Ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp: Kết quả bước đầu

Lê Dung| 27/02/2014 10:36

Theo Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) thì trong 2 năm 2012-2013, bằng nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học, trên địa bàn các huyện, thị xã, ngành đã triển khai được 12 nhiệm vụ KH&CN, với tổng kinh phí thực hiện gần 1 tỷ đồng.

ADQuảng cáo

Trong đó, các nhiệm vụ chủ yếu tập trung vào xây dựng các mô hình ứng dụng nuôi trồng một số loại cây, con có giá trị kinh tế cao như: mô hình nuôi heo rừng lai, sản xuất giống và trồng cà chua ghép, trồng rau an toàn, thanh long ruột đỏ... Thực tế cho thấy, hiện nay, ở các địa phương, nhiều mô hình về các giống cây trồng, vật nuôi hiệu quả đã và đang được người dân đưa vào ứng dụng sâu rộng như mô hình sản xuất nông, lâm kết hợp tại Trang trại Gia Ân (Gia Nghĩa); Trang trại Đặng Gia vừa nuôi heo rừng kết hợp với trồng trọt, sản xuất phân vi sinh...

Mô hình trồng rau sạch ở phường Nghĩa Trung, thị xã Gia Nghĩa. Ảnh: Ngọc Tâm

Bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, chủ Trang trại Đặng Gia (Đắk Mil) cho biết: "Hiện nay, tổng đàn heo rừng của trang trại luôn ở mức gần 300 con. Vì vậy, để xử lý tốt vấn đề về môi trường từ chất thải chăn nuôi, chúng tôi đã triển khai áp dụng quy trình xử lý qua hầm biogas và ủ phân vi sinh để sử dụng làm phân bón cho cây cà phê. Đây cũng là một trong những phương châm sản xuất, chăn nuôi theo hướng bền vững của trang trại".

ADQuảng cáo

Ngoài ra, nhiều tiến bộ kỹ thuật cũng đã được người dân áp dụng rộng rãi trong sản xuất như sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobeGap; sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C; áp dụng kỹ thuật mới trong trồng và chăm sóc cây hồ tiêu theo tiêu chuẩn ICM... Một số chế phẩm sinh học hay chương trình tưới nước tiết kiệm và sử dụng hạt polyme giữ ẩm cho cây trồng cũng đã được nông dân đưa vào sử dụng; đồng thời, xây dựng và áp dụng các quy trình phòng trừ dịch hại tổng hợp, quy trình sử dụng phân bón cân đối N, P, K vi lượng với phương châm giảm lượng phân vô cơ, tăng lượng phân hữu cơ.

Trong khâu chế biến cũng đã ứng dụng công nghệ sơ chế như sử dụng enzyme trong chế biến ướt tiết kiệm nước, tiết kiệm điện năng, giảm hạt vỡ và tróc vỏ trong ngành sản xuất cà phê... Về chăn nuôi, Sở Khoa học và Công nghệ cũng đã phối hợp với các địa phương, đơn vị chức năng triển khai thực hiện Đề án phát triển nhanh đàn bò thịt chất lượng cao trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, việc sử dụng giống bò đực lai để cải tạo đàn bò thịt địa phương đã bước đầu cho kết quả. Nhờ đó, trong tổng số 25.500 con bò của toàn tỉnh thì đã có 25% con được lai tạo giống tốt và đang phát triển mạnh, tập trung chủ yếu là ở các huyện Chư Jút, Krông Nô... Bên cạnh đó, nhiều mô hình khác trên địa bàn tỉnh cũng đã tập trung vào nuôi các con đặc sản mang lại hiệu quả kinh tế và thu nhập cao cho người dân như nhím, chim cút, cá lăng, cá tầm...

Cũng theo Sở KH&CN thì mặc dù có nhiều kết quả, nhưng hoạt động quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này vẫn còn nhiều bất cập, chưa theo kịp với sự phát triển. Trong đó, một số mô hình chưa tuân thủ đúng các quy định của Nhà nước, nhất là công tác bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp. Việc sử dụng thuốc bảo vệ không đúng quy định hoặc đưa vào sử dụng một số sinh vật ngoại lai khi chưa có kết luận nghiên cứu của cơ quan có thẩm quyền... Vì vậy, trong thời gian tới, để công tác quản lý Nhà nước ngày càng hiệu quả hơn, ngành sẽ rà soát lại chức năng quản lý Nhà nước về KH&CN ở các địa phương và triển khai đồng bộ, đầy đủ các nhiệm vụ đó. Ngoài ra, ngành cũng sẽ xây dựng đề án tăng cường năng lực cho hoạt động KH&CN ở cơ sở; đồng thời, bố trí tối thiểu 1 biên chế và kinh phí hoạt động KH&CN hàng năm cùng trang thiết bị để phục vụ tốt hơn cho hoạt động quản lý Nhà nước về KH&CN...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp: Kết quả bước đầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO