Trăn trở về "cây chủ lực" cà phê

Hồng Thoan| 31/07/2019 09:38

Cà phê được chọn là một trong những loại cây chủ lực của tỉnh Đắk Nông. Những năm qua, tỉnh đã có nhiều nỗ lực để "nâng tầm" cho cây cà phê nhưng thực tế hiệu quả sản xuất, giá trị sản phẩm loại cây này mới chỉ đạt ở mức trung bình thấp và còn nhiều vấn đề đặt ra.

ADQuảng cáo

Kỳ 1: Chưa xứng tầm "cây chủ lực"

Sản xuất cà phê trên địa bàn tỉnh đã có sự bùng nổ về số lượng, nhưng chất lượng, giá trị đem lại còn thấp. Ngoài ra, tình hình sản xuất cà phê còn phải đối diện với nhiều thách thức khác nhau.

Dù đầu tư khá lớn, nhưng vườn cà phê của gia đình ông Hoàng Ngọc Tùng, thôn Sadaco, xã Quảng Tín (Đắk R’lấp) chỉ đạt năng suất 3,5 tấn/ha

Dư lượng, thiếu chất

Trong những năm qua, diện tích cà phê của Đắk Nông liên tục tăng. Cụ thể, năm 2010, toàn tỉnh có khoảng 86.538 ha cà phê thì đến năm 2018 đã có hơn 131.000 ha. Cà phê cũng là cây trồng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong ngành nông nghiệp hiện nay, với khoảng 60%.

Có thể thấy, diện tích cây cà phê hiện nay đã vượt xa so với định hướng của tỉnh cũng như quy hoạch của Bộ Nông nghiệp - PTNT. Theo đó, định hướng quy hoạch của tỉnh, đến năm 2020, toàn tỉnh ổn định diện tích cà phê ở mức 123.000 ha. Thế nhưng, như đã nêu, đến nay diện tích cà phê trên toàn tỉnh đã lên đến hơn 131.000 ha (vượt 8.000 ha). Diện tích mở rộng, đương nhiên sản lượng cà phê của tỉnh cũng vì thế mà tăng lên. Năm 2010, sản lượng cà phê toàn tỉnh là 156.685 tấn. Năm 2018, tổng sản lượng cà phê đã đạt 291.000 tấn.

Dù có sự gia tăng mạnh mẽ cả về diện tích lẫn sản lượng, nhưng ngành cà phê Đắk Nông vẫn phải đối diện với thực tế đáng buồn là thiếu chất lượng. Như đã phân tích ở trên, tổng diện tích cà phê hiện nay là hơn 131.000 ha và tổng sản lượng là 291.000 tấn. Như vậy, tính bình quân thì mỗi ha cà phê hiện nay chỉ đạt sản lượng hơn 2,2 tấn. Đây là một con số quá thấp so với mặt bằng sản xuất cà phê của các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên chứ chưa nói đến các nước trên thế giới.

Sản lượng thấp đã đành, giá trị sản phẩm cà phê của Đắk Nông cũng thuộc vào diện "lẹt đẹt". Ở đây xin được đưa ra một thông số để minh chứng cho điều này. Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu cà phê trên địa bàn tỉnh đạt 199 triệu USD, với sản lượng xuất khẩu là 1.400 tấn cà phê bột và 250.000 tấn cà phê nhân thô. Có thể thấy, sản lượng cà phê bột (dạng sản phẩm có giá trị cao) xuất khẩu chỉ chiếm một con số rất nhỏ (hơn 0,55%) so với cà phê thô.

Dù được xác định là "cây chủ lực" và đang chiếm tới 60% diện tích trong cơ cấu công nghiệp hiện nay, song giá trị từ ngành cà phê mang lại còn đang ở mức hết sức khiêm tốn.

ADQuảng cáo

Cà phê mới trồng của  gia đình ông Nguyễn Phiếu, phường Nghĩa Trung (TX Gia Nghĩa) bị chết do cây giống không bảo đảm chất lượng

Nhận diện những thách thức

Hiện nay, việc phát triển bền vững cây cà phê đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Vấn đề đầu tiên được các nhà khoa học, các nhà chuyên môn và nông dân hay nói đến là sự suy giảm năng suất do diện tích cà phê già cỗi, gặp sâu bệnh và biến đổi khí hậu. 

Thực tế, để khắc phục những vấn đề này, năm 2016, UBND tỉnh đã triển khai thực hiện chương trình tái canh cà phê giai đoạn 2016-2020. Theo đó, đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ phấn đấu tái canh hơn 22.099 ha cà phê theo hai hình thức: Trồng mới (hơn 13.369 ha) và ghép cải tạo (hơn 8.729 ha). Đến nay, chương trình tái canh cà phê đã đi qua được hơn 2/3 chặng đường, nhưng theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, nhìn chung tiến độ chậm, thiếu đồng bộ. Đến nay, diện tích cà phê được tái canh chỉ có 11.700 ha, chưa bằng 50% so với kế hoạch do chương trình đề ra. Việc tái canh cà phê được thực hiện rải rác, nhỏ lẻ, nên chưa phát huy tốt hiệu quả, mục tiêu theo chương trình.

Những năm gần đây, cây cà phê cũng chịu nhiều tác động từ biến đổi khí hậu. Ngoài hiện tượng mưa trái mùa thì nỗi lo lớn nhất của nông dân là việc thiếu hụt nước tưới vào mùa khô. Hàng năm, có hàng ngàn ha cà phê của nông dân thiếu nước tưới, dẫn đến mất mùa hoặc giảm năng suất trầm trọng. Đỉnh điểm nhất năm 2016, toàn tỉnh có 22.000 ha cà phê bị ảnh hưởng bởi hạn hán, trong đó 20.000 ha bị giảm 30-70% năng suất và 2.000 ha  giảm trên 70% năng suất. Trong khi đó, việc quy hoạch cụ thể vùng, diện tích cà phê ở các địa phương để đưa vào quản lý theo quy hoạch, theo chuỗi giá trị còn nhiều hạn chế, nếu không nói bế tắc.

Vườn cà phê của gia đình bà HLang Buôn Giang, thôn Phú Lợi, xã Quảng Phú (Krông Nô) bị ảnh hưởng bởi khô hạn trong tháng 3/2019 nên mất mùa

Hiện nay, công nghiệp chế biến cà phê trên địa bàn tỉnh còn chậm phát triển. Cà phê cũng chưa có thương hiệu cạnh tranh và các hoạt động quảng bá sản phẩm đang còn ít. Thực tế trong thời gian qua, việc bán cà phê nhân thô là đặc điểm chung của hầu hết nông hộ và doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Lê Quang Dần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, hiện nay sản phẩm cà phê trên địa bàn tỉnh chủ yếu hái xong, phơi khô, xay tách hạt, bảo quản trong các bao bì thông thường rồi xuất bán cho thương lái. 90% sản lượng cà phê của tỉnh được xuất khẩu theo hình thức nhân thô. Việc áp dụng các phương pháp chế biến ướt và nửa ướt còn ít do chi phí đầu tư máy móc khá cao. Theo thống kê sơ bộ, hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 15 doanh nghiệp đang đầu tư sản xuất sản phẩm cà phê. Phần lớn các doanh nghiệp đều hoạt động ở quy mô vừa và nhỏ. Kế đó là các tiêu chuẩn quốc gia đối với cà phê như TCVN 4193:1993; TCVN 4193:2001; TCVN 4193:2005..., chúng ta cũng chưa áp dụng được nhiều, nên giá trị gia tăng trong mỗi sản phẩm chưa cao.  Về vấn đề nhãn hiệu, dù có một số doanh nghiệp bước đầu khẳng định được vị trí, nhưng do sự quảng bá, giới thiệu còn khiêm tốn, nên danh tiếng cà phê Đắk Nông chưa vươn xa được trên thị trường…

Đồng bộ với quy hoạch vùng nguyên liệu, giao thông vận tải, bảo vệ môi trường

Ông Nguyễn Duy Thụy, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên

Đắk Nông cần đồng bộ với các vấn đề, nhiệm vụ về quy hoạch vùng nguyên liệu, hệ thống giao thông vận tải thuận lợi. Yếu tố bảo vệ môi trường, tài nguyên cũng cần được chú trọng trong sản xuất nông nghiệp. Bởi vì nông dân trong tỉnh hiện nay vẫn còn tư tưởng lạm dụng phân bón hóa học gây thoái hóa đất đai, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nước tưới chưa đúng cách. Do đó, bảo vệ tài nguyên đất đai, nước, môi trường sinh thái là cốt lõi để nông nghiệp phát triển bền vững.

*****

Hỗ trợ nông dân nhiều hơn để tái canh cà phê hiệu quả

Bà Hoàng Thị Mùi, thôn Tân Lập, xã Đắk Ru, huyện Đắk R’lấp

Gia đình tôi hiện có 3 ha cà phê, trong đó diện tích bị sâu bệnh, già cỗi, cần tái canh là khá nhiều.  Hiện nay, để tái canh được, chúng tôi đều phải mua cây giống ở ngoài, nhưng không thể biết về chất lượng, trồng có bị chết hay không. Theo tôi, ngành Nông nghiệp, địa phương phải siết chặt các nguồn cung cấp giống mới có thể đưa cây trồng chất lượng đến tay người dân được. Chúng tôi cũng mong muốn các ngành chức năng đẩy mạnh chương trình tái canh cà phê và xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất cà phê đạt hiểu quả cao để nông dân học tập, làm theo.

*****

Xây dựng, nghiên cứu các công nghệ tưới nước tiết kiệm phù hợp cho cây cà phê

Ông Trần Đoàn, thôn 9 B, xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil

Những năm qua, vấn đề thiếu nước tưới cho cà phê ngày càng bộc lộ rõ hơn trên địa bàn tỉnh và tôi nghĩ vấn đề này phải được nhìn nhận nghiêm túc hơn. Cây cà phê nhất là thời kỳ phân hóa mầm hoa cần lượng nước lớn. Do đó, nếu thiếu nước tưới thì cũng đồng nghĩa với việc cà phê sẽ mất mùa hoặc sụt giảm sản lượng. Ngoài việc người dân phải chủ động về nước tưới thì có lẽ đã đến lúc các cấp, ngành, các nhà khoa học, doanh nghiệp cùng chung tay thực hiện các giải pháp tốt hơn để đem lại nguồn nước tưới dồi dào, ổn định cho diện tích cà phê.

>> Kỳ 2: Tìm lời giải cho "bài toán" nâng tầm cây cà phê

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trăn trở về "cây chủ lực" cà phê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO