Xây dựng chuỗi giá trị cho nông sản Đắk Nông (kỳ 3): Những vấn đề đặt ra

Hồng Thoan - Thanh Nga| 08/10/2021 09:27

Trong điều kiện của một tỉnh còn khó khăn, việc xác định đúng chuỗi để đầu tư đúng hướng gắn với đồng bộ các điều kiện trợ lực cho chuỗi nông sản sẽ góp phần khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, nâng cao thu nhập cho người dân, doanh nghiệp.

ADQuảng cáo

Phát triển hạ tầng

Hạ tầng là điều được nhiều người dân, doanh nghiệp đặt ra đầu tiên để tạo lực đẩy cho chuỗi nông sản. Hạ tầng ở đây bao gồm cả về giao thông, thủy lợi, hệ thống kho bãi, nhà máy chế biến, đại lý, kênh tiêu thụ...

Trong đó, hạ tầng giao thông được coi là quan trọng hàng đầu. Việc tiêu thụ sản phẩm lúa ở vùng trọng điểm sản xuất lúa Buôn Choáh (Krông Nô) là một ví dụ. Vùng này mỗi vụ khoảng 1.000 ha lúa.

Trước đây, vì giao thông khó khăn, nên sản phẩm lúa của người dân nơi đây rất khó tiêu tụ, thường phải chịu cảnh giá bán thấp. Nhưng hai năm nay, khi tuyến đường chính của vùng sản xuất lúa Buôn Choáh được đầu tư xây dựng thì mọi việc đã khởi sắc.

Hạ tầng giao thông vùng trồng lúa Buôn Choáh đã được đầu tư đồng bộ hơn. Ảnh: Hồng Thoan

Theo ông Phạm Xuân Lai, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Buôn Choáh, việc thông thương hàng hóa trở nên dễ dàng hơn. HTX cũng thuận lợi trong việc thương thảo giá cả với các đối tác thu mua lúa trong và ngoài tỉnh.

“Đây là cơ hội, động lực cho chúng tôi trong việc khắc phục những khó khăn để khẳng định giá trị sản phẩm lúa gạo Buôn Choáh”, ông Lai chia sẻ.

Ngoài giao thông, hạ tầng về kho bãi, nhà máy chế biến, vùng nguyên liệu ổn định cũng là những vấn đề còn yếu hiện nay. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển các chuỗi giá trị.

Liên quan đến nội dung này, bà Phạm Thị Quê, Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp và Thương mại Tia Sáng (Gia Nghĩa) cho biết: Cách đây 5 năm, HTX chọn phát triển sản xuất chanh dây theo chuỗi giá trị. Thế nhưng, quá trình triển khai, HTX gặp nhiều khó khăn.

HTX Nông lâm nghiệp và Thương mại Tia Sáng (Gia Nghĩa) gặp khó khăn trong duy trì hoạt động nhà máy chế biến do nguyên liệu thiếu ổn định. Ảnh: Thanh Nga

ADQuảng cáo

Khó khăn lớn nhất đó là nguồn nguyên liệu bấp bênh do người dân trồng thời vụ, không ổn định. Nguyên liệu không đủ đã gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động của nhà máy, khó bảo đảm số lượng hàng hóa theo yêu cầu hợp đồng của đơn vị nhập khẩu. 

Do đó, bên cạnh sự vào cuộc của doanh nghiệp, HTX, Nhà nước cần có chính sách đồng bộ hơn để tạo các vùng nguyên liệu ổn định. Từ đây mới có thể phát triển công nghiệp chế biến, tạo nên chuỗi giá trị bền vững hơn.

Hiện nay, khâu yếu nhất là hạ tầng về chế biến. Đắk Nông hiện chỉ có 67 doanh nghiệp chế biến nông sản ở quy mô nhỏ, vừa. Các doanh nghiệp này chế biến sâu các loại nông sản gồm cà phê nhân, hồ tiêu, hạt điều, đậu phụng, chanh dây, mía đường, mắc ca, hạt óc chó, hạnh nhân, sachi, ca cao, rau quả, sầu riêng, khoai lang. 

Thế nhưng, sản lượng chế biến của các doanh nghiệp này chỉ mới là phần nhỏ trong tổng sản lượng nông sản hàng năm trên địa bàn tỉnh. Do đó, việc thu hút đầu tư vào khâu chế biến là điều rất cần thiết để phát triển chuỗi giá trị hiện nay.

Định hướng thị trường

Nông sản Việt Nam ngày càng mở rộng thị trường, xuất khẩu đến nhiều nước, vùng lãnh thổ. Đặc biệt khi Việt Nam thực thi các hiệp định thương mại tự do với nhiều thị trường như EU, EVFTA, Nhật Bản, Hàn Quốc... nông sản càng có cơ hội tiêu thụ nhiều hơn.

Từ thực tế này, việc tìm hiểu thị trường để có được quy hoạch sản xuất tương ứng có ý nghĩa quan trọng. Theo lãnh đạo Sở Công thương, mỗi thị trường đều có yêu cầu về chất lượng, mẫu mã, quy cách sản phẩm khác nhau.

Do đó, khi cụ thể được vùng sản xuất nào cho thị trường nào, trong nước hay xuất khẩu thì sẽ tối ưu hóa đầu tư, gia tăng cơ hội thành công. Hiện nay, ngành Công thương đang đẩy mạnh sự phối hợp với các sở, ngành, địa phương để đưa sản phẩm nông sản đạt chất lượng vào các kênh tiêu thụ hiện đại, nhất là hệ thống các siêu thị, cửa hàng và cả sàn thương mại điện tử.

Hạ tầng chế biến của tỉnh còn nhỏ, lẻ, thiếu đồng bộ (Trong ảnh: Nhà máy chế biến của HTX Nông nghiệp Công bằng Thuận An). Ảnh: Hồng Thoan

Liên quan đến nội dung này, ông Nguyễn Đình Đạo, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Đắk Nông cho rằng: Quy hoạch sản xuất gắn với thị trường cần tính thêm sự cạnh tranh với các tỉnh trong khu vực, cả nước, thậm chí so với các nước cùng lợi thế.

"Làm được như vậy, sự đồng bộ về quy hoạch vùng sản xuất đến hạ tầng sẽ không bị dàn trải trong điều kiện nguồn lực chúng ta có hạn", ông Đạo chia sẻ. 

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng chuỗi giá trị cho nông sản Đắk Nông (kỳ 3): Những vấn đề đặt ra
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO