Việt Nam trước cơ hội và thách thức từ CPTPP

Thùy Dương| 13/03/2018 09:19

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), phiên bản mới của TPP đã chính thức được kí kết. Là một trong 11 nước tham gia Hiệp định, Việt Nam đang đứng trước hàng loạt cơ hội, song cũng đối mặt với không ít thách thức từ CPTPP.

ADQuảng cáo

Thủy sản là một trong những ngành được hưởng lợi khi  Việt Nam tham gia CPTPP. Ảnh tư liệu

CPTPP đem lại lợi ích cụ thể cho Việt Nam cả về chính trị-đối ngoại lẫn kinh tế, xã hội. Cụ thể, tham gia CPTPP vai trò và vị thế của Việt Nam sẽ được tăng cường cả ở khu vực và quốc tế. Cùng với đó, CTPPP củng cố thêm sức mạnh kinh tế cho Việt Nam thông qua việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thương mại cũng như thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tạo thêm xung lực mới cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Nếu chỉ tính riêng về triển vọng kinh tế, Việt Nam là quốc gia được đánh giá sẽ đạt được lợi ích lớn nhất từ CPTPP so với các thành viên khác.

Theo Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội quốc gia (NCIF) thuộc Bộ Kế hoạch - Đầu tư (đơn vị trực tiếp thực hiện đánh giá tác động của CPTPP), CPTPP có thể giúp GDP của nước ta tăng thêm 1,32%, tương đương với 1,7 tỷ USD và có thể tăng tới 2,01% nếu Việt Nam thực hiện đồng thời cắt giảm thuế quan và tự do hóa dịch vụ theo kịch bản mở cửa dịch vụ.

Ngoài ra, Hiệp định sẽ góp phần vào việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các thị trường lớn như Nhật Bản, Australia, Canada, Mexico..., cũng như thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu phát triển. Ước tính, Việt Nam có thể tăng tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 4% (tương đương 4,09 tỷ USD).

Mặt khác, quá trình tự do hóa thương mại và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng thông qua CPTPP  giúp Việt Nam trở thành một trong những địa chỉ hấp dẫn về đầu tư, có thể thu hút được dòng FDI với giá trị lớn hơn và công nghệ cao hơn. Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, CPTPP có thể giúp Việt Nam giảm được gần 1 triệu người thuộc diện đói nghèo…

Lợi ích lâu dài, CPTPP giúp Việt Nam đẩy nhanh cải cách thể chế trong nước để vận hành nền kinh tế thị trường một cách toàn diện và triệt để, tạo môi trường đầu tư - kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bởi khi tham gia, Việt Nam sẽ phải đưa ra những cam kết rõ ràng hơn trong việc cải thiện môi trường đầu tư và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Ngoài hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, CPTPP sẽ thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng cân bằng hơn và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Việt Nam...

ADQuảng cáo

Nhóm ngành sản xuất dệt may được hưởng lợi nhiều nhất khi Việt Nam tham gia CPTTP. Ảnh tư liệu

Bên cạnh những cơ hội, CPTPP cũng đặt ra không ít thách thức. Theo các chuyên gia kinh tế nhận định văn kiện này không chỉ đề cập tới các lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại... mà còn xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm của chính phủ, doanh nghiệp nhà nước (DNNN)...

Hiệp định này còn đặt ra các yêu cầu và tiêu chuẩn cao về minh bạch hóa, các quy định về bảo hộ sở hữu trí tuệ cũng như đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc và chặt chẽ. Bên cạnh đó, cạnh tranh sẽ diễn ra quyết liệt không chỉ ở thị trường các nước tham gia hiệp định mà ngay tại thị trường trong nước trên cả ba cấp độ: sản phẩm, doanh nghiệp và quốc gia. Tất cả tạo ra sức ép to lớn trong bối cảnh năng lực cạnh tranh quốc gia và của doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều hạn chế, Việt Nam có trình độ phát triển được xem là thấp nhất trong các thành viên CPTPP.

Những tác động tiêu cực từ những yêu cầu phải mở cửa thị trường mua sắm công, thuế nhập khẩu hay thiếu chiến lược đầu tư hiệu quả...  có thể khiến cho lợi ích tổng thể của nền kinh tế bị suy giảm. Trong khi đó, quá trình cải cách thể chế trong nước chậm chạp có thể không bắt kịp với tiến trình chuyển đổi nhanh chóng khi nền kinh tế Việt Nam hội nhập trong CPTPP, cản trở Việt Nam khai thác những cơ hội mà TPP mang lại. Việt Nam sẽ phải mở cửa chào đón hàng hóa, dịch vụ của các nước đối tác tại thị trường trong nước, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt hơn tại “sân nhà”. Trong bối cảnh khả năng thích nghi của doanh nghiệp Việt Nam với kinh tế thị trường còn kém thì nguy cơ thất bại của các doanh nghiệp trên chính thị trường nội địa cũng vì thế gia tăng…

CPTPP khi có hiệu lực và đi vào thực hiện, các nhóm ngành thủy hải sản, may mặc, da giày, lắp ráp đồ điện tử... xuất khẩu của Việt Nam sẽ được hưởng lợi lớn trực tiếp khi thuế quan được cắt giảm. Đối với những doanh nghiệp thuộc lĩnh vực Logistic, việc tăng cường tự do thương mại sẽ thúc đẩy hoạt động vận chuyển giữa các nước trong nhóm, từ đó, hoạt động hàng hải, hàng không… sẽ được tiếp đà khi thương mại giữa các nước gia tăng. CPTPP là thách thức đối với các nhóm ngành phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa với kim ngạch nhập khẩu lớn từ các nước tham gia hiệp định như ngành đồ gia dụng, ngũ cốc…

Trước cơ hội và thách thức đan xen, có thể thấy rằng, Việt Nam cần chủ động chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận và tận dụng triệt để các cơ hội, biến cơ hội thành lợi ích, đồng thời tìm ra giải pháp hữu hiệu để "hóa giải" các thách thức. Có như thế, CPTPP mới đem lại lợi ích thiết thực cho Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam trước cơ hội và thách thức từ CPTPP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO