Xử lý tài sản bảo đảm tại các tổ chức tín dụng: Còn nhiều trở ngại

Lương Nguyên| 30/08/2017 14:43

Tài sản bảo đảm chính là cái "chuôi" để các tổ chức tín dụng tránh rủi ro khi khách hàng không thực hiện những cam kết theo hợp đồng vay vốn. Tuy nhiên, một thực tế là hiện nay, rất nhiều trường hợp khi xử lý nợ xấu, phía tổ chức tín dụng lại đang phải "cầm đằng lưỡi" vì tính khả thi trong xử lý tài sản bảo đảm rất thấp.

ADQuảng cáo

Thủ tục đấu giá tài sản còn rườm rà, thời gian khởi kiện kéo dài, tốn quá nhiều chi phí… chính là những trở ngại trong việc xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ tại các ngân hàng.

Bất động sản hiện là nhóm tài sản khó xử lý nhất khi tổ chức, cá nhân vi phạm hợp đồng với ngân hàng thương mại

Muôn kiểu khó khăn

Theo phản ánh của các tổ chức tín dụng, khó khăn nhất trong việc thu hồi nợ xấu hiện nay là quá trình xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ vay.

Ông Trần Hữu Trinh, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp - PTNT tỉnh chia sẻ: “Có trường hợp, một đơn vị, cá nhân vi phạm hợp đồng tín dụng, ngân hàng đã khởi kiện rất nhiều năm nhưng chưa được xét xử. Lý do là tài sản thế chấp trong hợp đồng vay vốn tại ngân hàng hiện là tài sản cho thuê. Trong khi, cơ quan chức năng không thể mời người thuê lên làm việc nên chưa thể giải quyết được”.

Cùng với “nút thắt” trong khâu xử lý tài sản, thời gian kê biên xử lý tài sản thế chấp cũng là một trong những “rào cản” của quy trình xử lý nợ xấu hiện nay.

Ông Lê Văn Cường, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Đắk Nông cho hay: “Trong xử lý tài sản bảo đảm, có nhiều hồ sơ của ngân hàng từ một đến hai năm vẫn chưa thể hoàn tất được. Bởi vì, để đem tài sản ra bán đấu giá phải trải qua nhiều giai đoạn. Thời gian để xử lý một hồ sơ kéo dài so với quy định, do phải thực hiện nhiều thủ tục liên quan đến xác minh tài sản, cưỡng chế tài sản, thẩm định giá tài sản...”.

ADQuảng cáo

Trao đổi về vấn đề xử lý, thu hồi nợ xấu hiện nay, đại diện nhiều ngân hàng thương mại trên địa bàn nêu thực tế rằng, khi đi vay thì khách hàng cam kết thế chấp, nhưng khi ngân hàng đòi nợ thì khách hàng không hợp tác để cho ngân hàng xử lý tài sản bảo đảm. Hơn thế, ngân hàng thắng kiện tại tòa, lại đến giai đoạn gian truân nhất là thi hành án. Hiện nay, sự phối hợp giữa các bên liên quan trong công tác xử lý tài sản bảo đảm chưa chặt chẽ, dẫn đến việc các tổ chức tín dụng gặp nhiều khó khăn trong khâu hoàn thành hồ sơ.  

Cần sự phối hợp chặt chẽ

Theo ông Trần Hữu Phú An, Trưởng Phòng Tổng hợp và Kiểm soát nội bộ (Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh), trong những năm qua, mặc dù việc xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng đã có quy định, nhưng chưa cụ thể, chặt chẽ nên các tổ chức tín dụng rất khó xử lý khi gặp trường hợp vi phạm hợp đồng. Cụ thể, theo Nghị định số 163/2006, các tổ chức tín dụng có đầy đủ quyền hạn tự mình chủ động xử lý nợ, nếu như đã có thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm. Tuy nhiên, theo Bộ luật Dân sự lại quy định hợp đồng mua bán phải là chủ tài sản hay đại diện luật pháp được ủy quyền. Trong thực tế, nhiều trường hợp tài sản đã được công chứng thế chấp, nhưng vẫn không thể thực hiện thủ tục sang tên đổi chủ cho tài sản đó, nếu như chủ tài sản không đồng ý, không ủy quyền rõ ràng. Khi gặp những trường hợp này, giải pháp cuối cùng để có quyền hợp pháp bán bất động sản là ngân hàng phải khởi kiện ra tòa. Tuy nhiên, việc khởi kiện ra tòa mất rất nhiều thời gian, vì phải qua rất nhiều cấp xét xử như: sơ thẩm, phúc thẩm… Trong khi, ngân hàng chưa có gì bảo đảm chắc chắn là sẽ thắng kiện để có thể xử lý tài sản. Còn nếu thắng kiện rồi, đến khâu phối hợp với cơ quan Thi hành án dân sự để xử lý tài sản bảo đảm cũng phức tạp không kém. Như vậy, để đi đến cùng, xử lý được một tài sản, các ngân hàng tốn rất nhiều chi phí. Thậm chí, một số đơn vị phải dùng lợi nhuận để trích lập dự phòng rủi ro.

Để tháo gỡ khó khăn của các tổ chức tín dụng trong xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản vay, mới đây, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 42/2017/QH14 (có hiệu lực từ 15/8/2017). Trong đó, Nghị quyết có điều chỉnh một số quyền hạn của tổ chức tín dụng trong xử lý tài sản bảo đảm như: Cho phép tổ chức tín dụng thu giữ tài sản bảo đảm, được phép chuyển nhượng tài sản bảo đảm là bất động sản, được kê biên tài sản trong quá trình làm các nghĩa vụ khác. Tuy nhiên theo các ngân hàng thương mại, đây mới chỉ là căn cứ pháp lý. Còn muốn thực thi có hiệu quả hay không thì cần phải có sự chung tay của tòa án, cơ quan thi hành án, cơ quan công an.

Ông Lê Văn Cường, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Đắk Nông cho rằng: “Việc xử lý nợ xấu là trách nhiệm trọng yếu của các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, để các ngân hàng thương mại thực hiện tốt trọng trách này, rất cần sự hỗ trợ tích cực, kịp thời, chủ động hơn nữa của các cơ quan, cấp có liên quan trong việc phối hợp, kết hợp, đặc biệt là vấn đề về xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ”.

Có thể nói, nợ xấu càng cao, khó thu hồi thì dòng vốn cho quá trình tái đầu tư vào các thành phần kinh tế bị ảnh hưởng. Nếu “nút thắt” này không gỡ được, việc “khơi thông” nguồn vốn đầu tư tại địa phương sẽ gặp khó khăn. Do vậy, điều kiện tiên quyết để giải quyết được căn bản về nợ xấu là tháo gỡ những trở ngại trong xử lý tài sản bảo đảm. Để làm được điều này, ngoài hệ thống ngân hàng, sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị liên quan trong quy trình xử lý là yếu tố quan trọng.

Theo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, tính đến hết tháng 8/2017, tỷ lệ nợ xấu trong toàn hệ thống là hơn 18 tỷ đồng, chiếm 0,9% tổng dư nợ. Đây là con số nằm ở mức cho phép và khá thấp so với mặt bằng chung trong cả nước (gần 3%).

Tuy nhiên, vấn đề ở đây là mặc dù nợ xấu chiếm con số không cao, nhưng việc xử lý những món nợ xấu, nhất là những mốn nợ lâu năm đối với các tổ chức tín dụng hiện đang gặp khó khăn. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến công tác thu hồi nợ, chỉ tiêu thu nợ của nhiều tổ chức tín dụng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý tài sản bảo đảm tại các tổ chức tín dụng: Còn nhiều trở ngại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO