Ứng dụng rộng rãi công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp

Lê Dung| 18/11/2016 10:44

Việc phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) được triển khai toàn diện trên các lĩnh vực và áp dụng rộng rãi vào sản xuất, đời sống.

ADQuảng cáo

Điều này đã được khẳng định sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình hành động số 07-CTr/TU ngày 16/3/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển và ứng dụng CNSH, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và kế hoạch phát triển và ứng dụng CNSH tỉnh Đắk Nông đến năm 2020 của UBND tỉnh.

Chăn nuôi bò đã trở thành một ngành sản xuất hàng hóa trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp. (Ảnh: Chăn nuôi bò ở trang trại Quang Hiến, Đắk R’lấp)

Theo thống kê trong 10 năm qua, toàn tỉnh đã có hơn 100 nhiệm vụ khoa học và công nghệ được triển khai thực hiện; trong đó, chú trọng đi sâu vào ứng dụng CNSH phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nhiều giống cây trồng, vật nuôi mới, có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao đã được đưa vào sản xuất.

Công tác nghiên cứu và ứng dụng CNSH cũng đã được tỉnh quan tâm đẩy mạnh và gắn liền với thực tiễn sản xuất nông nghiệp của từng địa phương. Tính đến năm 2015, giá trị sản phẩm trên 1 ha diện tích đất trồng trọt trên địa bàn tỉnh đã đạt trên 75,13 triệu đồng; giá trị sản phẩm trên 1 ha mặt nước nuôi trồng đạt trên 100 triệu đồng…

Thông qua các chương trình, dự án, các giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao đã được ngành chức năng đưa vào nghiên cứu, thử nghiệm và ứng dụng rộng rãi như: Cây mắc ca ghép, ca cao lai F1 nhập từ Malaysia, cây cọ dầu…

ADQuảng cáo

Ngoài ra, việc ứng dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến trên các loại cây trồng chủ lực của tỉnh cũng đã được đẩy mạnh, nhằm cải tạo, thay thế những diện tích kém hiệu quả. Nhờ đó, đến nay, tỉnh đã có gần 30.000 ha cây cà phê có năng suất đạt từ 3,2-4 tấn/ha. Một số mô hình tái canh cà phê, năng suất đạt từ 6-7 tấn/ha. Mô hình trồng ca cao dưới tán điều được ứng dụng rộng rãi tại các địa phương. Trong đó, huyện Krông Nô đã đánh giá được lợi nhuận của mô hình này tăng 35% so với trồng điều thuần…

Tương tự, về cây nông nghiệp ngắn ngày, người dân cũng đã mạnh dạn đưa vào sản xuất các giống lúa có năng suất, chất lượng cao như: Lúa lai, lúa thuần mới, năng suất đạt 9 tấn/ha, thay cho giống lúa thuần cũ của địa phương.

Việc ứng dụng các giống ngô mới như C919, G49, NK 67, NK54… có năng suất cao, phẩm chất tốt, tính chống chịu khá vào sản xuất đã được nhân rộng. Đáng chú ý nữa là một số loại cây ăn quả cũng đã được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap như: Sầu riêng, bơ, xoài, cam quýt, chuối Nam Mỹ, một số cây dược liệu… giúp mang lại lợi nhuận kinh tế cao, sạch bệnh phục vụ cho nhu cầu tại chỗ. Ngoài ra, để tạo ra giống cây trồng sạch bệnh, năng suất chất lượng cao, công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật cũng đã được ứng dụng.

Bên cạnh đó, trong lĩnh vực chăn nuôi, việc đẩy mạnh kế hoạch cải tạo đàn bò địa phương cũng đã được tỉnh quan tâm, thông qua việc ứng dụng rộng rãi phương pháp thụ tinh nhân tạo và các giống bò đực Brahman, lai sind… nhằm đưa chăn nuôi bò đã trở thành một ngành sản xuất hàng hóa trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Nếu như năm 2014, tỷ lệ đàn bò lai là 3%  thì đến nay, đã đạt trên 25% tổng đàn bò của toàn tỉnh; tổng số bê lai cũng đã đạt trên 7.600 con. Chăn nuôi heo, gà, vịt, thủy sản theo hướng ứng dụng CNSH ngày càng tăng về quy mô.

Một số giống mới được đưa vào chăn nuôi như: gà J-Dabaco, gà sao, vịt bầu cánh trắng, cá tầm, cá lăng… Từ đó đã góp phần hình thành nên nhiều trang trại chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học ở các huyện Đắk R’lấp và Chư Jút, với thu nhập bình quân hàng tỷ đồng mỗi năm. Nhiều giống cây, con là đặc sản của địa phương cũng đã được người dân quan tâm phát triển theo hướng bán tự nhiên như heo rừng, nhím, chim trĩ, gà rừng…  

Để phát huy thành quả đã đạt được, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục chú trọng đến công tác nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi CNSH để hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao và tập trung vào các sản phẩm chủ lực. Đẩy mạnh nghiên cứu, đầu tư xây dựng và khai thác có hiệu quả các trạm, trại thử nghiệm, doanh nghiệp… nhằm từng bước hình thành hệ thống tổ chức về CNSH từ tỉnh tới cơ sở, thuận tiện cho việc tiếp nhận, chuyển giao công nghệ vào sản xuất và đời sống.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ứng dụng rộng rãi công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO