Vỡ mộng “vàng đen”

Quốc Sỹ - Lê Phước| 22/11/2018 09:19

Chỉ một thời gian ngắn sau khi mùa mưa năm 2018 kết thúc, nhiều diện tích hồ tiêu của người dân trên địa bàn tỉnh ồ ạt nhiễm bệnh rồi chết. Các ngành chức năng đang triển khai nhiều giải pháp cấp bách để cùng người dân ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh đang hoành hành trên cây “vàng đen”.

ADQuảng cáo

Diện tích hồ tiêu chết nhanh, chết chậm tăng nhanh

Tiếp sau sự “ra đi” của những vườn tiêu ở thủ phủ tiêu Đắk Song, hàng trăm ha hồ tiêu ở các địa phương còn lại như Đắk R’lấp, Tuy Đức, Đắk Glong, Gia Nghĩa cũng đã mắc bệnh và chết hàng loạt. Tương tự như ở Đắk Song, nhiều hộ dân trồng tiêu trong tỉnh đang như ngồi trên đống lửa vì cây tiêu bị dịch bệnh và chết dần.

Vào đầu tháng 10 vừa qua, vườn tiêu gần 3 ha của gia đình ông Vũ Đăng Khoa, ở thôn 16, xã Đắk Wer (Đắk R’lấp) bỗng xuất hiện một số cây chết rải rác. Sau đó, cây tiêu chết với tốc độ chóng mặt. Sau hơn 1 tháng, khoảng 2.700 gốc tiêu đã chết rụi.

Người dân xã Đắk Wer (Đắk R'lấp) bất lực nhìn cây tiêu chết hàng loạt. Ảnh: Quốc Sỹ

Mấy đêm rồi, ông Khoa buồn không ngủ được vì vườn cây chết và lo cho khoản nợ ngân hàng sắp tới kỳ đáo hạn. Cách đây 3 năm, cả nhà ông dồn toàn lực được 2 tỷ đồng, vay thêm 1 tỷ nữa từ ngân hàng để mua lại vườn tiêu. Vay mượn thêm một số nơi khác để đầu tư, chăm sóc vườn cây nhưng chỉ sau 1 năm thu bói, toàn bộ vườn cây đã “chết yểu”.

Theo ông Khoa, trong sản xuất, mọi rủi ro thì người dân phải gánh chịu. Gia đình ông mong Nhà nước, ngân hàng, chính quyền các cấp, các ngành chức năng có giải pháp hỗ trợ một phần nào. Hiện tại, ông đang nhổ bỏ sạch vườn tiêu bị chết, cải tạo đất để trồng cà phê.

Cùng cảnh ngộ với ông Khoa, chỉ trong vòng một tháng nay, gần 7.000 trụ tiêu của gia đình anh Đoàn Đình Bắc, xã Đắk Búk So (Tuy Đức) đã chết khô. Anh Bắc cho biết, năm ngoái vườn tiêu chỉ bị chết vài chục trụ do úng nước. Rồi năm nay, khi vừa kết thúc mùa mưa thì cây tiêu lại chết hàng loạt. Khi phát hiện cây tiêu có hiện tượng vàng lá, gia đình đã mời kỹ sư vào tư vấn, bơm thuốc 3 lần, mỗi lần tốn gần 20 triệu đồng nhưng không thể cứu vãn. Anh dự kiến, nếu vườn tiêu không chết thì năm nay anh thu khoảng 20 tấn tiêu khô, với mức giá như hiện nay cũng có cả tỷ đồng. Thế nhưng, vườn tiêu chết khô “mang theo” của gia đình anh khoảng 4 tỷ đồng, trong đó có 1 tỷ đồng vay ngân hàng để đầu tư vườn cây. Bất lực, chua xót nhìn vườn tiêu đang chết, anh Bắc thở than: “Bây giờ không biết lấy đâu ra tiền để tái đầu tư và trả nợ ngân hàng”.

Ông Vũ Đăng Khoa ở xã Đắk Wer trồng cà phê vào diện tích hồ tiêu bị chết. Ảnh: Quốc Sỹ

Đây chỉ là 2 trong rất nhiều hộ dân chúng tôi đến tìm hiểu lâm vào cảnh trắng tay vì giấc mộng “vàng đen”. Tại thủ phủ tiêu Đắk Song (nơi có gần 15.800 ha tiêu), trong năm 2017, toàn huyện đã có 110,4 ha tiêu bị chết. Nhưng chỉ từ đầu năm tới giữa tháng 10/2018, toàn huyện đã có 1.696,3 ha tiêu bị nhiễm bệnh. Trong đó, diện tích bị bệnh chết chậm 780,9 ha, chết nhanh 667,4 ha và nhiễm đen lá 248 ha. Ngành Nông nghiệp tỉnh cũng dự báo diện tích tiêu nhiễm bệnh và bị chết sẽ tiếp tục tăng nhanh trong những ngày sắp tới.

ADQuảng cáo

Sức lan tỏa của việc tiêu nhiễm bệnh là rất lớn và hiện cả 8/8 huyện, thị xã của tỉnh đều bị ảnh hưởng. Nhiều diện tích bị chết nhanh, chết hàng loạt khiến người trồng hồ tiêu như đang ngồi trên đống lửa. Hiện nay, hàng nghìn hộ nông dân trong tỉnh đang thực sự “vàng mắt” với cây trồng được mệnh danh là “vàng đen” này. Theo đó, là nợ nần chồng chất và nguy cơ phá sản đang hiện hữu với họ.

Nhiều diện tích hồ tiêu trên địa bàn xã Thuận Hà (Đắk Song) đã bị chết khô. Ảnh: Quốc Sỹ 

“Căng sức” phòng, chống bệnh

Ngoài nguyên nhân khách quan (như thời tiết mưa nhiều, độ ẩm đất và không khí cao…) khiến cho các nguồn bệnh lây lan nhanh, Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT Lê Trọng Yên cho rằng việc tiêu chết hàng loạt bắt nguồn từ một số nguyên nhân chủ quan khác. Cách đây ít năm, người dân thấy giá hồ tiêu lên “kịch khung”, đạt 220.000 đồng/kg nên bất chấp khuyến cáo của ngành chức năng, ồ ạt mở rộng diện tích, phá vỡ quy hoạch chung (diện tích hồ tiêu toàn tỉnh hiện đạt trên 35.000 ha, vượt nhiều lần so với quy hoạch đến năm 2020 là 10.000 ha). Ở một số vùng, người dân trồng hồ tiêu trên những chân đất thấp, trũng nước hoặc trên đất nhiễm bệnh mà chưa xử lý kỹ.

Cùng với việc sử dụng giống không rõ nguồn gốc, nhiều người trồng hồ tiêu còn lạm dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học, chất kích thích tăng trưởng để tăng năng suất, sản lượng, gây ra nhiều tác động tiêu cực trong sản xuất. Trong khi đó, hồ tiêu là loại cây có khả năng chống chịu yếu, dễ mẫn cảm với dịch hại nên lâm vào tình cảnh dễ bị nhiễm bệnh và gây chết hàng loạt.

Trước tình trạng dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, Sở Nông nghiệp - PTNT đã thành lập tổ công tác phối hợp với các địa phương tổng rà soát, thống kê đánh giá tình hình dịch bệnh, dự báo diễn biến của bệnh hại trên cây hồ tiêu. Sở cũng chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật hướng dẫn người dân biện pháp phòng trừ đối với những vườn tiêu chưa bị nhiễm bệnh và tiến hành vệ sinh, xử lý tiêu hủy những vườn đã bị chết hoặc bị nhiễm nặng, không còn khả năng phục hồi để tránh bệnh lây lan trên diện rộng.

Song song với quá trình này, ngành Nông nghiệp cho biết sẽ tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân áp dụng Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên vườn tiêu, áp dụng quy trình trồng, chăm sóc cây hồ tiêu theo hướng bền vững và thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với từng chân đất của các địa phương. Dự kiến vào cuối tháng 11, tỉnh sẽ tổ chức hội thảo khoa học mời các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành về trồng trọt để tìm hướng phát triển bền vững cho cây hồ tiêu trên địa bàn.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở Nông nghiệp – PTNT, đến nay trên địa bàn toàn tỉnh đã có hơn 2.600 ha bị nhiễm bệnh, chủ yếu là bệnh chết nhanh, chết chậm, vàng lá, cháy lá; trong đó hơn 1.000 ha hồ tiêu bị chết hoàn toàn. Điểm nóng về dịch bệnh trên cây hồ tiêu hiện nay là huyện Đắk Song với hơn 527 ha tiêu bị chết, hơn gần 1.700 ha bị nhiễm bệnh. Kế đến là huyện Tuy Đức, với hơn 300 ha tiêu bị chết trụi; huyện Đắk Glong 115,6 ha… Dự báo, trong thời gian tới, diện tích hồ tiêu bị chết sẽ tiếp tục tăng lên gây hậu quả nặng nề cho người nông dân và ngành nông nghiệp địa phương.

Theo ông Nguyễn Thiện Chân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, bệnh chết nhanh, chết chậm do nấm và tuyến trùng gây nên. Đây là bệnh chưa có thuốc đặc trị nên công tác phòng bệnh là chủ yếu. Vì vậy, bà con cần áp dụng quy trình kỹ thuật quản lý bệnh chết nhanh, chết chậm hồ tiêu của Cục Bảo vệ thực vật đã ban hành tháng 8/2016. Trong đó, người dân đặc biệt lưu ý sau khi xử lý xong diện tích hồ tiêu bị chết, tuyệt đối không được trồng lại ngay mà phải giãn cách 2 - 3 năm sau mới trồng lại. Người dân không tái canh hoặc trồng mới trên những vùng đất trũng khó thoát nước, đất không phù hợp với cây hồ tiêu để hạn chế rủi ro trong quá trình sản xuất. Trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải đảm bảo theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng phương pháp).

Ngoài ra, để giảm bớt khó khăn cho người dân khi có tiêu bị chết, ngành nông nghiệp cũng đã đề xuất UBND tỉnh có mức hỗ trợ những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình có công với cách mạng phù hợp với thực tế. Tỉnh cần nghiên cứu, xem xét hỗ trợ người dân đã vay vốn trồng tiêu bằng các hình thức khoanh nợ, gia hạn thời gian trả nợ hoặc tiếp tục cho vay để tái đầu tư đối với những hộ có diện tích tiêu đã bị chết.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vỡ mộng “vàng đen”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO