Tìm giải pháp di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Công Tính| 20/03/2020 08:00

UBND tỉnh chỉ đạo ngành chuyên môn xây dựng Dự thảo Nghị quyết Quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi. Đối chiếu với thực tế, vấn đề này đang rất cần được cân nhắc, tính toán một cách kỹ lưỡng mới có thể đưa được nghị quyết đi vào cuộc sống.

ADQuảng cáo

Mặt trái chăn nuôi trong khu dân cư

Thời gian gần đây, có khá nhiều hộ gia đình trong tỉnh đầu tư nuôi chim yến. Ngoài xây dựng cơ sở mới, có gia đình tận dụng cơi nới, nâng tầng các căn nhà sẵn có để nuôi chim yến. Trong số cả chục gia đình đầu tư vào nuôi chim yến, nhiều hộ thành công và có nguồn thu cả trăm triệu đồng mỗi năm. 

Căn nhà vừa dùng làm nơi ở, vừa nuôi chim yến mới được xây dựng ở phường Nghĩa Đức, thành phố Gia Nghĩa

Không rõ về hiệu quả kinh tế nuôi chim yến, nhưng cái mà anh N.V.T, ở phường Nghĩa Đức (Gia Nghĩa) cảm nhận được là nghe tiếng loa gọi chim réo rắt, rất khó chịu. Mỗi ngày phải nghe tiếng loa gọi chim hàng giờ đồng hồ, nhưng anh T và mọi người trong xóm cũng đành chấp nhận sống chung với tiếng ồn.

“Nếu có hộ gia đình trong xóm nuôi lợn, nuôi gà mà phát sinh mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường, mình còn nói được. Còn với tiếng ồn từ nuôi chim yến thì người dân chúng tôi cũng đành chấp nhận chịu trận”, anh T phân trần.

Bàn về giải pháp di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu đô thị, khu dân cư, tại phiên họp thành viên UBND tỉnh vào tháng 3/2020, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Thanh Tùng cho rằng, ngoài ô nhiễm tiếng ồn, việc chăn nuôi chim yến trong khu dân cư, khu đô thị còn dễ phát sinh dịch bệnh trên vật nuôi. “Chim yến cũng như một số động vật trong tự nhiên thường mang nhiều mầm bệnh. Vì vậy, việc quy hoạch được vùng, khu vực nuôi chim yến sẽ giúp giảm nguy cơ lây lan dịch đến các loại vật nuôi khác”, ông Trương Thanh Tùng phân tích.

Cần di dời 28 cơ sở nuôi chim yến trong khu dân cư

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, toàn tỉnh hiện có hơn 70 cơ sở nuôi chim yến. Theo Dự thảo Nghị quyết của tỉnh, trong số này có 28 cơ sở nằm trong khu đô thị, khu dân cư cần phải di dời. Tuy nhiên, theo một số hộ nuôi chim yến, số cơ sở nuôi chim yến thực tế trên địa bàn tỉnh còn cao hơn.

Thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, tính đến tháng 12/2019, toàn tỉnh có khoảng 5.000 cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trong đó, gia súc (trâu, bò, lợn, dê) có khoảng 303.200 con và khoảng 2,3 triệu con gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng, chim cút).

Theo bà Nguyễn Thị Tình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, các cơ sở chăn nuôi này phần lớn là quy mô nhỏ lẻ, phân tán, nằm xen kẽ trong khu dân cư. Thực tế, việc thu gom, xử lý nước thải, chất thải chăn nuôi chưa triệt để, nên tình trạng ô nhiễm môi trường còn xảy ra...

“Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Đặc biệt, nguy cơ cao lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm, nguy hiểm từ động vật sang người”, bà Tình nhấn mạnh.

ADQuảng cáo

Ngoài xây dựng mới, nhiều hộ dân còn tận dụng không gian trống trong nhà để nuôi chim yến

Cần thiết phải di dời

Theo báo cáo đánh giá tác động của Nghị quyết, toàn tỉnh có khoảng 500 cơ sở chăn nuôi cần phải di dời từ nội thành của thành phố, thị trấn, khu dân cư ra bên ngoài. Cụ thể, hộ chăn nuôi thuộc diện di dời khoảng 500 hộ gồm: 199 cơ sở chăn nuôi lợn, với tổng đàn khoảng 3.115 con; 173 cơ sở chăn nuôi gia cầm, tổng đàn 33.506 con; hơn 100 cơ sở chăn nuôi trâu bò, tổng đàn gần 556 con và khoảng 28 cơ sở nuôi chim yến. Để việc di dời những cơ sở này thuận lợi, tỉnh dự kiến hỗ trợ bằng các hình thức như: Hỗ trợ chi phí di chuyển, hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất…

Về giải pháp thực hiện, ngoài việc di dời và được hỗ trợ theo quy định thì cơ sở chăn nuôi có thể giữ nguyên hiện trạng và không hỗ trợ chi phí di dời. Trường hợp giữ nguyên hiện trạng sẽ được kéo dài đến hết ngày 31/12/2024, chủ cơ sở chăn nuôi phải tự chấm dứt hoạt động chăn nuôi và di dời cơ sở chăn nuôi đến địa điểm phù hợp.

Góp ý đối với Dự thảo Nghị quyết, ông Nguyễn Trung Hiếu, Giám đốc Sở Tư pháp khẳng định: Việc di dời cơ sở chăn nuôi trong khu dân cư sẽ hướng đến tính ổn định, bền vững về môi trường. Mặt khác, căn cứ Luật Chăn nuôi năm 2018 (có hiệu lực 1/1/2020-PV) thì việc tỉnh xây dựng nghị quyết, cũng như triển khai lộ trình hạn chế chăn nuôi trong khu dân cư là cần thiết.

Ngoài yếu tố môi trường, dịch bệnh, bà Nguyễn Thị Tình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT khẳng định, việc di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư sẽ tạo thuận lợi cho chính các cơ sở này hoạt động ổn định, mở rộng quy mô và phát triển sản xuất…  

Gần 4 tỷ đồng thực hiện di dời

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, tổng kinh phí thực hiện di dời các cơ sở chăn nuôi theo Dự thảo Nghị quyết khoảng 4 tỷ đồng. Cụ thể: Kinh phí hỗ trợ di dời ở phạm vi trong tỉnh và sang tỉnh khác là 662 triệu đồng; kinh phí hỗ trợ ổn định đời sống sản xuất hơn 3,1 tỷ đồng; kinh phí thống kê, hỗ trợ thực hiện di dời 140 triệu đồng. 

Băn khoăn hiệu quả thực tiễn

Di dời cơ sở chăn nuôi trong khu đô thị, khu dân cư là cần thiết. Tuy nhiên, theo ông Phan Quốc Lập, Phó Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh, các cơ quan, đơn vị liên quan phải có đánh giá, tính toán cụ thể hơn nữa. Điển hình như quy mô chăn nuôi, phải xác định cụ thể, rõ ràng để có chính sách hỗ trợ phù hợp. Tương tự, về mức độ hỗ trợ, ngoài hỗ trợ chi phí di dời cũng cần tính toán, xem xét cụ thể việc hỗ trợ các cơ sở chăn nuôi sau di dời để người chăn nuôi ổn định sản xuất.

Cấm chăn nuôi trong khu dân cư

Điều 12, luật Chăn nuôi năm 2018 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020), quy định: Hành vi bị nghiêm cấm là chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư, trừ nuôi động vật làm cảnh, nuôi động vật trong phòng thí nghiệm mà không gây ô nhiễm môi trường.

Tại Điều 56, luật Chăn nuôi quy định, chăn nuôi nông hộ phải đáp ứng các yêu cầu: Chuồng nuôi phải tách biệt với nơi ở của người; định kỳ vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi; có các biện pháp phù hợp để vệ sinh phòng dịch; thu gom, xử lý phân, nước thải chăn nuôi…

Phân tích về tính hiệu quả, khả thi trong việc di dời các cơ sở chăn nuôi ở khu đô thị, khu dân cư, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Bốn đề nghị các cơ quan liên quan và từng địa phương phải có những nghiên cứu, tính toán cụ thể hơn nữa. “Việc chăn nuôi nhỏ lẻ trong dân cư còn nhiều và cũng là tập tục khó bỏ, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy, trong quá trình xây dựng chính sách cần phải có lộ trình, thực hiện bài bản, để khi ban hành Nghị quyết đạt được hiệu quả cao nhất”, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Bốn nhấn mạnh.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tìm giải pháp di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO