Xây dựng Tây Nguyên thành vùng kinh tế trọng điểm

Bình Định| 07/03/2017 09:30

Những năm gần đây, cụ thể hóa chính sách ưu đãi đặc thù của Đảng, Nhà nước, cộng với sự hỗ trợ của các ban, bộ, ngành Trung ương, vùng Tây Nguyên đã đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội theo hướng nhanh và bền vững.

ADQuảng cáo

Từng bước khai thác hiệu quả tiềm năng

Tây Nguyên gồm các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng, có diện tích tự nhiên 54.000 km2, dân số hơn 5,6 triệu người. Được xác định là 1 trong 6 vùng kinh tế lớn của cả nước, Tây Nguyên có nhiều tiềm năng và thế mạnh.

Thành phố Buôn Ma Thuột trên đà phát triển. Ảnh: L.P

Toàn vùng có 2 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp (gồm 850 nghìn ha trồng cây hằng năm và 1,15 triệu ha trồng cây lâu năm) và 3,35 triệu ha đất lâm nghiệp, trong đó có 2,57 triệu ha rừng, độ che phủ đạt 45,8%.

Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, vị trí địa lý khá thuận lợi cho phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất lớn, áp dụng công nghệ cao, nên Tây Nguyên đã trở thành vùng chuyên canh lớn cây công nghiệp của cả nước, như cà phê có 576,8 nghìn ha, chiếm 89,4%; hồ tiêu 53,9 nghìn ha, chiếm 55,2%; cao su 258,9 nghìn ha, chiếm 26,4%; điều 68,5 nghìn ha, chiếm 23,5% và chè 22,4 nghìn ha chiếm 16,6% diện tích chè cả nước.

Tây Nguyên cũng là địa bàn có tiềm năng thủy điện, điện mặt trời, điện gió rất lớn. Theo quy hoạch thủy điện trên bậc thang các sông Sê San, Sêrêpốk và Đồng Nai, tổng công suất thủy điện ở Tây Nguyên lên tới 7 nghìn MW, chiếm 27% tổng tiềm năng kinh tế - kỹ thuật thủy điện cả nước.

Trong lòng đất Tây Nguyên, đến nay phát hiện một số loại khoáng sản có trữ lượng lớn như than bùn, than nâu, sét cao lanh, bauxite. Đặc biệt, bauxit Tây Nguyên có trữ lượng khoảng 7 tỷ tấn quặng nguyên khai (tương đương 3,2 tỷ tấn tinh quặng), phân bố chủ yếu ở Đắk Nông và Lâm Đồng.

Về cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua Tây Nguyên đã được đầu tư hằng trăm nghìn tỷ đồng xây dựng “điện, đường, thủy lợi, khu và cụm công nghiệp”.

Riêng lĩnh vực giao thông, chỉ tính giai đoạn 2011-2015, toàn vùng đầu tư khoảng 64 nghìn tỷ đồng, chiếm 1/6 tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Trong đó vốn đầu tư các công trình do Trung ương quản lý 45,3 nghìn tỷ đồng; vốn cho các công trình địa phương quản lý 18,7 nghìn tỷ đồng. Đến nay, nhiều công trình giao thông trọng yếu đã được đầu tư hoàn thành. Như đường Hồ Chí Minh, các quốc lộ 19, 20, 26, 28,…, các Cảng hàng không Buôn Ma Thuột, Liên Khương và Pleiku.

Hiện tại mạng lưới giao thông đường bộ khu vực Tây Nguyên có tổng chiều dài 39.812 km, đã có tỷ lệ được cứng hóa đạt 47,72%. Trong đó quốc lộ 2.517 km, tỷ lệ cứng hóa 88,28%; đường tỉnh dài 1.948 km, cứng hóa 85,3%; đường giao thông nông thôn dài 35.347 km, cứng hóa 42,76%. Toàn vùng có 143/600 xã đạt tiêu chí về giao thông trong xây dựng nông thôn mới, chiếm 23,8%.

Về thủy lợi, Tây Nguyên đã đầu tư xây dựng được 2.261 công trình thủy lợi, với tổng dung tích trữ 1.535.106 m3, dung tích hữu ích khoảng 1.290.106 m3, bảo đảm nước tưới cho 112.627 ha cây trồng các loại. Đến nay, 100% xã, với 97% dân số nông thôn vùng Tây Nguyên đã có điện lưới quốc gia phục vụ sản xuất và sinh hoạt; 5/5 tỉnh Tây Nguyên có Khu công nghiệp tập trung; và hầu hết các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có cụm công nghiệp.

Đồng chí Trần Đức Thanh, Phó vụ trưởng vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho biết, từ năm 2001 đến 2016, Tây Nguyên huy động nguồn đầu tư rất lớn cho phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh. Cụ thể giai đoạn 2001 - 2005, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 40,1 nghìn tỷ đồng; giai đoạn 2006 - 2010, tăng lên đạt 130,4 nghìn tỷ đồng.

ADQuảng cáo

Đặc biệt, giai đoạn 2011 - 2015, nguồn vốn đầu tư vào Tây Nguyên tăng trưởng mạnh, đạt 265,7 nghìn tỷ đồng, gấp đôi giai đoạn 2006 - 2010. Riêng năm 2016 vừa qua, tổng vốn đầu tư toàn vùng đạt hơn 78,7 nghìn tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng nguồn vốn đầu tư hằng năm vùng Tây Nguyên đạt con số 11,33%; trong đó vốn đầu tư vào khu vực nông – lâm – thủy sản tăng bình quân 14,89%/năm; khu vực công nghiệp – xây dựng tăng 2,39%/năm; khu vục dịch vụ tăng 12,13%/năm.

Các địa phương vùng Tây Nguyên đã đẩy mạnh thu hút nguồn vốn đầu tư từ khu vực kinh tế ngoài nhà nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài. Bình quân 5 năm gần đây, tỷ trọng vốn đầu tư từ nguồn vốn nhà nước chiếm 36,89%, nguồn vốn đầu tư từ khu vực kinh tế ngoài nhà nước chiếm 59,74%, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm 1,96%. Tỷ trọng vốn đầu tư từ nguồn vốn nhà nước giảm từ 43,96% năm 2011 xuống còn 29,48% năm 2015. Các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk và Gia Lai có tỷ trọng vốn đầu tư từ khu vực kinh tế ngoài nhà nước đạt từ 64,86% đến 71,85%. Ngay cả hai tỉnh Đắk Nông và Kon Tum còn nhiều khó khăn, cũng có nhiều nỗ lực trong việc tăng tỷ trọng nguồn vốn đầu tư từ khu vực kinh tế ngoài nhà nước, đạt từ 50% đến 66%.

Đường Hồ Chí Minh qua các tỉnh Tây Nguyên được đầu tư, nâng cấp tạo điều kiện cho kinh tế - xã hội phát triển. Ảnh tư liệu

Tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến đầu tư

Những tiến bộ vượt bậc về hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hệ thống giao thông và điều kiện bảo đảm tại các khu, cụm công nghiệp; cộng với các chính sách ưu đãi cho vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn, nên những năm gần đây, Tây Nguyên đã có nhiều tiến bộ trong thu hút đầu tư.

Theo đó, số doanh nghiệp thành lập mới tăng nhanh, các dự án đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước tăng mạnh cả về số lượng và vốn đầu tư. Theo tổng hợp của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, hiện nay toàn vùng có 20.301 doanh nghiệp, tăng 141% so với năm 2010. Kết quả khảo sát năm 2014 cho thấy, bình quân một doanh nghiệp ở Tây Nguyên có vốn sản xuất kinh doanh hơn 27 tỷ đồng, có số lao động 26 người, đạt doanh thu bình quân23,6 tỷ đồng, và thu nhập bình quân của lao động 4,43 triệu đồng/người/tháng.

Trong quá trình xúc tiến đầu tư, từ năm 2009 đến nay, với sự vào cuộc tích cực của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và một số bộ, ngành Trung ương, môi trường đầu tư của Tây Nguyên đã được cải thiện. Chỉ tính trong năm 2016, toàn vùng đã thu hút được 254 dự án, với tổng vốn đăng ký 34.115 tỷ đồng, tăng 111,6% về số dự án và 76,76% về số vốn đăng ký so với năm 2015. Về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), lũy kế đến nay toàn vùng có 128 dự án, với tổng vốn đầu tư 818,7 triệu USD.

Đắk Nông tuy còn gặp khó khăn trong thu hút vốn đầu tư từ khu vực kinh tế ngoài nhà nước, nhưng giai đoạn 2004 - 2016, tỉnh Đắk Nông thu hút 262 dự án đầu tư ngoài ngân sách nhà nước, với tổng vốn 71.703 tỷ đồng. Hiện nay Đắk Nông đã xác định 14 dự án kêu gọi đầu tư trong giai đoạn 2016-2020, với tổng vốn đầu tư gần 7 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh Đắk Nông cam kết “luôn đồng hành cùng doanh nghiệp”.

Đồng chí Trần Xuân Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Nông khẳng định: "Với quyết tâm xây dựng một chính quyền kiến tạo, Đắk Nông đã có nhiều nỗ lực trong cải tiện môi trường đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp; xác định sự phát triển của doanh nghiệp như là động lực, nguồn lực quan trọng trong sự phát triển chung. Tới đây, Đắk Nông tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp bằng hệ thống cơ chế, chính sách, từng bước xây dựng môi trường sản xuất, kinh doanh thông thoáng, minh bạch!”.

Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho biết, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ 4 – 2017 tổ chức tới đây, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cùng các tỉnh Tây Nguyên sẽ định hướng, mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực mà Tây Nguyên có thế mạnh, như: Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; chế biến nông – lâm sản theo hướng nâng cao chuỗi giá trị gia tăng; khai thác du lịch sinh thái – văn hóa; khai thác năng lượng sạch (điện gió, điện mặt trời).

Mục tiêu thu hút đầu tư vùng Tây Nguyên là đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tạo tiềm lực cho củng cố quốc phòng - an ninh, thực hiện thắng lợi Kết luận 12-KL/TW, ngày 24/10/2011 của Bộ Chính trị (khóa XI) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) phát triển vùng Tây Nguyên thời kỳ 2011-2020. Xây dựng Tây Nguyên thành vùng kinh tế trọng điểm, có lực lượng sản xuất phát triển ở mức trung bình của cả nước.

Tăng trưởng GDP toàn vùng giai đoạn 2011-2015 đạt 7,19%; năm 2016 đạt 7,47%, thu nhập bình quân đầu người đạt 39,56 triệu đồng. Đặc biệt, cơ cấu kinh tế Tây Nguyên 2011-2016 đã chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng khu vực nông – lâm – thủy sản (từ 47,66% xuống 42,95%); tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng (16,7% lên 18,4%) và khu vực dịch vụ ( từ 31,1% lên 34,97%).
ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng Tây Nguyên thành vùng kinh tế trọng điểm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO