Tín dụng tăng trưởng ổn định

Nguyễn Lương| 11/01/2021 09:24

Năm 2020, mặc dù liên tục phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, cắt giảm lợi nhuận để chia sẻ với nền kinh tế do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nhưng các ngân hàng vẫn đạt mức tăng trưởng ấn tượng.

ADQuảng cáo

Đẩy mạnh cho vay lĩnh vực ưu tiên

Đến hết 31/12/2020, tổng dư nợ cho vay toàn ngành ngân hàng đối với nền kinh tế trên địa bàn là 29.955 tỷ đồng, tăng 6,52% so với thời điểm đầu năm. Nguồn vốn huy động trong toàn ngành được trên 9.850 tỷ đồng, tăng 5,96% so với thời điểm 31/12/2019.

Khách hàng giao dịch tại Chi nhánh Ngân hàng Nam Á

So với mọi năm, mức tăng trưởng này khá thấp. Tuy nhiên, đặt trong tình hình các doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 trong năm 2020 thì đây là mức tăng trưởng tương đối khả quan.

Ông Hoàng Văn Minh, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, cho biết, trong điều kiện khó khăn chung do dịch bệnh, thiên tai, ngành ngân hàng không nằm ngoài bối cảnh đó. Khách hàng gặp khó khăn, tính thanh khoản nợ thấp.

Nhiều tổ chức tín dụng phải cắt giảm lợi nhuận. "Để đạt được mức tăng trưởng như vậy không phải chuyện dễ dàng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc hệ thống ngân hàng, nhất là các tổ chức tín dụng đã nỗ lực rất lớn", ông Minh đánh giá.

Một trong những lĩnh vực mà năm 2020, ngành ngân hàng tập trung nguồn vốn cho vay vẫn là nông nghiệp, nông thôn. Đến nay, dư nợ đối với lĩnh vực này đạt trên 25.900 tỷ đồng, tăng gần 6% so với đầu năm.

Để “khơi thông” nguồn vốn cho lĩnh vực này, các tổ chức tín dụng tích cực tìm kiếm khách hàng, nhất là khối khách hàng doanh nghiệp, hộ nông dân. Nhiều chương trình, chính sách ưu đãi về lãi suất, thời hạn vay cũng được các ngân hàng triển khai áp dụng. Đơn cử, Ngân hàng Nông nghiệp-PTNT Chi nhánh Đắk Nông, dư nợ trong lĩnh vực này là hơn 8.770 tỷ đồng, chiếm 80% tổng dư nợ toàn chi nhánh.

ADQuảng cáo

Theo ông Thân Văn Chí, Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp-PTNT Chi nhánh Đắk Nông, hàng tháng, đơn vị giao chỉ tiêu kế hoạch dư nợ cho vay đối với khách hàng pháp nhân để các đơn vị trực thuộc thực hiện.

Về phía các đơn vị trực thuộc thực hiện phân giao chỉ tiêu dư nợ cụ thể cho từng cán bộ tín dụng. Nhiều chương trình ưu đãi, chăm sóc khách hàng cũng nhận được mức đầu tư lớn, theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ, cải tiến dịch vụ, mở rộng mạng lưới, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng trong quá trình giao dịch.

Cùng với nông nghiệp, nông thôn, nhiều lĩnh vực ưu tiên khác cũng được các tổ chức tín dụng tăng cường nguồn vốn để phát triển như: cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa; cho vay tái canh cà phê…

Linh hoạt trong thực hiện chính sách

Trong năm 2020, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Điều này đồng nghĩa với việc hấp thụ vốn, thanh khoản nợ của doanh nghiệp cũng bị hạn chế. Trước thực tế này, ngành ngân hàng trên địa bàn tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, trong năm 2020, toàn ngành đã giảm lãi vay cho 574 khách hàng, với dư nợ được miễn, giảm lãi trên 230 tỷ đồng. Toàn tỉnh có 797 khách hàng được cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ. Dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ 499 tỷ đồng.

Ngoài ra, các tổ chức tín dụng đã xem xét giảm lãi cho vay của khách hàng hiện hữu từ 0,2% đến 0,75%/năm. Triển khai các chương trình ưu đãi lãi suất để đồng hành cùng khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, với lãi suất 2%/năm.

Liên quan đến việc thực hiện cơ chế, chính sách để hỗ trợ khách hàng, theo ông Hoàng Văn Minh, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, đơn vị đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát, đánh giá mức độ ảnh hưởng, thiệt hại của khách hàng để có giải pháp hỗ trợ.

Trên cơ sở này, hệ thống ngân hàng đã cùng vào cuộc, cùng đồng hành để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. Hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục đồng hành với khách hàng trong thời gian tới, nhằm tạo điều kiện về tài chính để góp phần vào sự phát triển kinh tế tại địa phương.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tín dụng tăng trưởng ổn định
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO