Xuất khẩu 11 tháng năm 2018: Bước tăng trưởng ấn tượng

Bình Minh| 18/12/2018 10:14

Với bước tăng trưởng ấn tượng về xuất khẩu trong 11 tháng, các chuyên gia tin rằng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong năm 2018 hoàn toàn chạm ngưỡng con số 245 tỷ USD kế hoạch đề ra.

ADQuảng cáo

Xuất khẩu điện thoại và linh kiện trong 11 tháng 2018 đạt giá trị khá cao. Ảnh tư liệu

Tăng trưởng đạt cao

Theo Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu 11 tháng đạt 223,63 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2017, đạt 94,5% so với kế hoạch đề ra trong năm 2018. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước đạt 63,24 tỷ USD, tăng 17,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 160,385 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu 11 tháng tăng 12,4% và đạt 216,82 tỷ USD. Như vậy, cán cân thương mại của Việt Nam tính chung tháng 11, cả nước xuất siêu 6,8 tỷ USD. Con số xuất siêu của Việt Nam trong 11 tháng năm nay đã gấp hơn 3 lần so với năm ngoái (Năm 2017, xuất siêu đạt 2,11 tỷ USD).

Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm trước.  Điện thoại và linh kiện xuất khẩu đạt giá trị khá cao với 46,1 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2017. Hàng dệt may đạt 27,8 tỷ USD, tăng 17,4%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 27 tỷ USD, tăng 13,9%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 15,1 tỷ USD, tăng 28,6%; giày dép đạt 14,5 tỷ USD, tăng 9,9%. Bên cạnh đó, một số mặt hàng nông sản, thủy sản cũng tăng khá như thủy sản đạt 8 tỷ USD, tăng 6,1%; rau quả đạt 3,5 tỷ USD, tăng 11,6%; cà phê đạt 3,3 tỷ USD, tăng 2,9%; gạo đạt 2,9 tỷ USD, tăng 16,8%.

Về thị trường hàng hóa xuất khẩu 11 tháng, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 43,7 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, trong đó điện thoại và linh kiện tăng 49,8%; giày dép tăng 14,6%; hàng dệt may tăng 12,4%. EU là thị trường lớn tiếp theo khi kim ngạch xuất khẩu đạt 38,2 tỷ USD, tăng 8,8%, trong đó hàng dệt may tăng 9,7%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 9,3%; điện thoại và linh kiện tăng 8%. Trung Quốc đạt 38,1 tỷ USD, tăng 23,2%; trong đó điện thoại và linh kiện tăng 57,9%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 24,8%; rau quả tăng 8,6%. Thị trường ASEAN đạt 22,7 tỷ USD, tăng 14%; trong đó gạo tăng 107,7%; sắt thép tăng 40,7%; hàng dệt may tăng 35,3%. Nhật Bản đạt 17,1 tỷ USD, tăng 11,5%, trong đó hàng dệt may tăng 23,2%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 13,3%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 7,7%. Hàn Quốc đạt 16,9 tỷ USD, tăng 24,7%; trong đó điện tử, máy tính và linh kiện tăng 40,4%, hàng dệt may tăng 30,4%, điện thoại và linh kiện tăng 14,9%.

ADQuảng cáo

Mỹ và EU vẫn là hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Ảnh: Hàng hóa tập kêt tại cảng Hải Phòng chuẩn bị xuất khẩu. Ảnh tư liệu

Tự tin “vượt đích”

Trong bối cảnh nguồn cung trên thị trường thế giới dư thừa, các nước nhập khẩu ngày càng siết chặt hàng rào phi thuế quan, bảo hộ trong nước gia tăng… thì việc Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu khá cao và xuất siêu kỷ lục cho thấy hiệu quả trong việc chuyển biến các hướng đi đúng đắn của các bộ, ngành liên quan trong suốt thời gian qua.

Những mặt hàng dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu tiếp tục là điện thoại các loại và linh kiện, hàng dệt và may mặc, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, giày dép các loại. Những năm trước đây, xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI luôn đạt mức tăng trưởng cao hơn so với khối doanh nghiệp trong nước thì thời gian gần đây, tốc độ tăng trưởng của khối trong nước đã cao hơn khối FDI. Hơn nữa, việc phát triển thị trường cũng liên tục đạt kết quả tốt, các doanh nghiệp tận dụng tương đối tốt cơ hội từ hội nhập. Hàng hóa Việt Nam ngoài khai thác tốt các thị trường truyền thống đã mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới.

Theo các chuyên gia dự báo kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam cả năm 2018 sẽ vượt con số 245 tỷ USD mà kế hoạch năm 2018 đề ra, tăng 13,9% so với năm 2017. Ngoài ra, cán cân thương mại năm 2018 tiếp tục duy trì trạng thái thặng dư với mức xuất siêu khoảng 5 tỷ USD.

Để xuất khẩu vượt mục tiêu đề ra, trong tháng 12/2018, Bộ Công thương theo dõi sát biến động của tình hình thế giới, đặc biệt là diễn biến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung để chủ động trong điều hành và có biện pháp thúc đẩy xuất khẩu cũng như quản lý chặt chẽ trước nguy cơ gian lận thương mại và gian lận xuất xứ hàng hóa. Các bộ, ngành kịp thời chỉ đạo các giải pháp cụ thể, quyết liệt để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu và phát triển thị trường.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xuất khẩu 11 tháng năm 2018: Bước tăng trưởng ấn tượng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO