Triển khai, nhân rộng mô hình sản xuất phân hữu cơ

Kim Ngân| 04/07/2022 10:19

Từ đầu năm 2022 đến nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai các mô hình sản xuất phân hữu cơ vi sinh và đạt nhiều kết quả tích cực. Ngành Khuyến nông đang đẩy mạnh chuyển giao, nhân rộng mô hình sản xuất này.

ADQuảng cáo

Phân hữu cơ vi sinh được làm từ phế phẩm nông nghiệp, ngoài cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng phát triển còn có tác dụng cải tạo đất, thân thiện với môi trường.

Theo thống kê của ngành chức năng, mỗi năm ở Đắk Nông có lượng phế phẩm nông nghiệp ước khoảng 950.000 tấn. Trong đó, phế phẩm từ cà phê là 260.000 tấn/năm, hồ tiêu 68.000 tấn/năm, ngô 480.000 tấn/năm, lúa 101.000 tấn/năm, đậu các loại 60.000 tấn/năm…

Đây là nguồn nguyên liệu dồi dào để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn còn tình trạng người dân đem phụ phẩm nông nghiệp đốt hoặc để tự phân hủy, gây ô nhiễm môi trường và làm lãng phí.

Để giúp người dân tận dụng nguồn phế phẩm nông nghiệp sản xuất phân bón tại chỗ, tiết kiệm chi phí đầu tư, cải thiện môi trường sản xuất, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai mô hình “Sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ phế phẩm nông nghiệp”.

Người dân sử dụng phân hữu cơ vi sinh bón cho vườn cà phê

Đến nay, Trung tâm đã xây dựng 12 mô hình trình diễn, với quy mô 48 m3. Các mô hình được triển khai từ tháng 2 - 6/2022, tại TP. Gia Nghĩa, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk R'lấp, Tuy Đức, Đắk Glong và Krông Nô.

Theo ông Nguyễn Văn Anh, ở thôn Nam Tiến, xã Nam Nung (Krông Nô), gia đình ông chuyên trồng cà phê, hồ tiêu. Khi tham gia mô hình, ông được nhân viên kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh hướng dẫn ủ 4 m3 bã thực vật làm phân hữu cơ.

Quy trình kỹ thuật khá đơn giản, chỉ cần xử lý, phối trộn bã thực vật và ủ với nấm Trichoderma. Sau 90 ngày, tỷ lệ bã thực vật hoai mục đạt 85% và trở thành phân hữu cơ vi sinh.

ADQuảng cáo

Còn theo ông Lưu Như Bính, ở thôn 9, xã  Nam Bình (Đắk Song), lâu nay gia đình ông cũng sử dụng bã cà phê ủ hoai mục để bón cho cây trồng, nhưng cách làm vẫn chưa bảo đảm kỹ thuật.

Khi tham gia mô hình của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, ông được hướng dẫn trực tiếp về kỹ thuật, nên việc sản xuất phân hữu cơ vi sinh đạt kết quả tốt hơn trước rất nhiều.

Hội thảo đầu bờ về kỹ thuật sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ xác bã thực vật tại xã Đắk Wer (Đắk R’lấp)

Theo lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, khi triển khai Chương trình, cán bộ kỹ thuật thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các hộ dân về quy trình sản xuất phân hữu cơ.

Thực tế triển khai mô hình cho thấy, với thời gian ủ phế phẩm nông nghiệp từ 90 – 100 ngày, tỷ lệ hoai mục đã đạt trên 87%. Tỷ lệ này đủ điều kiện để chuyển phế phẩm nông nghiệp thành phân hữu cơ vi sinh.

Qua 6 tháng triển khai mô hình, Trung tâm đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn tổ chức 3 cuộc hội thảo đầu bờ, với 90 người tham gia. Thông qua các cuộc hội thảo, người dân có dịp trao đổi kinh nghiệm về cách ủ phân hữu cơ vi sinh một cách hiệu quả, rút ngắn thời gian.

Thực tế sản xuất cũng cho thấy, việc sử dụng phân hữu cơ vi sinh từ phế phụ phẩm nông nghiệp đúng kỹ thuật sẽ hạn chế được lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong môi trường, nông sản.

Phân hữu cơ còn góp phần bảo vệ môi trường đất, môi trường nước, các vi sinh vật có lợi, cân bằng sinh thái. Từ những hiệu quả này, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đang xúc tiến nhân rộng các mô hình sản xuất phân hữu cơ, phục vụ người dân canh tác, chăm sóc cây trồng hiệu quả.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Triển khai, nhân rộng mô hình sản xuất phân hữu cơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO