Vì sao sản xuất vụ đông xuân chậm tiến độ, lịch thời vụ?

Hồng Thoan - Văn Tâm| 02/04/2018 10:37

Sản xuất vụ đông xuân 2017- 2018 diễn ra trong điều kiện thời tiết thuận lợi hơn so với những năm gần đây. Thế nhưng do một số nguyên nhân chủ quan nên tiến độ gieo trồng chậm so với lịch thời vụ và tiến độ trung bình nhiều năm.

ADQuảng cáo

Tháng 10/2017, Sở Nông nghiệp - PTNT đã đưa ra lịch thời vụ cho các địa phương tham khảo. Cụ thể, đối với cây lúa xuống giống từ 20/11/2017 đến 5/1/2018, ngô từ 1/12/2017 đến 10/1/2018. Báo cáo của Sở Nông nghiệp - PTNT, tính đến hết tháng 3, toàn tỉnh đã xuống giống được 9.362 ha/ 9.625 ha, đạt 97,27% so với kế hoạch, chậm hơn 561 ha so với vụ đông xuân năm trước.

Toàn huyện Krông Nô mới xuống giống được 1.427/1.819 ha ngô đông xuân. (Trong ảnh: Người dân xã Đắk D’rô (Krông Nô) chăm sóc ngô vụ đông xuân). Ảnh:  Hồng Thoan

Nhiều nơi chậm

Tại huyện Chư Jút, những ngày đầu tháng 3, chúng tôi về thăm cánh đồng Chư Pu, xã Nam Dong, bên cạnh những ruộng lúa đang thời kỳ đẻ nhánh thì cũng có những đám ruộng mới vừa gieo sạ.

Gặp bà Lánh Thị Minh ở thôn 12 đang lúi húi làm cỏ, hỏi chuyện mùa màng, bà Minh cho hay: “Năm nay công trình thủy lợi Chư Pu không đủ nước nên gia đình tôi gieo cấy muộn hơn mọi năm cả hai tháng. Tôi định bỏ ruộng không làm vụ này nhưng những hộ trên kênh chính xuống giống xong, nước mới về đến ruộng của gia đình. Do vậy, tôi tranh thủ gieo sạ với hy vọng cuối vụ còn có hạt lúa để mang về”.

Cách ruộng lúa của bà Minh không xa là ruộng của ông Bế Ngọc Lành, cũng ở thôn 12, mới gieo sạ hơn 20 ngày. Cây lúa mới vừa bén rễ. Ông Lành cho hay: Tôi chần chừ mãi mới quyết định xuống giống. Vì lo gieo sạ xong mà thiếu nước tưới cây lúa không lên được thì mất giống, mất công nhưng nông dân mà bỏ ruộng thì thấy cũng tiếc nên biết muộn vẫn sản xuất.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tĩnh, Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Chư Jút thì năm nay, công trình thủy lợi Chư Pu đến cuối tháng 9/2017 mới bắt đầu tích nước trong hồ chứa, hiện tại mới chỉ tích được khoảng 6,5% dung tích thiết kế. Nguyên nhân việc tích nước muộn là do quá trình thi công nâng cấp đập, cống lấy nước dưới đập kéo dài gần hết mùa mưa nên tích nước không kịp. Còn tại một số xã như: Trúc Sơn, Chư K’nia, Đắk D’rông… bà con cũng gieo trồng không tập trung, đồng loạt như hướng dẫn là do năm nay nhiều hộ vừa thu hoạch cà phê xong là chuyển sang hái tiêu nên việc sản xuất cây ngắn ngày vụ đông xuân bị chững lại so với lịch thời vụ.

ADQuảng cáo

Không những thế, tại một số địa phương khác, nhất là Đắk Mil nhiều hộ nông dân vẫn xem các loại cây trồng vụ đông xuân không phải là loại cây cho thu nhập chính của gia đình nên không quan tâm đến lịch thời vụ. Do vậy, vụ đông xuân năm nào ở các địa phương này cũng xuống giống rải rác từ đầu tháng 12 dương lịch đến qua Tết Nguyên đán. Việc gieo cấy muộn không chỉ khiến cho ruộng lúa dễ bị sâu rầy tấn công, nguy cơ hạn hán cuối vụ đe dọa mà năng suất của cây lúa cũng bị giảm đáng kể.

Ông Trần Đức Hồng ở xã Đức Minh (Đắk Mil) cho biết: “Gia đình tôi có 2,5 sào lúa, việc cày bừa để gieo cấy lúa không mấy khó khăn vì có đủ máy móc nông cụ. Nhưng thật tình mà nói, vào thời điểm này, mọi người trong nhà đều tập trung vào thu hoạch cà phê nên không còn thời gian để làm ruộng”.

Không chỉ bà con ở các huyện có diện tích cà phê lớn chưa quan tâm đến việc gieo cấy lúa mà ngay tại các xã như Nam Đà, Nâm N’đir, Đắk D’rô (Krông Nô), nơi có diện tích lúa nước lớn thì việc xuống giống vẫn một số nơi vẫn còn theo kiểu  “mạnh ai nấy làm”. Do vậy, bà con hiện gặp không ít khó khăn trong việc phòng trừ dịch bệnh cho ruộng lúa của mình, một số nơi đã xuất hiện bệnh đạo ôn, bọ trĩ, rầy các loại, chim, chuột gây hại rải rác trên lúa.

Toàn tỉnh xuống giống được 4.337 ha/4.565 ha lúa. (Trong ảnh: Nông dân xã Đắk Nia, thị xã Gia Nghĩa chăm sóc lúa vụ đông xuân)

Sự phối hợp chưa đồng bộ

Về nguyên nhân của tình trạng này, theo ông Lê Quang Dần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT thì đa phần nông dân đều có tâm lý là thu hái, chăm sóc cây công nghiệp xong rồi mới làm ruộng. Điều này cũng có thể hiểu được vì cà phê, hồ tiêu có giá trị kinh tế cao hơn, là nguồn thu chính của nông dân. Tuy nhiên, cũng phải kể đến một số nguyên nhân khác như việc vận động, hướng dẫn, đôn đốc sản xuất của các cấp chính quyền, ngành chức năng còn chưa hiệu quả nên dẫn đến việc ảnh hưởng đến tiến độ chung.

Điển hình như huyện Đắk Mil đến giữa tháng 3 mới sản xuất được 455 ha/821 ha, đạt 55,42% so với kế hoạch, trong đó cây trồng chính là lúa nước rất chậm mới được 293 ha/650 ha. Với thực tế này những diện tích lúa muộn rất dễ bị ảnh hưởng bởi khô hạn. Đối với cây ngô, trong thời gian qua, báo cáo của Sở về cây ngô có sự sai lệch với các huyện Chư Jút, Krông Nô. Vì vậy để bảo đảm kế hoạch sản xuất sát với các địa phương, Sở đang phối hợp với các địa phương để rà soát, điều chỉnh kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2017 – 2018 phù hợp với thực tế hơn.

Trước tình hình xuống giống các loại cây trồng chậm tiến độ, ngành Nông nghiệp, các huyện đã phối hợp tăng cường các biện pháp chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân địa phương chủ động và khẩn trương đẩy nhanh tiến độ sản xuất vụ đông xuân. Đến thời điểm hiện nay, nông dân các địa phương đang chăm sóc các loại cây trồng. Tuy nhiên, năm nay, do xuống giống thiếu tập trung nên một số diện tích lúa, ngô phát triển không đồng đều, một số ruộng lúa bắt đầu làm đòng, nhưng cũng có những thửa đang thời kỳ đẻ nhánh. Do đó, ngành Nông nghiệp tỉnh yêu cầu các địa phương và nông dân tích cực đẩy mạnh chăm sóc, phòng bệnh, đề phòng khô hạn cuối vụ. Riêng với tình hình sâu bệnh, ngành chức năng địa phương đã hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp phòng trừ tổng hợp, bón phân cân đối, chỉ sử dụng hóa chất trừ sâu bệnh khi thật sự cần thiết nhằm giảm ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng nông sản.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì sao sản xuất vụ đông xuân chậm tiến độ, lịch thời vụ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO