Tránh rơi vào… “bẫy” lợi thế

Đức Diệu - Văn Tâm| 11/08/2017 16:08

Nếu cứ dựa vào lợi thế để phát triển “nóng” mà không quan tâm đến chiến lược dài hơi bằng sự đầu tư tái tạo, sớm hay muộn, lợi thế đó sẽ trở thành cái “bẫy” theo quy luật phát triển. Đó là ý kiến của các chuyên gia khi đánh giá về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên.

ADQuảng cáo

Lâu nay, khi nói đến tiềm năng, điều kiện phát triển khu vực Tây Nguyên nói chung, Đắk Nông nói riêng, chúng ta thường quen với cụm từ “vùng đất nhiều tiềm năng, lợi thế”. Điều này không sai bởi nếu so sánh, các tỉnh Tây Nguyên, trong đó có Đắk Nông đã và đang sở hữu những lợi thế mà ít vùng có được. Thế nhưng việc khai thác, sử dụng những lợi thế đó như thế nào lại là vấn đề hoàn toàn khác. Đây cũng vừa là trăn trở, thách thức cho các tỉnh Tây Nguyên bởi nếu một định hướng, chiến lược, hành động không phù hợp sẽ dễ rơi vào chính "cái "bẫy" của lợi thế đang giăng sẵn".

Cà phê là sản phẩm thế mạnh của Tây Nguyên nhưng chủ yếu xuất khẩu thô nên giá trị thu về còn đạt thấp. Ảnh: Ngô Minh Phương

Những câu hỏi phải suy ngẫm

Với khoảng 2 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó gần 75% diện tích là đất đỏ bazan, Tây Nguyên được đánh giá là “mỏ vàng” của cả nước về phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Thế mạnh đặc trưng nông nghiệp Tây Nguyên là những cây công nghiệp dài ngày có giá trị như cà phê, hồ tiêu, cao su, điều…

Cụ thể,  hiện sản lượng cà phê khu vực Tây Nguyên bình quân mỗi năm đạt khoảng 1,3 triệu tấn, chiếm 94% sản lượng của cả nước; hồ tiêu khoảng 83.000 tấn, chiếm 56%; chè 228.000 tấn, chiếm 24% sản lượng cả nước; cao su chiếm 27% về diện tích và 18% về sản lượng; điều chiếm 22% sản lượng cả nước. Chưa kể đến, Tây Nguyên còn có thế mạnh về rừng, hệ thống sông suối và chế độ khí hậu thích hợp cho phát triển…

Tại hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên năm 2017 được tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) hồi tháng 6 vừa qua, Thủ Tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đưa ra hàng loạt câu hỏi: Vì sao với tiềm năng, lợi thế rất lớn nhưng Tây Nguyên vẫn còn nhiều “vùng lõm” so với các vùng kinh tế của cả nước? Cụ thể như tỷ lệ hộ nghèo cao, mặt bằng dân trí thấp, thu nhập bình quân đầu người thấp… “Phải chăng Tây Nguyên giống như một thiếu nữ căng tràn sức sống nhưng vẫn ngủ mơ, chưa thực sự tỉnh giấc…”. Thủ tướng Chính phủ ví von, vừa như câu hỏi mà chính chúng ta phải suy ngẫm. Cũng có thể Tây Nguyên đang “ngủ quên” cùng nhiều tiềm năng, lợi thế để rồi khi tỉnh giấc, những cơ hội phát triển đã bị bỏ lỡ.

Viện dẫn cho vấn đề này, ông Trần Đức Viên, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đưa ra những con số khá cụ thể về những “vùng lõm” hiện nay của Tây Nguyên. Điển hình nhất, trong số thu dự toán ngân sách nhà nước năm 2016, Tây Nguyên là khu vực đóng góp thấp nhất cho ngân sách quốc gia, chỉ chiếm 1,4% tổng thu toàn quốc. Thu nhập bình quân đầu người ở Tây Nguyên cũng mới bằng 79% mức bình quân của cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao với 7,3%, trong khi bình quân tỷ lệ hộ nghèo cả nước hiện nay là 4,5%.

ADQuảng cáo

Không nói đâu xa, là tỉnh thành lập sau, Đắk Nông có tiềm năng phát triển về kinh tế rừng. Thế nhưng đến nay, tỷ lệ độ che phủ rừng ở Đắk Nông chỉ còn hơn 38%, trong khi bình quân của cả nước về độ che phủ rừng hiện đã là trên 40%.

Bơ, sản phẩm có giá trị kinh tế cao nhưng đầu ra trong những năm qua còn gặp nhiều khó khăn. Ảnh tư liệu

Và hiệu ứng từ… phát triển “nóng”

Cũng theo ông Trần Đức Viên, Tây Nguyên có điều kiện tự nhiên phong phú, đa dạng, nhiều tiềm năng trong phát triển nông nghiệp hàng hóa. Tuy nhiên, xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do các địa phương đang chủ yếu tập trung khai thác tiềm năng quá mức, thiếu bền vững đã dẫn đến lợi thế đang bị mất dần và có nguy cơ “đổi trục” sang hướng thách thức nhiều hơn với những bất lợi hiện hữu.

Với gần 75% đất đỏ bazan, Tây Nguyên từ lâu được xác định là “thủ phủ” của nhiều sản phẩm nông nghiệp có giá trị xuất khẩu cao. Tuy nhiên, diện tích đất thì rộng nhưng do phát triển manh mún, lại đang bị suy thoái do xói mòn bề mặt, sử dụng quá nhiều phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật trong khi chưa có sự đầu tư tái tạo đúng mức. Từ đây,  nông sản Tây Nguyên thiếu tính an toàn, khả năng cạnh tranh thấp, xuất khẩu chủ yếu ở dạng thô, thiếu chú trọng về chất dẫn đến giá trị thu về thấp. Tổ chức sản xuất tại Tây Nguyên tuy đã theo quy hoạch, nhưng việc tự phát mở rộng diện tích đối với những cây trồng có lợi thế kinh tế trước mắt là rất phổ biến, gây nhiều hệ lụy và là một trong những thách thức cho sự phát triển bền vững.

Trong lĩnh vực phát triển rừng, trải qua nhiều giai đoạn, với những cách thức, hình thức quản lý, khai thác thiếu bền vững dẫn đến nhận thức trong quản lý, bảo vệ rừng chưa cao. Diện tích rừng tự nhiên bị giảm nhanh, trong khi công tác trồng rừng lại chưa hiệu quả. Đây đang là nguyên nhân chính dẫn đến biến đổi khí hậu theo hướng cực đoan, xói mòn bề mặt đất, sụt giảm mạch nước ngầm, nước mặt khiến an ninh nguồn nước đang bị đe dọa…

Điều đáng nói, hệ lụy từ việc phát triển “nóng” là đã rõ nhưng những hành động để can thiệp nhằm cải biến tình hình tiêu cực do những tác động bất lợi của chính con người gây ra hiện nay lại chưa thực sự đồng bộ, quyết liệt. Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư cho phát triển khu vực Tây Nguyên từ trung ương đến các địa phương hàng năm vẫn còn khá khiêm tốn, nhất là đối với những tỉnh nghèo như Đắk Nông. Việc khai thác nguồn lực tự nhiên quá mức cho phát triển mà thiếu sự đầu tư tương xứng đang đặt các tỉnh trong khu vực trước nguy cơ chững lại do nguồn lực phát sinh không có, trong khi nguồn lực tự nhiên lại giảm mạnh. Đây chính là cái “bẫy” mà các chuyên gia kinh tế đã và đang khuyến cáo để các tỉnh Tây Nguyên có những quyết sách, chiến lược đầu tư phát triển phù hợp, mang tính bền vững cao.

Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2011-2015 của khu vực nông – lâm – thủy sản các tỉnh Tây Nguyên tăng 5,6%. Giá trị sản xuất bình quân tăng 6,37%/năm. Giá trị trên 1 ha đất trồng trọt đã tăng từ 73,1 triệu đồng/ha (năm 2011) lên 97,5 triệu đồng/ha năm 2015, tăng 33,51% (bình quân tăng 7,5%/năm). Trong đó, cao nhất là tỉnh Lâm Đồng từ 117,4 triệu đồng/ha (năm 2011) tăng lên 146,4 triệu đồng/ha (năm 2015), gấp 1,5 lần so với bình quân toàn vùng.

Mặc dù tăng trưởng đang có xu hướng tăng nhanh trong những năm gần đây nhưng nông nghiệp Tây Nguyên đang ngày càng thể hiện rõ những yếu tố thiếu tính bền vững.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tránh rơi vào… “bẫy” lợi thế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO