Vì sao nông sản Đắk Nông mãi vẫn chưa có "tên" có "tuổi"? (kỳ 2): Vật vờ nhãn hiệu cá nhân

Bình Minh| 29/12/2017 15:04

Mặc dù toàn tỉnh hiện nay có hàng chục nhãn hiệu nông sản cá nhân được đăng ký thành công nhưng thực tế chủ yếu được đăng ký để choán chỗ, còn số phát huy nhãn hiệu vào hoạt động sản xuất, kinh doanh rất ít và gặp rất nhiều khó khăn trên thị trường.

ADQuảng cáo

Chủ yếu đăng ký để dành chỗ

Qua rà soát theo dõi của Sở Khoa học-Công nghệ thì toàn tỉnh hiện có trên 40 nhãn hiệu hàng hóa nông sản được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) chứng nhận đăng ký thành công. Tuy nhiên, điều đáng nói là phần lớn những nhãn hiệu này chỉ đăng ký chiếm chỗ.

Bởi theo luật Sở hữu trí tuệ, các cá nhân trong tỉnh hoặc ngoài tỉnh đều có quyền đăng ký nhãn hiệu hàng hóa ở các địa phương trên địa bàn tỉnh và sau 5 năm lại làm thủ tục đăng ký lại.

Vì thế, tình trạng rất nhiều nhãn hiệu hàng hóa đã được đăng ký trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua chủ yếu tồn tại về mặt hình thức chứ thực tế không có hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển thương hiệu.

Nhiều nhãn hiệu được đăng ký trên địa bàn huyện Đắk Mil, Chư Jút, Krông Nô, nhưng khi cơ quan chuyên môn tiến hành khảo sát thì không có trên thực tế.

Một doanh nghiệp trên địa bàn thôn 1, xã Quảng Tâm (Tuy Đức) tiến hành thu mua khoai lang từ nhiều vùng khác nhau về sơ chế xuất khẩu

Và hoạt động cầm chừng, nhỏ lẻ

Bên cạnh nhiều nhãn hiệu hàng hóa đăng ký để chiếm chỗ thì toàn tỉnh cũng có một số nhãn hiệu phát huy hiệu quả. Thế nhưng, các nhãn hiệu này chỉ đạt kết quả kinh doanh cao ở giai đoạn đầu, còn càng về sau thì nơi hoạt động cầm chừng, nơi thì gặp rất nhiều khó khăn.

Nhãn hiệu cà phê Hải Nhung của Cơ sở sản xuất cà phê Hải Nhung ở phường Nghĩa Tân, Gia Nghĩa một thời có tiếng tăm và vị thế trên thị trường. Cơ sở sản xuất 2 sản phẩm là cà phê trộn và cà phê nguyên chất. Thế nhưng, sau khi đăng ký nhãn hiệu thành công vào tháng 6/2009, cơ sở chỉ "ăn nên làm ra" ở giai đoạn đầu, còn càng về sau sản xuất ngày càng thu nhỏ và hiện nay hoạt động cầm chừng.

Ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhãn hiệu cà phê Hải Nhung cho biết: "Hoạt động của cơ sở hiện nay rất nhỏ giọt do thị trường tiêu thụ rất khó khăn. Thị trường của cơ sở hiện nay chủ yếu là quầy tạp hóa của gia đình và các tạp hóa nhỏ trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa. Việc đưa hàng vào các siêu thị, cửa hàng lớn không cạnh tranh được với các thương hiệu lớn có mẫu mã, giá thành thấp hơn".

ADQuảng cáo

Cũng theo ông Hải thì so với trước đây, quy mô sản xuất đã giảm 25%, nhiều thời điểm không hoạt động vì gặp khó khăn về thị trường. Hoạt động của cơ sở làm theo kiểu thủ công. Vốn xoay vòng trong kinh doanh do gia đình tự xoay sở, còn hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn, cũng như các cấp chính quyền địa phương hầu như không có.

Nhãn hiệu cà phê Hải Nhung của Cơ sở sản xuất cà phê Hải Nhung ở phường Nghĩa Tân (Gia Nghĩa) chủ yếu sản xuất phục vụ cho quầy tạp hóa của gia đình

Hai nhãn hiệu cà phê hiện nay có "máu mặt" trên thị trường của tỉnh là cà phê Hương Nguyên của Công ty TNHH Cà phê Hương Nguyên (Chư Jút) và nhãn hiệu “Hoàng Gia Phát” của Công ty TNHH MTV Hoàng Phát (Ðắk Mil).

Các doanh nghiệp vẫn chủ yếu tự mày mò mở rộng thị trường. Các doanh nghiệp cũng đang gặp khó và rất ít tiếp cận được các nguồn thông tin chính thức từ phía các cơ quan nhà nước về một số nội dung quan tâm về kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng mới, bản đồ quy hoạch sử dụng đất; tài liệu ngân sách, chính sách ưu đãi đầu tư…

Sau gần 10 năm đi vào hoạt động, đến nay, sản phẩm cà phê bột mang nhãn hiệu “Hoàng Gia Phát” của Công ty TNHH MTV Hoàng Phát vẫn còn hoạt động sản xuất nhỏ lẻ và mới từng bước tiếp cận với thị trường.

Theo bà Trương Thị Thanh Lam, Giám đốc Công ty TNHH MTV Hoàng Phát mỗi tháng, doanh nghiệp sản xuất với số lượng sản phẩm không nhiều. Năm 2017, doanh nghiệp phối hợp với một doanh nghiệp ở Hà Nội để trực tiếp chế biến, cung ứng 1 tấn sản phẩm cà phê sạch trong 1 tháng phục vụ cho khách du lịch trong và ngoài nước.

Đây cũng là dịp tiếp thị mới giúp sản phẩm của doanh nghiệp từng bước tiếp cận thị trường xuất khẩu trong thời gian tới…

Có thể nói, việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh là một trong những hướng đi trọng tâm, phù hợp và mang lại hiệu quả, giúp nâng cao giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, đồng thời góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân, doanh nghiệp từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng tập trung.

Xây dựng thương hiệu nông sản tuy khó nhưng nếu không xây dựng được thương hiệu gắn với đặc sản địa phương thì nhiều mặt hàng nông sản là lợi thế của tỉnh khó có thể tự đứng vững ngay trên thị trường trong tỉnh, trong nước và xuất khẩu.

>> Kỳ cuối: Tìm giải pháp cho vấn đề phát huy nhãn hiệu

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì sao nông sản Đắk Nông mãi vẫn chưa có "tên" có "tuổi"? (kỳ 2): Vật vờ nhãn hiệu cá nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO