Tiêu hữu cơ đang đối diện với nhiều nguy cơ (bài 2): Cần phải vượt qua nhiều "chướng ngại vật"

Hồng Thoan - Phan Tuấn| 17/06/2020 09:47

Sản xuất hữu cơ rõ ràng là xu thế tất yếu, mang lại nhiều lợi ích lâu dài. Thế nhưng, thực tế cho thấy, việc sản xuất hồ tiêu đạt tiêu chuẩn hữu cơ hiện nay đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là chuyện cân đối giữa cung và cầu.

ADQuảng cáo

Gian nan "cung đường" hữu cơ

Sản xuất hồ tiêu hữu cơ bắt buộc không được sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học. Việc chăm sóc cây trồng người dân chủ yếu sử dụng phân bón tự nhiên hoặc có nguồn gốc tự nhiên, thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu bệnh thân thiện với môi trường. Chính vì thế, sản phẩm hồ tiêu hữu cơ không chỉ bảo đảm sự an toàn với môi trường sinh thái mà còn đáp ứng các yêu cầu về sức khỏe, thu nhập cho người lao động.

Hồ tiêu hữu cơ tại HTX Hoàng Nguyên (Đắk Song) tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình từ trồng, thu hái, phơi, bảo quản

Theo ông Nguyễn Cao Nguyên, Phó Giám đốc HTX Hoàng Nguyên (Đắk Song), để được công nhận sản phẩm hồ tiêu hữu cơ phải đáp ứng nhiều thủ tục, các bước thẩm định gắt gao. Trước hết, sản phẩm hồ tiêu đạt tiêu chuẩn hữu cơ nhất định không được tồn dư các chất hóa học độc hại đối với sức khỏe con người. “Người trồng chỉ cần không tuân thủ chỉ một công đoạn nhỏ trong sản xuất hồ tiêu hữu cơ thì cả quá trình sản xuất coi như đổ bể. Việc người dân đạt được chứng nhận hữu cơ chứng tỏ họ rất quyết tâm và có tâm huyết cao với nông nghiệp sạch, sức khỏe người tiêu dùng”, ông Nguyên nhấn mạnh.

Ở góc độ khác, ông Nguyễn Thành Đạt, Giám đốc sản xuất Công ty xuất nhập khẩu Liên Thành (Bình Dương), một đơn vị xuất khẩu hồ tiêu hàng đầu Việt Nam cho rằng: Về quy trình, việc sản xuất hồ tiêu hữu cơ theo tiêu chuẩn của các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hà Lan giống nhau đến 95%. Sản phẩm hữu cơ ở mỗi thị trường hình thành theo chuỗi giá trị từ nông hộ, đối tác thu mua, đơn vị sản xuất cho đến nhà phân phối. Chỉ cần một “mắt xích” trong chuỗi giá trị trên không đạt chuẩn hữu cơ thì sản phẩm nông nghiệp đó sẽ không được công nhận đạt chuẩn hữu cơ.

Cũng theo ông Đạt, để được công nhận tiêu chuẩn hữu cơ người nông dân tốn kém rất nhiều tiền của, công sức. Thế nhưng, không có nghĩa là một sản phẩm đạt tiêu chuẩn hữu cơ của thị trường này sẽ đồng nghĩa được công nhận ở thị trường khác. Một sản phẩm đạt tiêu chuẩn hồ tiêu hữu cơ ở Hoa Kỳ nhưng không được công nhận ở thị trường Hà Lan, Nhật Bản… là điều hết sức bình thường.

“Đối với việc sản xuất hồ tiêu hữu cơ nói riêng và các sản phẩm khác nói chung không có chuyện “lấy râu ông này chắp cằm bà kia”. Đây cũng là khó khăn bởi mỗi thị trường đều có tiêu chuẩn và kênh tiêu thụ khác nhau”, ông Đạt khẳng định.

Mô hình hồ tiêu hữu cơ của gia đình ông Lê Văn Bạo, xã Nam Bình (Đắk Song) là điểm được tỉnh giới thiệu cho thứ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT Lê Quốc Doanh (bên trái ảnh) tham qua trong năm 2019

Và "bài toán" cung vượt cầu

ADQuảng cáo

Bà Nguyễn Thị Tình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông cho biết: Thực tế thì sở đã khuyến cáo, hướng dẫn người dân sản xuất hồ tiêu hữu cơ. Thế nhưng, hiện vẫn chưa có vùng nào được quy hoạch để trồng hồ tiêu hữu cơ. Sản xuất hồ tiêu chủ yếu còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, manh mún, thiếu sự liên kết sản xuất giữa người nông dân với người nông dân, cũng như với doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ… để xây dựng các chuỗi giá trị sản xuất.

Hiện nay, Đắk Nông đã có một số hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết sản xuất hồ tiêu theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, sản xuất theo hướng hữu cơ (Organic) và đã được một số công ty, doanh nghiệp cam kết thu mua sản phẩm với giá cao hơn giá thị trường. Tuy nhiên quy mô còn nhỏ, sản lượng ít, hợp đồng liên kết không rõ ràng. Trước bối cảnh giá hồ tiêu xuống thấp, vì chạy theo lợi nhuận, hầu như sự liên kết không có giá trị và đã xảy ra việc có công ty "quay lưng" với người sản xuất như trường hợp của Công ty TNHH Hương gia vị Sơn Hà (Bắc Ninh).

Bà Tình cũng nhấn mạnh: "Việc giá hồ tiêu nói chung, hồ tiêu hữu cơ nói riêng giảm nguyên nhân chính là do cung vượt cầu. Nguồn cung thế giới tăng từ 8-10%/năm trong khi nhu cầu chỉ tăng 2%/năm".

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp - PTNT tại hội nghị phát triển hồ tiêu bền vững đáp ứng yêu cầu các Hiệp định thương mại tự do diễn ra tại thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông năm 2019: Những năm qua diện tích hồ tiêu của Việt Nam tăng rất nhanh. Năm 2001 cả nước có 35,3 ngàn ha, năm 2010 lên 51,5 ngàn ha, đến năm 2017 lên đến trên 151,9 ngàn ha. Năm 2018 diện tích hồ tiêu có dấu hiệu giảm dần còn 149,8 ngàn ha và dự kiến năm 2019 khoảng 140 ngàn ha. Như vậy, nếu lấy con số 140 ngàn ha thì đã vượt gấp 2,8 lần so với quy hoạch của bộ này đến năm 2020 (50 ngàn ha).

Trao đổi về vấn đề này, với tư cách là thành viên Ban Chấp hành Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam, ông Đinh Xuân Thu (chủ Trang trại Thu Thủy ở Đắk Song) cũng nêu cùng quan điểm trên: Trên thế giới, nhu cầu sử dụng hồ tiêu hữu cơ chỉ chiếm khoảng 2%, tương ứng trữ lượng từ 3.000 – 5.000 tấn. Với việc nhiều người dân đua nhau sản xuất hồ tiêu hữu cơ nên đã dẫn đến việc cung vượt quá cầu. Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp cũng là một yếu tố chính tác động giá cả hồ tiêu hữu cơ đang đi xuống.

Mô hình hồ tiêu hữu cơ của gia đình ông Lê Văn Bạo, xã Nam Bình (Đắk Song) đã được thứ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Lê Quốc Doanh đánh giá cao

Chia sẻ về hướng đi bền vững cho hồ tiêu hữu cơ Việt Nam, theo ông Lâm Hoàng Quốc Khôi, chuyên gia thị trường Công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice Việt Nam thì, nếu người nông dân độc lập làm chứng nhận, sản xuất hồ tiêu hữu cơ thì phải bán được giá 60 ngàn đồng/kg trở lên thì mới có lãi. Còn nếu công ty đầu tư, liên kết với người nông dân sản xuất hồ tiêu hữu cơ thì họ phải tính toán về mặt giá cả, sản lượng, quy mô một cách rõ ràng. Thế nên, trong quá trình sản xuất hồ tiêu hữu cơ, người nông dân ký hợp đồng liên kết với doanh nghiệp nhất định phải thống nhất được 3 tiêu chí về giá cả, sản lượng, thời gian thu mua rồi mới ký kết hợp đồng. Nhà nước cũng cần hỗ trợ người nông dân liên kết đầu ra, quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường trên thế giới”.

Người trồng hồ tiêu hữu cơ đang cần sự hỗ trợ thiết thực từ Nhà nước

Đắk Nông định hướng đến 2020 diện tích hồ tiều là 27.000 ha. Thế nhưng, đến năm 2019, diện tích hồ tiêu toàn tỉnh đã là 34.000 ha, tức là vượt quy hoạch 7.000 ha. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nguồn cung đã lớn hơn so với cầu rất nhiều. Hậu quả trước mắt đã thấy rõ, giá hồ tiêu đã giảm xuống "chạm đáy". Đi kèm với đó là hàng loạt khó khăn xảy đến với người dân, doanh nghiệp và thậm chí là cả ngành hồ tiêu. Do đó, đối với việc sản xuất hồ tiêu hữu cơ cũng vậy, để tồn tại và phát triển ổn được, đòi hỏi Nhà nước, người dân và doanh nghiệp có "tiếng nói chung" để cùng giải quyết những vấn đề mang tính "rào cản".

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiêu hữu cơ đang đối diện với nhiều nguy cơ (bài 2): Cần phải vượt qua nhiều "chướng ngại vật"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO