Vựa lúa gạo Buôn Choáh

Bài, ảnh: Đức Hùng| 24/10/2018 09:13

Nằm cách trung tâm huyện Krông Nô 18 km về hướng Đông bắc, xã Buôn Choáh đang được nhiều người biết đến không chỉ là vựa lúa lớn nhất của tỉnh Đắk Nông mà chất lượng gạo nơi đây đã được người tiêu dùng xa gần biết đến.

ADQuảng cáo

Cánh đồng lúa VietGAP xã Buôn Choáh

Xây dựng cánh đồng mẫu

Krông Nô là huyện trọng điểm về sản xuất lương thực của tỉnh với diện tích gieo trồng lúa nước hàng năm hơn 4.600 ha, trong đó xã Buôn Choáh chiếm hơn 1.400 ha. Cánh đồng lúa nước xã Buôn Choáh nép mình cạnh 2 dòng sông Krông Ana và sông Krông Nô thơ mộng. Với đặc thù thổ nhưỡng chủ yếu là đất thịt, sâu trũng, phù hợp với sản xuất lúa nước, xã Buôn Choáh xác định đây là cây trồng mũi nhọn, trọng tâm của địa phương. Nắm lợi thế, xã bắt tay xây dựng cánh đồng mẫu lớn, phát triển nền kinh tế nông nghiệp theo hướng hàng hóa.

Bắt đầu từ năm 2011, xã Buôn Choáh xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lúa nước tại các cánh đồng thôn Ninh Giang và Bình Giang, đưa giống lúa RVT vào sản xuất trên diện tích 34,1 ha với 27 hộ tham gia. Ngoài việc đưa giống lúa mới RVT vào sản xuất, những người nông dân được tiếp cận với quy trình sản xuất, áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật làm tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất. Vụ lúa thu hoạch, đối chứng chênh lệch trên 18 triệu đồng/ha so với gống lúa canh tác truyền thống.

Từ mô hình được triển khai, các nhà chuyên môn đánh giá giống lúa RVT trên cánh đồng xã Buôn Choáh có khả năng kháng và chống chịu với sâu bệnh, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu và cho năng suất khá cao, trung bình đạt 7,5 tấn/ha, chất lượng hạt gạo dẻo, thơm ngon được người tiêu dùng ưa chuộng, giá bán luôn cao hơn các giống lúa khác tại địa phương. Sự thành công của mô hình tạo bước đệm quan trọng để người dân tiếp tục nhân rộng.

Sau khi kết thúc mô hình, người dân đã tổ chức nhân rộng giống lúa RVT ra đại trà, đến thời điểm hiện tại diện tích canh tác giống lúa RVT tại xã Buôn Choáh chiếm hơn 80% diện tích sản xuất lúa nước của địa phương. Cùng với đó, người dân triển khai sản xuất lúa theo quy trình VietGAP. Cụ thể, năm 2014 xã thực hiện mô hình lúa VietGAP trên diện tích 40 ha, với 25 hộ tham gia. Đến nay, xã đã có 100 ha lúa sản xuất theo quy trình VietGAP.

ADQuảng cáo

Hình thành vùng chuyên canh

Với mục tiêu hình thành vùng chuyên canh trồng lúa, xã Buôn Choáh định hướng và khuyến khích các hộ tham gia mô hình thực hiện dồn điền đổi thửa, giảm dần sổ thửa/hộ, tạo ra các thửa ruộng lớn; khuyến khích các hộ tham gia chỉnh trang, san gạt đồng ruộng… Thấy được lợi ích của việc dồn điền đổi thửa, những nông dân trên cánh đồng Buôn choáh đã tự thỏa thuận với nhau tạo ra các ô thửa ruộng lớn đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân áp dụng cơ giới hóa trong khâu làm đất và thu hoạch.  

Ngoài việc cơ giới hóa, đưa giống mới vào sản xuất, người nông dân sản xuất lúa theo quy trình “1 phải 5 giảm”; chương trình “3 tăng 3 giảm”; biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), ICM, tiến hành ghi chép sổ sách bảo đảm truy xuất nguồn gốc hàng hóa.

Các hộ sản xuất đã thành lập “Tổ hợp tác sản xuất lúa cánh đồng mẫu”. Tổ đứng ra làm đại diện để thống nhất các nội dung, kế hoạch sản xuất, liên kết với các đối tác bên ngoài. Các thành viên trong tổ sản xuất theo sự hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, phối hợp điều tiết thủy lợi bảo đảm đúng lịch thời vụ, cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và đứng ra thu mua sản phẩm của các thành viên tổ.

Theo ông Lương Văn Đoàn, Chủ tịch UBND xã Buôn Choáh, hơn 90% dân số của xã thu nhập chính từ sản xuất lúa nước. Hiện nay, người dân sản xuất lúa theo 3 vụ đông xuân, hè thu và thu đông, trong đó hơn 80% diện tích sản xuất giống lúa RVT, còn lại là giống Bắc Thơm số 7. Cây lúa ở đây được xem là cây trồng chủ lực của địa phương. Việc hình thành cánh đồng mẫu lớn, sản xuất theo quy trình đã tạo điều kiện cho nông dân Buôn Choáh tiếp cận và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, giúp người sản xuất tiết kiệm ngày công, sức lao động, chi phí giống, vật tư phân bón… nâng cao sản lượng, chất lượng hàng hóa lúa gạo Buôn Choáh.

Ông Doãn Gia Lộc, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Nô cho biết: Thời gian qua, huyện đã triển khai các hoạt động hỗ trợ xã trong việc xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, thiết kế logo, xúc tiến thương mại, kết nối đầu ra, quảng bá tiềm năng phát triển và mời gọi các nhà đầu tư, các nhà thu mua để phát triển sản phẩm gạo theo chuỗi. Huyện liên kết với các đơn vị cung cấp thêm các giống mới để tăng bộ giống, tránh tình trạng thoái hóa giống sau 3 đến 5 năm triển khai để tránh ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng cây trồng.

Lúa gạo Buôn Choáh hiện nay không chỉ đang thành điểm cung cấp cho thị trường trong tỉnh mà cả khu vực miền Tây và đang từng bước hướng tới xuất khẩu.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vựa lúa gạo Buôn Choáh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO