Vì sao nông sản Đắk Nông mãi vẫn chưa có "tên" có "tuổi" ?

Bình Minh| 28/12/2017 15:06

Đến nay, dù tỉnh có hàng chục nhãn hiệu nông sản khác nhau nhưng những yếu kém về nhiều mặt đã khiến cho nông sản Đắk Nông mãi vẫn chưa có “tên”, có “tuổi”, gây lãng phí tiềm năng, nguồn lực.

ADQuảng cáo

Kỳ 1: Èo uột nhãn hiệu tập thể

Sau khi đăng ký thành công hai nhãn hiệu nông sản tập thể thế mạnh của tỉnh là khoai lang Tuy Đức và hồ tiêu Đắk Song, các cấp, các ngành, người dân và doanh nghiệp đều kỳ vọng nông sản Đắk Nông sẽ sớm có "tên", có "tuổi" , gầy dựng thương hiệu trên thị trường.

Thế nhưng, do hoạt động không hiệu quả của các hội, sự ít quan tâm của ngành, địa phương đã khiến cho các nhãn hiệu chỉ tồn tại trên giấy tờ còn việc phát huy hiệu quả ra thực tế vẫn còn rất xa vời.

Đăng ký xong rồi bỏ mặc

Không thể phủ nhận những nỗ lực, cố gắng của huyện Tuy Đức khi gấp rút hoàn tất hồ sơ gửi Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học-Công nghệ) chứng nhận nhãn hiệu tập thể "Khoai lang Tuy Đức" vào ngày 8/8/2012. Thế nhưng sau khi đăng ký thành công nhãn hiệu cũng là lúc “hoàn thành nhiệm vụ” nên việc triển khai các giải pháp, cách làm nhằm phát huy hiệu quả thương hiệu này gần như bị bỏ mặc.

Theo báo cáo Hội Khoai lang Tuy Đức về cơ cấu tổ chức có 2 ban (bao gồm Ban Lãnh đạo có 9 thành viên, Ban Kiểm tra có 3 thành viên) và trên 200 hội viên là các hộ sản xuất khoai lang trên địa bàn các xã Quảng Tâm, Đắk Búk So và Quảng Trực.

Hiện nay, trong tổng số 9 người trong Ban lãnh đạo thì có tới 4 người đã chuyển công tác hoặc bị đình chỉ công tác. Ông Trần Đình Mạnh, nguyên Bí thư Huyện ủy Tuy Đức, Chủ tịch Hội Khoai lang Tuy Đức nhiều năm nay đã chuyển công tác về Sở Khoa học Công nghệ. Vì thế, Hội nhiều năm nay chỉ còn tồn tại trên hình thức, không có hoạt động gì để phát triển nhãn hiệu, hỗ trợ hội viên.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Đình Mạnh, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, kiêm Chủ tịch Hội Khoai lang Tuy Đức cũng thừa nhận: "Đúng là Hội Khoai lang Tuy Đức nhiều năm nay không có hoạt động gì.

Hội viên tham gia Hội sản xuất, bán sản phẩm nhỏ lẻ, tự phát trên thị trường vẫn như trước đây nên phụ thuộc vào giá đưa ra của thương lái. Nhãn hiệu chưa phát huy hiệu quả ngoài như lý do đã nêu thì đến nay, Hội chưa có một quy chế với những điều khoản chặt chẽ, đủ mạnh để gắn kết hội viên phải thực hiện theo".

Kể từ khi Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Khoai lang Tuy Đức” đến nay, việc in ấn, dán nhãn mác nhãn hiệu tập thể này vẫn chưa được thực hiện. Vì thế, toàn bộ sản phẩm khoai lang của hơn 200 hội viên Hội Khoai lang Tuy Đức không dán nhãn mác trước khi xuất bán cho các đại lý hoặc đưa đi tiêu thụ.

Người dân thôn 3, xã Đắk Búk So (Tuy Đức) phân loại khoai lang bán cho đại lý. Ảnh: Bình Minh

Ông Bùi Minh Đức, Phó Chủ tịch Hội Khoai lang Tuy Đức, Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp 19/5, đồng thời cũng là hội viên trực tiếp canh tác 3 ha khoai lang Nhật Bản, với năng suất bình quân từ 12-15 tấn/ha cho biết:

ADQuảng cáo

Ban đầu, Hội có ký hợp đồng với 1 đơn vị ở Đức Trọng (Lâm Đồng) nhưng bị “bể” hợp đồng do không có số lượng. Nguyên nhân chính là do giá cả của Hội đưa ra thu mua thấp hơn so với thương lái nên không mua được hàng.

Vì thế, hiện nay, tôi cũng như hàng trăm hội viên đều sản xuất ra rồi tự bán cho thương lái và các đại lý trên địa bàn. Cũng theo ông Đức, các hội viên sau khi mua giống từ Hội theo kiểu mua hàng ngoài chợ, sau đó không còn ràng buộc với nhau gì nữa. Đây là thực trạng diễn ra trong suốt thời gian qua ở Tuy Đức.

Qua tìm hiểu thì sau khi khoai lang đến kỳ thu hoạch, hầu hết các hội viên và hộ gia đình trồng khoai lang gọi đại lý, thương lái vào bán bãi hay tự thu hoạch rồi vận chuyển bán trực tiếp. Giá cả do các đại lý và thương lái quyết định.

Với hình thức bán khoai lang như vậy thì việc có dán nhãn hiệu cũng không có ý nghĩa làm tăng giá thành khoai lang của hội viên bán ra. Sản xuất khoai lang của các hội viên hằng năm còn mang tính tự phát, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: giá cả, thời tiết, nhân công, vốn, độ màu mỡ của đất. Điều này ảnh hưởng nhiều đến diện tích trồng, cũng như sản lượng khoai lang hằng năm.

Đối với Hội Hồ tiêu Đắk Song sau khi đăng ký thành công nhãn hiệu "Hồ tiêu Đắk Song" thì việc hỗ trợ hội viên cũng chưa nhiều. Hội đến nay vẫn còn mang tính lâm thời, chưa tiến hành đại hội, các hội viên thực tế chưa phải là thành viên nên rất khó hoạt động.

Người trồng khoai ở Đắk Búk So (Tuy Đức) chủ yếu bán sản phẩm nhỏ lẻ cho thương lái và người đi đường

Bảo vệ uy tín sản phẩm chưa được thực hiện

Qua tìm hiểu còn cho thấy, trách nhiệm của Hội trong việc bảo vệ uy tín sản phẩm khoai lang Tuy Đức chưa được thực hiện.

Theo Hội Khoai lang Tuy Đức thì thời gian gần đây lợi dụng thương hiệu cũng như uy tín của khoai lang Tuy Đức, nhiều thương lái đã thu mua khoai lang từ Đắk Lắk, Lâm Đồng, thậm chí lấy từ Campuchia và các địa phương khác trên địa bàn tỉnh rồi vận chuyển về huyện Tuy Đức, "lấy" thương hiệu khoai lang Tuy Ðức đóng thành hộp xuất khẩu ra nhiều thị trường.

Một số doanh nghiệp đã đưa xưởng sơ chế về xã Quảng Tâm tiến hành sơ chế khoai lang rồi “mượn” thương hiệu khoai lang Tuy Đức xuất khẩu. Hiện nay, chỉ cần gõ cụm từ khoai lang Tuy Đức trên mạng xã hội youtube, google thì có hàng chục doanh nghiệp lợi dụng quảng cáo để bán hàng.

Một số đại lý thu mua khoai ngoài lợi dụng nhãn hiệu còn trà trộn khoai lang cao sản với khoai lang Nhật Bản để bán. Việc làm này không những dần làm ảnh hưởng đến uy tín khoai lang Tuy Đức, mà còn gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người trồng khoai lang của huyện.

Để bảo vệ lợi ích cho chính các hội viên và cho hộ trồng khoai trên địa bàn huyện, các hội viên mong muốn các hội cần nhanh chóng phối hợp với các cấp chính quyền triển khai các biện pháp ngăn chặn tình trạng này và có quy định thực hiện tốt việc gắn nhãn mác nhãn hiệu tập thể "Khoai lang Tuy Đức" và “Hồ tiêu Đắk Song”.

>> Kỳ 2: Vật vờ nhãn hiệu cá nhân

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì sao nông sản Đắk Nông mãi vẫn chưa có "tên" có "tuổi" ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO