Tuy Đức xây dựng nhiều sản phẩm OCOP

Đức Hùng| 21/05/2020 09:14

Từ những tiềm năng và lợi thế tại địa phương, huyện Tuy Đức đang quyết tâm đưa các sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh đến với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Nổi bật nhất là những sản phẩm như mắc ca, khoai lang Tuy Đức, cà phê, hoa quả... đang được huyện chú trọng xây dựng thương hiệu.

ADQuảng cáo

Năm 2015, gia đình bà Thị Nhai, ở bon Đắk Huýt, xã Quảng Trực (Tuy Đức), đã đầu tư trồng hơn 500 cây mắc ca trên diện tích hơn 1 ha đất đồi. Sau 5 năm trồng và chăm sóc, đến nay, cây mắc ca của gia đình bà đã cho thu hoạch chính vụ.

Mắc ca là cây đặc sản nổi bật ở vùng đất Tuy Đức

Theo tính toán của bà Nhai, mỗi năm gia đình bà thu nhập được khoảng 200 triệu đồng (trừ chi phí) từ vườn mắc ca. Cây mắc ca rất phù hợp với điều kiện khí hậu cũng như thổ nhưỡng tại địa phương. Cây không cần nhiều nước và tốn ít công chăm sóc. Quan trọng hơn, mắc ca đã giúp gia đình bà Nhai có nguồn thu nhập đáng kể mỗi năm, từng bước vươn lên trong hoạt động kinh tế.

Bà Nhai là thành viên liên kết của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp xanh Tuy Đức. Hiện nay, sản phẩm mắc ca của bà Nhai đều được thu mua, bao tiêu toàn bộ. Đồng thời, cán bộ kỹ thuật của HTX cũng thường xuyên đến vườn hướng dẫn kỹ thuật giúp gia đình bà Nhai phòng trừ sâu bệnh theo từng giai đoạn phát triển của cây mắc ca.

Tính đến nay, HTX Nông nghiệp xanh Tuy Đức đã xây dựng được vùng nguyên liệu hơn 200 ha mắc ca, với 35 thành viên chính thức và 100 thành viên liên kết. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc HTX Nông nghiệp xanh Tuy Đức cho biết, đơn vị đã hoàn thiện thủ tục về đăng ký sản phẩm, xây dựng thương hiệu và lập hồ sơ tham dự cuộc thi đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp huyện, cấp tỉnh. Đối với các tiêu chí mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc, nhãn hiệu hàng hóa, mẫu mã… HTX đã hoàn thiện để từng bước quảng bá, đưa sản phẩm ra thị trường và phấn đấu được xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh trong thời gian tới.  

Theo thống kê của UBND xã Quảng Trực, toàn xã có gần 400 ha mắc ca, trong đó gần 300 ha đang cho thu hoạch. Qua thời gian trồng và chăm sóc cho thấy, loài cây này thích nghi tốt với khí hậu, thổ những địa phương. Mắc ca trên địa bàn được trồng từ năm 2010 đến nay. Giá mắc ca thu mua tại vườn hiện nay giao động từ 100.000 - 150.000 đồng/kg. UBND xã Quảng Trực đang từng bước phát triển mắc ca thành cây trồng chủ lực của người dân trên địa bàn. Chính vì thế, việc xây dựng sản phẩm chủ lực của xã sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc hàng hóa, từng bước tìm "chỗ đứng" trên thị trường.

ADQuảng cáo

Tương tự, với tiềm năng và lợi thế sản xuất khoai lang nhiều năm qua, xã Đắk Búk So đã xây dựng được nhãn hiệu “Khoai lang Tuy Đức”. Sản phẩm khoai lang Tuy Đức cũng đang  từng bước khẳng định được chỗ đứng trên thị trường. Hiện nay, toàn xã Đắk Búk So có khoảng 390 ha khoai lang mỗi vụ. Người dân đã hình thành vùng sản xuất khoai lang tập trung, thực hiện trồng cùng 1 giống, sản xuất cùng một quy trình và thu hoạch cùng một lúc để tạo thành vùng nguyên liệu đủ lớn, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Khoai lang Tuy Đức là sản phẩm có thương hiệu ngày càng được nhiều người biết tới

Ông Ngô Văn Thương, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Búk So cho biết, việc xây dựng sản phẩm khoai lang đang từng bước giúp địa phương hình thành mô hình sản xuất theo chuỗi, tạo đầu ra cho sản phẩm. Điều này sẽ giúp người dân yên tâm sản xuất, hạn chế được sự bấp bênh trên thị trường thông qua xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc. Trong thời gian tới xã Đắk Búk So sẽ tập trung phát triển vùng nguyên liệu sản xuất khoai lang, đầu tư có chiều sâu, xây dựng nhãn hiệu, có truy xuất nguồn gốc và từng bước tạo chỗ đứng trên thị trường cho sản phẩm này.

Trong năm 2019, bằng nhiều nguồn vốn từ các chương trình, dự án, huyện Tuy Đức đã hỗ trợ các hộ dân và các HTX trên địa bàn xã Đắk Ngo xây dựng chuỗi sản phẩm hạt điều. Liên minh HTX tỉnh cũng hỗ trợ máy rang sấy hạt mắc ca cho HTX Nông nghiệp xanh Tuy Đức.

Còn HTX Nông nghiệp xanh Quảng Trực cũng được Chi cục Phát triển nông thôn hỗ trợ xây dựng bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm mắc ca sấy khô. Ngoài ra, huyện Tuy Đức cũng đã triển khai hỗ trợ các chủ cơ sở sản xuất xây dựng, tư vấn thiết kế, in ấn bao bì sản phẩm, đăng ký truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đây là cơ sở để các địa phương sớm đạt các tiêu chí chứng nhận sản phẩm OCOP mà tỉnh Đắk Nông đang triển khai.

Theo bà Phạm Thị Phượng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tuy Đức, trên cơ sở rà soát, đánh giá tiềm năng, lợi thế của các xã, huyện Tuy Đức đã xác định được các sản phẩm nông nghiệp có nhiều lợi thế để đưa vào xây dựng sản phẩm OCOP. Cụ thể, xã Quảng Trực có sản phẩm mắc ca; xã Đắk Ngo có sản phẩm hạt điều; xã Quảng Tâm có sản phẩm từ cà phê, sầu riêng; xã Đắk Búk So có sản phẩm khoai lang; xã Đắk R’tíh có sản phẩm cà phê.

“Đây là những sản phẩm để các xã tập trung ưu tiên đầu tư phát triển theo chuỗi giá trị, chủ động xây dựng vùng nguyên liệu, xây dựng chỉ dẫn địa lý, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, mã truy xuất nguồn gốc xuất xứ, từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường”, bà Phượng cho biết.

Bà Phượng trao đổi thêm, để các sản phẩm nêu trên được xếp hạng OCOP cấp tỉnh, huyện Tuy Đức sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền các địa phương hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đánh giá, phân hạng cho các đơn vị thực hiện Chương trình OCOP. Huyện cũng sẽ tăng cường đưa các sản phẩm đi trưng bày, giới thiệu tại những hội chợ thương mại để quảng bá thế mạnh, tiềm năng, kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ…

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tuy Đức xây dựng nhiều sản phẩm OCOP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO