“Trợ lực” giúp nhiều doanh nghiệp vượt khó khăn

Nguyễn Lương| 04/02/2021 09:56

Năm 2020, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp đã được "trợ lực" để vượt qua khó khăn.

ADQuảng cáo

Tăng "đề kháng" cho doanh nghiệp

Những ngày cuối năm, công nhân tại Nhà máy Tinh bột sắn Đắk Song (Đắk Song) đang chạy đua thời gian để sản xuất đủ sản lượng theo kế hoạch. Ai nấy đều tất bật, hối hả tập trung vào dây chuyền sản xuất của nhà máy.

Năm 2020, nhà máy sản xuất đạt hơn 16.000 tấn tinh bột mì xuất khẩu. Đây là một nỗ lực lớn của đơn vị trong thời điểm hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu đều chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Chia sẻ về kết quả đạt được, ông Võ Quang Trực, Phó Giám đốc Nhà máy cho biết: “Ngoài nỗ lực của tập thể cán bộ, nhân viên nhà máy, sự hỗ trợ kịp thời từ các cấp, ngành đóng vai trò quan trọng. Trong đó, phải kể đến việc thực hiện chính sách hỗ trợ gia hạn thuế và tiền thuê đất cho doanh nghiệp”.

Công nhân Nhà máy Tinh bột sắn Đắk Song đẩy nhanh sản xuất để kịp tiến độ cho ra sản phẩm

Theo đại diện nhà máy, nhờ thực hiện Nghị định 41/2020/NĐ-CP của Chính phủ về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, nên nhà máy được gia hạn hơn 2,4 tỷ đồng. Đây là số tiền lớn, giúp đơn vị có điều kiện xoay xở trong giai đoạn khó khăn.

Theo ông Trực, thời điểm tháng 3 - 4/2020, thị trường chính là Trung Quốc bị đóng cửa. Hàng tồn kho tại đơn vị lên đến hơn 7.000 tấn, cao nhất từ trước đến nay. Nhà máy gặp khó trong vấn đề xoay vòng vốn. Trong khi, số tiền vay ngân hàng đã quá hạn mức không thể vay thêm. "Được gia hạn thuế lúc này như là một “đề kháng”, giúp chúng tôi cầm cự qua cơn bĩ cực”, ông Trực chia sẻ.

Là một đơn vị hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc cây xanh, nguồn thu chủ yếu của Công ty TNNH Cây xanh Tây Nguyên phụ thuộc lớn đến từ các dự án. Năm 2020, đơn vị như ngồi trên đống lửa vì số lượng dự án triển khai không nhiều. Nguyên nhân là do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, tình hình bão lũ gây thiệt hại lớn các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên.

Chị Nguyễn Thị Hải, kế toán trưởng Công ty TNHH Cây xanh Tây Nguyên chia sẻ: “Rất may mắn, khi đó số tiền thuế gần 2 tỷ đồng đến hạn nộp, nhưng đơn vị được gia hạn. Với nguồn tiền này, chúng tôi đã dùng để giải quyết khó khăn trước mắt. Trong đó, chúng tôi chi trả phí duy trì hoạt động bộ máy, trả lương lao động và nhiều loại chi phí khác. Việc gia hạn thuế thời điểm này đối với đơn vị chúng tôi rất kịp thời, góp phần “tiếp sức” cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn”.

ADQuảng cáo

Kịp thời, đúng lúc

Việc gia hạn thuế kịp thời đã giúp người dân, doanh nghiệp tạm thời sử dụng số tiền thuế vào các hoạt động như: trang trải chi phí cố định, trả lương cho công nhân, người lao động. Đây là một khoản tài chính cần thiết, góp phần giúp các doanh nghiệp duy trì qua mùa dịch, làm tiền đề cho phục hồi kinh tế trong tương lai.

Tính đến hết năm 2020, Đắk Nông có hơn 200 doanh nghiệp được gia hạn, miễn, giảm thuế theo Nghị định 41 của Chính phủ. Tổng số tiền được gia hạn, miễn, giảm thuế hơn 40 tỷ đồng. Một số lĩnh vực được người nộp thuế đề nghị gia hạn như tiền thuê đất, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp...

Trên cả nước, việc triển khai Nghị định 41 đã có tác động đến hơn 5 triệu hộ kinh doanh về lĩnh vực thuế giá trị gia tăng. Còn đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, Nghị định này có tác động đến gần 1 triệu doanh nghiệp.

Nói về chính sách và việc triển khai thực hiện Nghị định 41, theo ông Ngô Đức Trọng, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Đắk Nông, năm 2020, đơn vị đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn người nộp thuế.

Cán bộ thuế từng khu vực đã thông báo đến từng doanh nghiệp về chính sách, đốc thúc gửi hồ sơ gia hạn thuế về cơ quan thuế. Ngành Thuế đã nâng cấp các ứng dụng thuế điện tử (Etax 1.7.9; iCaNhan 1.1.8; hỗ trợ kê khai 4.3.8) để hỗ trợ người nộp thuế lập, gửi giấy đề nghị gia hạn nộp thuế bằng phương thức điện tử.

Đối với hình thức tiếp nhận giấy đề nghị gia hạn bằng văn bản, cơ quan thuế nhanh chóng chuyển các bộ phận liên quan xử lý trong thời gian ngắn nhất. Do vậy, hầu hết các trường hợp nằm trong diện hưởng chính sách đều kịp thời đưa vào hệ thống quản lý thuế, tránh tình trạng phát sinh tiền chậm nộp.

Ông Trọng cho biết: “Sự khẩn trương, chủ động của cơ quan thuế đã giúp người nộp thuế nhanh chóng nắm bắt thông tin. Từ đó, họ bắt tay vào việc thực hiện các bước để được gia hạn thuế theo quy định”.

Có thể khẳng định, chính sách miễn, giảm thuế là một liều “đề kháng” mạnh để nhiều doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Xét về tổng thể, đây là chính sách hỗ trợ lâu dài, bền vững mà các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 thực sự cần.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Trợ lực” giúp nhiều doanh nghiệp vượt khó khăn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO