tác xã Hữu cơ Đồng Thuận, xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp); “Tiêu năm màu Hà Phát” của HTX Thương mại Nông nghiệp Thuận Phát, xã Thuận Hà (Đắk Song)…

Các sản phẩm này đã phát triển mạnh và mang lại lợi nhuận tăng trưởng hàng năm. Riêng “Tiêu hữu cơ Đồng Thuận” và “Tiêu năm màu Hà Phát” đã thực hiện quy trình hữu cơ để trồng và chăm sóc nên sản phẩm được bán với giá tăng gấp đôi so với thị trường.

Sầu riêng Đắk Mil đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm. Ảnh: Hồ Mai

Tuy nhiên, việc quản lý và phát triển còn chậm và chưa đi vào quy chuẩn để phát triển xứng tầm với thương hiệu đã có. Nhiều đối tượng chỉ dừng lại ở việc đăng ký, chưa thực sự quan tâm đến việc phát triển thương hiệu của mình, do đó vẫn hoạt động cầm chừng, chưa phát triển, không vươn xa ra thị trường trong nước và ngoài nước. Điển hình như đối với sản phẩm bơ là sản phẩm tiềm năng của tỉnh, mặc dù đã được thực hiện Chương trình “Đắk Nông – Mùa bơ chín” năm 2018 nhưng vẫn chưa đơn vị nào đứng ra xây dựng thương hiệu để quả bơ xứng tầm với chất lượng sản phẩm và phát triển trong thời gian tới.

Rau củ Đắk R'lấp đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm. Ảnh: Hồ Mai

Trong thời gian tới, bên cạnh tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, triển khai thủ tục đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm hiệu quả, theo Sở KH&CN thì các cá nhân, tập thể cần đẩy nhanh việc phát triển thương hiệu cho các sản phẩm đặc thù của địa phương sau khi được bảo hộ.

UBND tỉnh, sở tiếp tục mở rộng tuyên truyền tính hiệu quả của việc đăng ký sở hữu trí tuệ và bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm; tổ chức các lớp tập huấn, hội nghị hội thảo để nâng cao nhận thức cho các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Chính quyền các cấp, các ngành chức năng cần tăng cường hỗ trợ, hướng dẫn kịp thời cho các cá nhân, doanh nghiệp trong việc đăng ký bảo hộ cho các sản phẩm nông sản của địa phương.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp tục đẩy mạnh việc đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO