Tiêu hữu cơ đang đối diện với nhiều nguy cơ

Hồng Thoan - Phan Tuấn| 16/06/2020 09:44

Những năm qua, cùng với dịch bệnh bùng phát, sản phẩm hồ tiêu bị mất giá, nên nhiều người dân trên địa bàn tỉnh đã chuyển hướng, tập trung phát triển hồ tiêu hữu cơ, sinh học để bảo đảm sự ổn định, bền vững. Thực tế, hồ tiêu hữu cơ đã mang lại thu nhập ổn định cho người dân, vì sản phẩm thường có giá cao hơn so với hồ tiêu thông thường. Thế nhưng, kế từ cuối năm 2019, giá tiêu hữu cơ cũng bất ngờ giảm mạnh, khiến cho nhiều hộ nông dân rơi vào tình thế khó khăn. Cùng với đó, việc phát triển hồ tiêu hữu cơ hiện nay cũng bộc lộ nhiều điểm yếu...

ADQuảng cáo

Bài 1: Chưa tránh được "vết xe đổ"

Sản xuất tiêu chuẩn hữu cơ đã trở thành “phao cứu sinh” cho nhiều nông dân trong những năm qua. Vì tiêu hữu cơ ít bị nhiễm bệnh, sản phẩm vẫn giữ được mức giá cao, ổn định. Thế nhưng, do phát triển tự phát, thị trường lại thiếu ổn định, nên tiêu hữu cơ cũng đi vào "vết xe đổ" của tiêu thường, khiến cho nông dân lúng túng, bế tắc trong sản xuất...

Đang vui bỗng "đứt dây đàn"

Những năm trước, dù chưa vào thu hoạch, nhưng nhiều doanh nghiệp đã đến tận nhà các hộ dân sản xuất tiêu hữu cơ để đặt hàng. Thế nhưng, vụ năm 2019-2020, tiêu hữu cơ bất ngờ rơi vào cảnh ế ẩm và rớt giá liên tục.

Ông Phạm Ngọc, xã Nhân Cơ (Đắk R'lấp) ngậm ngùi nhìn lượng hồ tiêu trong kho chưa thể xuất bán vì giá thấp

Gia đình ông Phạm Ngọc, thôn 6, xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp) dù đã thu hoạch tiêu từ khá lâu, nhưng vẫn chưa xuất bán được. Nguyên nhân mà ông Ngọc cho biết là vì giá hồ tiêu hữu cơ xuống quá thấp, nếu bán sẽ thua lỗ nặng nề.

Ông Ngọc buồn rầu: "Mọi năm, dù giá tiêu thường thị trường xuống mức 30.000 - 40.000 đồng/kg thì hồ tiêu hữu cơ của tôi vẫn bán với giá từ 90.000 - 125.000 đồng/kg. Vậy mà năm nay, không biết lý do gì doanh nghiệp thu mua chỉ báo giá mức 36.200 đồng/kg. Trong tình thế khó khăn, gia đình đã phải đi mượn gần 70 triệu đồng để trả tiền công chứ không dám bán tiêu vì sợ lỗ vốn".

Tương tự, ông Hồ Văn Thương, cũng ở thôn 6, xã Nhân Cơ, cũng có chung tâm sự khi giá hồ tiêu hữu cơ năm nay bỗ dưng èo uột. Theo ông Thương, gia đình ông có gần 3 ha tiêu trồng xen với cà phê và vụ mùa vừa qua thu được 4 tấn hạt. Sau khi thu hoạch tiêu xong, doanh nghiệp thu mua thông báo giá bằng với tiêu thường trên thị trường. “Mỗi kg tiêu hữu cơ mất chi phí 80.000 đồng mà bán được tầm 40.000 đồng/kg thì lỗ vốn nhiều quá. Đơn cử như gia đình tôi có 4 tấn tiêu hữu cơ, nếu đem bán sẽ lỗ mất 160 triệu đồng".

Trang trại Duy Hùng của bà Nguyễn Thị Lệ Hà, xã Đắk Ha (Đắk Glong), với 15 ha hồ tiêu hữu cơ cũng đang rơi vào cảnh bi đát. Bà Hà cho biết, đơn vị đã liên kết với một doanh nghiệp ở tỉnh Bắc Ninh để sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ. Giờ đây, với việc giá hồ tiêu hữu cơ xuống thấp đã khiến cho trang trại bị thua lỗ nặng nề.

“Sản xuất hồ tiêu hữu cơ mới nhen nhóm hy vọng cho người nông dân được khoảng 3 năm nay. Nhưng không ngờ nó lại bị giáng một "đòn chí mạng" về giá cả như vậy. Nông dân chúng tôi thực sự không thể tiếp tục theo đuổi quy trình sản xuất hữu cơ nữa”, bà Hà buồn rầu cho biết.

Trang trại Duy Hùng, xã Đắk Ha (Đắk Glong) hiện có 15 ha hồ tiêu đang gặp khó trong việc thuê nhân công cắt cỏ, tỉa cành, bón phân do chưa bán được sản phẩm

Còn ông Nguyễn Cao Nguyên, Phó Giám đốc HTX Hoàng Nguyên (Đắk Song) cũng cho rằng, với 100 ha hồ tiêu hữu cơ, việc chỉ bán ra được số lượng ít, giá thấp, khiến cho đơn vị không đủ kinh phí để duy trì hoạt động cho các xã viên.

ADQuảng cáo

"Hợp tác xã không thể vì cần tiền gấp mà bán giá xô ra thị trường được, vì như vậy sẽ thua lỗ rất nặng nề. Đơn vị mong muốn được cơ quan chức năng hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn ưu đãi trong giai đoạn này để tái sản xuất".

Theo Sở Nông nghiệp - PTNT, toàn tỉnh hiện có khoảng 237,7 ha hồ tiêu hữu cơ. Thời gian qua, giá hồ tiêu hữu cơ xuống rất thấp, giao động từ khoảng 35.000-45.000 đồng/kg. Mức giá này chỉ bằng khoảng 50% so với trước và tương đương với giá hồ tiêu thông thường. Điều này khiến cho người trồng tiêu hữu cơ bị thua lỗ nặng nề và gặp nhiều khó  khăn, nhất là việc tái đầu tư vườn cây.

Ngày 29/8/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 109/2018/NĐ-CP về Nông nghiệp hữu cơ. Nghị định này nêu: Nông nghiệp hữu cơ là hệ thống sản xuất bảo vệ tài nguyên đất, hệ sinh thái và sức khỏe con người, dựa vào các chu trình sinh thái, đa dạng sinh học thích ứng với điều kiện tự nhiên. Nông nghiệp hữu cơ không sử dụng các yếu tố gây tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái, là sự kết hợp kỹ thuật truyền thống và tiến bộ khoa học để làm lợi cho môi trường chung, tạo mối quan hệ công bằng và cuộc sống cân bằng cho mọi đối tượng trong hệ sinh thái.

Thị trường thiếu bền vững

Giai đoạn 2016-2018, ông Đặng Tấn Huynh, Giám đốc HTX hồ tiêu hữu cơ Đồng Thuận, xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp) phấn khởi khi cầm trên tay bản hợp đồng nguyên tắc với Công ty TNHH Hương gia vị Sơn Hà (Bắc Ninh). Theo nội dung hợp đồng này, HTX phải tuân thủ các nguyên tắc sản xuất hồ tiêu sinh thái từ khâu trồng cho đến khâu chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, vận chuyển. Công ty TNHH Hương gia vị Sơn Hà sẽ phối hợp với đơn vị thứ 3 đánh giá và cấp chứng chỉ sinh thái cho vùng nguyên liệu của HTX.

Ông Đặng Tấn Huynh, xã Nhân Cơ (Đắk R'lấp) gặp khó trong thuê lao động chăm sóc vườn cây

Đến vụ thu hoạch 2019, Công ty TNHH Hương gia vị Sơn Hà vẫn thu mua sản phẩm hồ tiêu sinh thái cho HTX hồ tiêu hữu cơ Đồng Thuận với giá 82.000 đồng/kg. Thế nhưng, đến cuối năm 2019, Công ty này đã không còn ký hợp đồng với HTX về nguyên tắc sản xuất hồ tiêu sinh thái năm 2020 nữa. HTX lúc này đã liên hệ với đại diện của Công ty và nhận được câu trả lời "cứ như mọi năm mà làm". Đến vụ thu hoạch tiêu năm 2020, Công ty TNHH Hương gia vị Sơn Hà bất ngờ thông báo mức giá sản phẩm tiêu hữu cơ là 45.000 đồng/kg. "Với giá này thì chắc chắn chúng tôi thua lỗ nặng nề, bởi chi phí sản xuất lớn hơn rất nhiều so với doanh thu", ông Huynh cho biết.

Chứng nhận của công ty TNHH Hương Gia Vị Sơn Hà (Bắc Ninh) cấp cho các hộ dân đã không còn giá trị

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đắk Nông, thời gian qua, sản phẩm hồ tiêu hữu cơ trên địa bàn tỉnh Đắk Nông chưa có thị trường đầu ra chính thức, ổn định. Phần lớn hồ tiêu hữu cơ đều được bà con nông dân bán cho Công ty TNHH Hương gia vị Sơn Hà chứ không có thị trường nào khác. Do đó, chỉ cần đơn vị này "hắt hơi sổ mũi", lập tức thị trường hồ tiêu hữu cơ của Đắk Nông bị ảnh hưởng. Thực tế, vụ tiêu năm nay, không riêng gì HTX hồ tiêu hữu cơ Đồng Thuận mà nhiều gia đình, doanh nghiệp sản xuất tiêu hữu cơ cũng rơi vào tình thế bị Công ty TNHH Hương gia vị Sơn Hà "lật kèo" và thua lỗ.

Trao đổi về bản hợp đồng nguyên tắc giữa Công ty TNHH Hương gia vị Sơn Hà với người dân, luật sư Dương Lê Sơn, Văn phòng Luật sư Lê Sơn (Đắk Lắk) cho biết: Theo Khoản 2, 3, Điều 676, Bộ luật Dân sự năm 2015, hợp đồng nguyên tắc mà Công ty ký kết với người dân là không tuân thủ các nội dung của hợp đồng dân sự và pháp luật. Do đó, hợp đồng này là vô hiệu, không có giá trị về mặt pháp lý.

Một thực tế khác, việc phát triển hồ tiêu hữu cơ thời gian qua cũng diễn ra theo dạng tự phát, chưa được sự khuyến cáo hay quy hoạch chính thức của ngành chức năng. Cụ thể hơn, thời gian qua, Công ty TNHH Hương gia vị Sơn Hà thường xuyên tiếp cận với người dân để liên kết phát triển hồ tiêu hữu cơ. Sau đó, chính doanh nghiệp này cấp giấy chứng nhận tiêu hữu cơ cho người dân và tự đưa ra mức giá mua sản phẩm. Dĩ nhiên, với lợi ích thực tế trước mắt, nhiều người dân đã "chạy theo" phong trào phát triển tiêu hữu cơ. Điều này đã tạo nên "làn sóng" phát triển hồ tiêu hữu cơ khá ồ ạt trên địa bàn Đắk Nông. Cụ thể, vào năm 2015, toàn tỉnh chỉ có vài ba hộ trồng tiêu hữu cơ thì đến nay, đã có khoảng 70  hộ, với tổng diện tích 237,7 ha. Hầu hết tất cả các hộ này đều có sự liên kết với Công ty TNHH Hương gia vị Sơn Hà.

Mới đây, phóng viên Báo Đắk Nông đã liên hệ với Công ty TNHH Hương gia vị Sơn Hà để tìm hiểu về hồ tiêu hữu cơ. Các vấn đề đặt ra của phóng viên đều được đại diện Công ty này hứa sẽ trả lời qua thư điện tử. Thế nhưng, cho đến nay, đơn vị này vẫn không có bất kỳ phản hồi nào.

>>Bài 2: Cần phải vượt qua nhiều "chướng ngại vật"

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiêu hữu cơ đang đối diện với nhiều nguy cơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO