Tín dụng ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn: Nhiều chính sách chưa đến được đối tượng thụ hưởng

Lương Nguyễn| 24/04/2018 10:47

Thời gian qua, nhiều chính sách về vốn liên quan đến lĩnh vực đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn đã được Chính phủ ban hành, tạo điều kiện doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) có cơ hội tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn nhiều khách hàng chưa được hưởng lợi từ chính sách ưu đãi của Nhà nước.

ADQuảng cáo

Công ty TNHH Trang trại xanh Thu Thủy (Đắk Song) là một trong số ít doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được tiếp cận vốn vay từ ngân hàng thương mại

Chính sách thông thoáng và nhiều ưu đãi

Trong dòng tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Nghị định 55/NĐ-CP (NĐ 55) của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn được xem là “cú hích” tạo đà cho lĩnh vực này. Điểm nổi bật của NĐ 55 là bổ sung thêm đối tượng được vay vốn, bao gồm: Cá nhân, hộ gia đình cư trú trên địa bàn nông thôn hoặc có tham gia sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.

NĐ 55 cho phép cho vay không có tài sản bảo đảm lên đến 70-80% giá trị dự án sản xuất. Cùng với đó, lãi suất cho vay đối với lĩnh vực này phổ biến từ 6,5-8%/năm (thấp hơn mức lãi suất cho vay thông thường). Lãi suất cho vay ngắn hạn khống chế dưới 7%/năm. Đối với chương trình tín dụng đặc thù thì lãi suất chỉ khoảng 5-6%/năm... Ưu đãi nhiều và điều kiện cho vay theo Nghị định 55 khá thông thoáng.

Cũng liên quan đến cho vay nông nghiệp, nông thôn, trong năm 2017, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có Quyết định số 813 về chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30/NQ-CP, ngày 7/3/2017 của Chính phủ. Theo quyết định này, có một gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ nông nghiệp công nghệ cao, với lãi suất ưu đãi thấp, từ 0,5%/năm đến 1,5%/năm so với các chương trình cho vay khác.

Ngoài hai chính sách chủ lực trên, hiện nay, chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp thực hiện theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg của thủ tướng Chính phủ cũng đang được triển khai.

Những “rào cản... mềm”

Các chính sách hỗ trợ hướng tới khu vực nông nghiệp, nông thôn được xây dựng với mục đích, ý nghĩa thiết thực cho doanh nghiệp, HTX hoạt động trong lĩnh vực này. Nhiều ngân hàng lớn cũng ưu tiên dành nguồn vốn cho vay lĩnh vực này. Vậy nhưng, tiến độ giải ngân của gói tín dụng phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn lại rất chậm.

Ví dụ, theo khung cơ chế cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tại NĐ 55, ngân hàng sẽ cho HTX vay không cần thế chấp tài sản, với số vốn tối đa hơn 1 tỷ đồng. Để có được ưu đãi này, các HTX phải đưa ra phương án kinh doanh khả thi, bảo đảm được các tiêu chí về tư cách pháp lý, khả năng tiêu thụ sản phẩm trên thị trường, khả năng hoàn trả vốn. Trong khi, phần lớn các HTX trên địa bàn tỉnh đều rơi vào tình trạng 6 không (không trụ sở, không có hoặc rất ít vốn điều lệ, không có phương án sản xuất kinh doanh, không hạch toán, không có hợp đồng bao tiêu.

ADQuảng cáo

Về nhân sự, ban quản lý HTX thực sự không đáp ứng được yêu cầu).  Đây là nguyên nhân lý giải vì sao số HTX được tiếp cận vốn tại các ngân hàng thương mại rất ít. Đến nay, toàn tỉnh mới chỉ có 3 HTX được vay vốn trong số hàng chục HTX có nhu cầu vay vốn để phục vụ sản xuất. Cùng với năng lực có “vấn đề”, thì thủ tục tiếp cận nguồn vốn tín dụng còn nhiều phức tạp. Khi ngân hàng yêu cầu nhiều loại giấy chứng nhận, đăng ký, tài sản thế chấp hay nhiều điều kiện khác khiến doanh nghiệp nản lòng.

Ông Đinh Văn Chuyên, đại diện Công ty TNHH MTV Sản xuất, chế biến Bông Lúa Việt (Krông Nô) chia sẻ: “Doanh nghiệp, HTX, chủ trang trại muốn vay vốn phát triển nông nghiệp thông thường phải có tài sản thế chấp. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều hộ gia đình chưa được cấp “sổ đỏ”. Mà để cấp được sổ này cần rất nhiều thủ tục hành chính liên quan”.  

Không tiếp cận được chính sách, ngoài nguyên nhân xuất phát từ chính doanh nghiệp, HTX thì “rào cản” từ các tổ chức tín dụng cũng là vấn đề đáng bàn. Theo đại diện nhiều ngân hàng thương mại trên địa bàn, hiện nay, họ còn quan ngại cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Do đây là lĩnh vực có khả năng sinh lời thấp, nhiều rủi ro, các phương án sản xuất kinh doanh chưa hiệu quả nên tổ chức tín dụng gặp nhiều khó khăn khi xét duyệt cho vay. Trong khi đó, bản thân các ngân hàng cũng là doanh nghiệp, kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ nên vấn đề an toàn, tính khả thi của nguồn vốn luôn đặt lên hàng đầu.

Ông Trần Hữu Phú An, Trưởng Phòng Tổng hợp-Kiểm soát nội bộ (Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh) cho biết: “Các doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn vay phát triển nông nghiệp do vốn đầu tư cho dự án lớn, nhưng hầu hết sản phẩm tiêu thụ chưa ổn định. Hiện các công trình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như nhà kính, nhà lưới… chưa được cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc làm thủ tục đăng ký giao dịch, bảo đảm thế chấp cho khoản vay tại ngân hàng”.

“Theo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, tính đến hết tháng 3/2018, tổng dư nợ trên địa bàn tỉnh là gần 22.000 tỷ đồng. Trong đó, tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn chiếm trên 75% tổng dư nợ. Tuy nhiên, tín dụng nông nghiệp, nông thôn chủ yếu tập trung vào khách hàng là cá nhân, còn với doanh nghiệp, HTX hoạt động trong lĩnh vực này được tiếp cận vốn còn khá khiêm tốn.

Cần nỗ lực từ nhiều phía

Thực tế, với mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, sản xuất theo tiêu chuẩn hàng hóa, rất cần những giải pháp cụ thể từ chính quyền địa phương, cũng như các đơn vị liên quan. Trước hết, về phía doanh nghiệp, HTX cần có phương án, dự án kinh doanh khả thi.

Ông Lê Văn Cường, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển tỉnh cho biết: “Tài sản thế chấp xét về khía cạnh nào đó không phải là vấn đề. Cái chính, cốt lõi là năng lực thực sự của doanh nghiệp, HTX đầu tư cho nông nghiệp về cả kiến thức kinh nghiệm trong quản lý, sản xuất”.

Cùng với nỗ lực của doanh nghiệp, HTX, về phía các tổ chức tín dụng ngân hàng cũng phải cơ cấu lại mạng lưới, kênh phân phối hoạt động, có biện pháp phối hợp chính sách với các cơ quan, tổ chức liên quan để tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. 

Cùng với đó, các cấp có thẩm quyền cần đẩy nhanh tiến độ, đơn giản hóa trình tự thủ tục cấp chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản trên đất. Nhà nước bám sát thực tiễn, từ đó, có cơ chế định giá đất nông nghiệp với một số địa phương để tạo điều kiện cho khách hàng có cơ sở thế chấp cho vay, bảo đảm đầu tư đủ vốn cho doanh nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tín dụng ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn: Nhiều chính sách chưa đến được đối tượng thụ hưởng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO