Tìm giải pháp để sản xuất cà phê thích ứng với biến đổi khí hậu

Bình Minh| 27/07/2017 08:59

Tính đến hết tháng 6/2017, tổng diện tích cà phê toàn tỉnh có 123.568 ha, tăng 3,41% so với cùng kỳ năm trước.

ADQuảng cáo

Tình trạng biến đổi khí hậu đang trở thành vấn đề nan giải, tác động mạnh nhất đến quá trình canh tác cà phê của bà con nông dân, gây ra những hậu quả tiêu cực như cây ra hoa trái vụ gây khó khăn trong quá trình chăm sóc, rồi khô hạn... dẫn đến giảm năng suất, sản lượng…Chỉ tính riêng trong mùa khô năm 2016, hạn hán gay gắt đã làm trên 23.000 ha cà phê trên địa bàn tỉnh bị thiếu nước làm giảm năng suất và mất trắng.

Theo TS. Trần Văn Khởi, Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ Nông nghiệp-PTNT) thì biến đổi khí hậu ngày càng ảnh hưởng rõ nét, sâu sắc đến sản xuất nông nghiệp vùng Tây Nguyên. Hậu quả của điều kiện thời tiết bất thường làm tăng chi phí sản xuất, sâu bệnh hại phát triển mạnh, cà phê giảm năng suất và chất lượng khiến sức cạnh tranh giảm. Trước tình hình trên, ngoài các giải pháp cấp bách cho sản xuất cà phê năm 2017, việc quán triệt sản xuất cà phê tập trung trong vùng quy hoạch có vai trò rất quan trọng. Các tỉnh khuyến cáo không sản xuất cà phê ở những vùng đất không thích hợp, không chủ động được nguồn nước; kiên quyết chuyển đổi cây trồng đối với những diện tích cà phê ngoài vùng quy hoạch, sản xuất kém hiệu quả.

Theo các chuyên gia, trước những diễn biến phức tạp của khí hậu gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất cà phê, việc chia sẻ những kinh nghiệm trong canh tác cà phê, đề ra các giải pháp nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu là rất cần thiết.

Trước những diễn biến bất thường của biến đổi khí hậu, theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp -PTNT), mục tiêu trong những năm tới là xây dựng ngành cà phê Việt Nam theo hướng hiện đại, đồng bộ, bền vững, có tính cạnh tranh cao với các sản phẩm đa dạng, có chất lượng. Cả nước ổn định diện tích 600.000 ha, trong đó 80% diện tích áp dụng quy trình sản xuất bền vững.

Để đạt được mục tiêu này, Cục Trồng trọt khuyến cáo cần nghiên cứu và đưa vào sản xuất những giống chín muộn để tránh rủi ro do mùa mưa chấm dứt muộn; giống có khả năng thích ứng với điều kiện bất thuận của biến đổi khí hậu (như khô hạn, mưa trái mùa). Các địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước về sản xuất, kinh doanh giống cà phê trên địa bàn, gắn với cơ cấu giống đã ban hành, bảo đảm việc tái canh, ghép cải tạo sử dụng 100% giống theo quy định; nâng diện tích cà phê chè Arabica ở những vùng có điều kiện. Công tác tái canh, ghép cải tạo cà phê bằng giống mới với độ đồng đều cao để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế có vai trò mang tính then chốt.

ADQuảng cáo

Việc trồng cây che bóng, chắn gió bảo đảm cho vườn cà phê sinh trưởng phát triển tốt, ổn định, lâu dài có vai trò vô cùng quan trọng. Các cây trồng xen như hồ tiêu, bơ, sầu riêng, điều để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, hiệu quả kinh tế và giảm nguy cơ khi có rủi ro có thể xảy ra; mặt khác, những cây này che bóng, chắn gió tốt cho vườn cà phê. Qua thực tế thì việc trồng xen cây ăn quả, hồ tiêu, điều trong vườn cà phê phát huy hiệu quả cao trong sản xuất bền vững.

Gia đình anh Đàm Xuân Thanh ở thôn 9B, xã Đắk Lao (Đắk Mil) hiện có 4 ha cà phê trồng xen các loại cây ăn trái như sầu riêng, mít, bơ, hàng năm đem lại mức thu nhập trên 600 triệu đồng. Sau nhiều năm nỗ lực “lấy ngắn nuôi dài”, đến năm 2002, anh có 4 ha cà phê. Nhờ được trồng đúng kỹ thuật, chăm sóc đúng cách nên vườn cây của anh phát triển tốt, cho năng suất khá cao và tăng dần. Trung bình 5 năm đầu, năng suất đạt khoảng 2,5 tấn/ha, đến nay bình quân đạt 4 tấn/ha.

Để có được mức năng suất cao và ổn định như thế, phương châm mà anh Thanh đưa ra đó là trồng xen cà phê với các loại cây trồng khác và sử dụng các loại phân bón hữu cơ, thuốc sinh học. Vườn cây cà phê của anh hiện trồng xen khoảng 400 cây sầu riêng, 1.000 cây bơ và hàng trăm cây mít với sản lượng hàng chục tấn mỗi năm.

Tương tự, gia đình chị Nguyễn Hồng Vân ở bon Bu Kon, phường Nghĩa Tân (Gia Nghĩa) hiện có 50 cây điều được trồng xen trong vườn cà phê đang cho kinh doanh và 30 cây đang cho thu bói. Vụ này, 50 cây điều kinh doanh cho gia đình chị Vân thu nhập 40 triệu đồng. Mỗi cây điều đạt năng suất từ 25 - 35 kg hạt, đem về gần 1 triệu đồng.

Chị Vân chia sẻ kinh nghiệm: “Cứ 1 ha cà phê thì trồng xen được khoảng 80 cây điều thực sinh, tức là 3 hàng cà phê thì trồng 1 hàng điều. Cây điều cũng phải chăm sóc thì mới đạt năng suất cao. Gia đình tôi cũng đã đầu tư bón phân chuồng được ủ kỹ và các loại phân khác, tỉa cành tạo tán, phun thuốc trừ sâu cho cây điều chứ không xem là cây trồng phụ”.

Có thể nói, cùng với các biện pháp khác, việc trồng xen cây ăn quả, cây điều trong vườn cà phê là cách làm góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích đất canh tác. Các loại cây trồng xen vừa có tác dụng chắn gió, giữ ẩm tốt cho cây cà phê vừa có thêm thu nhập và bảo đảm năng suất cao.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tìm giải pháp để sản xuất cà phê thích ứng với biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO