Tuy Đức tiếp tục vận động, tạo sự đồng thuận để người dân vào chợ mới mua bán

Hà An| 09/07/2015 11:16

Thời gian gần đây, trong khi huyện Tuy Đức vẫn đang tiếp tục có các giải pháp để vận động những tiểu thương không chịu di dời từ chợ cũ sang chợ mới thì nhiều tiểu thương đã vào chợ mới buôn bán ổn định lại rủ nhau ra khu vực ngã ba trung tâm huyện họp thành “chợ cóc”. Điều này không chỉ tạo nên cảnh buôn bán lộn xộn, nhếch nhác mà còn tạo tiền lệ xấu nếu địa phương không có những giải pháp đồng bộ, kịp thời.

ADQuảng cáo

BÁN MUA LỘN XỘN

Từ nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, đầu năm 2014, chợ mới huyện Tuy Đức được xây dựng hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng với tổng diện tích là 1.950m2 gồm 1 tầng trệt và 1 tầng lầu với 176 sạp buôn bán, tổng vốn đầu tư hơn 7 tỷ đồng.

Vì chợ nằm khá xa khu trung tâm dân cư hiện nay nên ban đầu rất ít hộ tiểu thương tại chợ cũ (chợ xã Đắk Búk So) đồng ý chuyển sang chợ mới của huyện. Tuy nhiên, sau một thời gian vận động, đến giữa năm 2014, 64 hộ đã tự nguyện vào chợ mới buôn bán. Những hộ còn lại, huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động nhiều lần và cuối cùng phải áp dụng biện pháp cưỡng chế để giải tỏa chợ cũ, đưa hoạt động kinh doanh, buôn bán tập trung tại khu chợ mới.

Tuy nhiên, sau khi thực hiện các biện pháp trên, một bộ phận tiểu thương vẫn không đồng thuận với chủ trương chung và chống đối bằng nhiều hình thức như kiên quyết không vào chợ mới, xúi giục, lôi kéo một số tiểu thương khác chống đối, kiện lên các cấp yêu cầu can thiệp, giải quyết.

Chợ mới Tuy Đức được đầu tư khá khang trang nhưng tiểu thương vẫn không muốn vào buôn bán

Vì chưa tập trung được hoạt động kinh doanh, buôn bán về chợ mới một cách dứt khoát nên những hộ tự nguyện vào chợ mới buôn bán trở nên ế ẩm vì vắng khách mua. Chợ cũ đã giải tỏa, chợ mới không có người mua, các hộ tiểu thương lại rủ nhau ra trung tâm xã Đắk Búk So lập nên những “chợ cóc” ven đường buôn bán.

Bên cạnh đó, một số đối tượng lại lợi dụng sự thiếu đồng thuận của người dân để trục lợi bằng biệc lén lút lấn chiếm mặt bằng khu chợ cũ đã giải tỏa để phân lô, kêu gọi các hộ tiểu thương vào buôn bán để thu tiền. Từ đây, việc kinh doanh buôn bán tại khu trung tâm huyện trở nên lộn xộn, nhếch nhác.

VIỆC GIẢI TỎA, DI DỜI CHỢ CŨ LÀ HỢP LÝ

Trước tình hình trên, Thường trực Tỉnh ủy đã có cuộc họp do đồng chí Trần Quốc Huy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì để nghe huyện Tuy Đức báo cáo về tình hình di dời chợ xã Đắk Búk So lên chợ mới huyện Tuy Đức.

ADQuảng cáo

Sau cuộc họp, ngày 29/5/2015, Thường trực Tỉnh ủy đã có Kết luận số 213-KL/TU về nội dung này. Theo đó, kết luận đã khẳng định việc xây dựng chợ huyện Tuy Đức là cụ thể hóa chủ trương phát triển hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đến năm 2020, đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của nhân dân, ổn định lâu dài việc kinh doanh, buôn bán của các tiểu thương trên địa bàn trung tâm huyện.

Địa điểm xây dựng chợ cũng hoàn toàn phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển kinh tế, xã hội trong thời gian tới, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh - quốc phòng của tỉnh nói chung, huyện Tuy Đức nói riêng.

Họp chợ cóc bên đường đã tạo nên cảnh nhếch nhác, mất an toàn giao thông

Bên cạnh đó, việc di dời chợ xã Đắk Búk So sang hoạt động tại chợ huyện Tuy Đức là hợp lý. Bởi vì, chợ xã Đắk Búk So được xây dựng từ năm 1999 theo Chương trình 135 của Chính phủ đến nay đã quá thời hạn sử dụng (thời hạn sử dụng 5 đến 10 năm) nên cơ sở vật chất, vệ sinh môi trường, công tác phòng cháy, chữa cháy không đảm bảo.

Đặc biệt, do chợ xây trước thời điểm thành lập huyện mới nên vị trí không phù hợp như chợ gần một số trường THCS, THPT và một phân hiệu mầm non nên không đảm bảo môi trường, an toàn giao thông.

Do vậy, Thường trực Tỉnh ủy đã giao cho Huyện ủy Tuy Đức chỉ đạo UBND huyện tiếp tục thực hiện kế hoạch di dời chợ xã Đắk Búk So sang chợ mới của huyện.

Cụ thể, huyện cần tập trung tuyên truyền, giải thích và vận động để người dân hiểu chủ trương, chính sách của tỉnh, huyện nhằm di dời chợ theo kế hoạch, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, tạo mặt bằng cho chính quyền sử dụng hiệu quả. Chỉ đạo Công an huyện điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng kích động, xúi giục khiếu kiện; tự ý phân lô, chia nền, thu tiền các tiểu thương kinh doanh trong khu vực đã giải tỏa của chợ xã Đắk Búk So...

Theo ông Nguyễn Ngọc Long, Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức thì sau khi có chỉ đạo của Tỉnh ủy, Huyện ủy Tuy Đức, UBND huyện đã tiến hành một số công việc như rà soát, xem xét lại công năng sử dụng chợ mới của huyện để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với chợ dân sinh nhằm phục vụ nhu cầu kinh doanh, buôn bán của người dân.

Bên cạnh đó, huyện cũng đang nghiên cứu để ban hành cơ chế, chính sásh thu hút, ưu đãi, miễn giảm thuế dài hạn (3 đến 5 năm) cũng như giảm giá đấu thầu các lô, sạp tại chợ huyện cho các hộ tiểu thương buôn bán.

Về lâu dài, huyện sẽ di dời bến xe của huyện ra vị trí gần chợ huyện Tuy Đức; quy hoạch, nâng cấp các trục đường và khu dân cư xung quanh chợ để dần kiến tạo nơi đây thành khu vực trung tâm trong giao thương, buôn bán của huyện. Tuy nhiên, đây là những công việc có tính lâu dài nên trước mắt, huyện sẽ tiếp tục vận động, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận để người dân vào chợ mới mua bán, khắc phục tình trạng họp chợ tự phát như hiện nay.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tuy Đức tiếp tục vận động, tạo sự đồng thuận để người dân vào chợ mới mua bán
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO