Xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc - Cơ hội và thách thức với nông sản Đắk Nông

Lê Dung| 15/07/2022 10:00

Nhiều nông dân, doanh nghiệp sản xuất, chế biến sầu riêng, chanh dây đang rất phấn khởi vì sản phẩm được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc. Thế nhưng, để tận dụng được cơ hội này, người dân, doanh nghiệp cũng phải vượt qua thách thức về chất lượng sản phẩm.

ADQuảng cáo

Cú hích cho xuất khẩu

Từ tháng 7/2022, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã đồng ý nhập khẩu thí điểm quả chanh leo Việt Nam. Theo thỏa thuận về yêu cầu kiểm dịch thực vật, trước mắt, Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho phép nhập khẩu quả chanh leo tươi của Việt Nam qua 7 cửa khẩu thuộc tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) gồm: Hữu Nghị, Pò Chài, Ga Đường sắt Bằng Tường, Đông Hưng, Long Bang và Thủy Khẩu.

Chế biến chanh dây xuất khẩu tại Công ty TNHH MTV Thuận Tâm Đắk Nông (Gia Nghĩa)

Ngày 11/7/2022, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc. Đây là điều kiện quan trọng để quả sầu riêng của Việt Nam có đầu ra bền vững tại thị trường này.

Nghị định thư sẽ được gửi cho phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc để thực hiện công bố trên website, cùng với danh sách các vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu...

Thông tin sầu riêng, chanh dây từ Việt Nam chính thức được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc đã giúp Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Nghiệp Xuân (Gia Nghĩa) thêm kỳ vọng vào thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Sản phẩm chanh dây múc đang được Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Nghiệp Xuân (Gia Nghĩa) xuất khẩu chính ngạch qua Trung Quốc

Công ty hiện đang sản xuất cả 2 sản phẩm sầu riêng và chanh dây. Riêng chanh dây, mỗi ngày, Công ty chế biến gần 15 tấn quả, tương đương với 5 tấn dịch chanh múc. Toàn bộ sản phẩm đang được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

Riêng quả chanh dây và quả sầu riêng tươi hiện đã được Trung Quốc đồng ý cho đi chính ngạch. Còn sản phẩm sầu riêng cấp đông thì vẫn đang tiếp tục chờ kết quả đàm phán giữa 2 nước.

Khi đi chính ngạch, nếu biên giới đường bộ đóng cửa, nông sản vẫn có thể đi đường biển, rủi ro sẽ ít hơn, giá cả cũng ổn định hơn.

"Hiện tại, Công ty đang hoàn thiện hồ sơ, mã cơ sở đóng gói cho 2 sản phẩm quả tươi này để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu của đối tác”, bà Lầu Kiều Vân, Tổng Giám đốc Công ty cho biết.

Đồ họa: BM-LD

Với diện tích 17 ha sầu riêng được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, Trang trại Gia Trung (Gia Nghĩa) rất phấn khởi vì sản phẩm làm ra không phải thấp thỏm chờ thị trường. Hiện tại, mỗi năm, trang trại đang cung ứng cho thị trường gần 170 tấn sầu riêng Ri6.

Theo ông Nguyễn Ngọc Trung, chủ trang trại, trước khi có nghị định thư về xuất khẩu chính ngạch, sầu riêng chủ yếu được bán qua đường tiểu ngạch vào thị trường Trung Quốc.

Có thời điểm, sản phẩm xuất tươi không hết, trang trại phải tách múi ra rồi bảo quản trong các kho lạnh, chi phí sản xuất vì thế tăng cao, lợi nhuận mang về không đáng kể.

Trồng sầu riêng VietGap tại Trang Trại Gia Trung (Gia Nghĩa)

ADQuảng cáo

Còn ông Nguyễn Xuân Thọ, chủ vựa sầu riêng Thọ Minh (Đắk Mil) cho hay, xuất khẩu chính ngạch sẽ giúp sầu riêng của Đắk Nông không phải đi đường vòng để vào được thị trường nước bạn. Đây thực sự là tin vui lớn cho nông sản xuất khẩu của Việt Nam nói chung, Đắk Nông nói riêng.

Tách múi sầu riêng cấp đông phục vụ xuất khẩu tại cơ sở sầu riêng Thọ Minh (Đắk Mil)

Còn nhiều việc phải làm

Cơ hội mang lại khá rõ ràng, nhưng để sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, các nhà sản xuất, doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều việc phải làm trong thời gian tới.

Trước tiên sẽ là tiêu chuẩn sản phẩm phải được nâng lên. Hiện tại, phía Trung Quốc cũng đã đặt ra các tiêu chuẩn khắt khe hơn đối với các sản phẩm nhập khẩu. Tất cả các sản phẩm nông sản khi nhập khẩu vào thị trường nước bạn đều phải đạt những tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP, Ogranic...

Trung Quốc cũng yêu cầu tất cả vùng trồng, các cơ sở đóng gói trước khi xuất khẩu phải được đăng ký với Bộ NN&-PTNT, được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt.

Thông tin đăng ký phải bao gồm: tên, địa chỉ và mã số để có thể truy xuất nguồn gốc được nhanh chóng, chính xác khi phát hiện ra những sự cố, nhất là về mặt chất lượng.

Đồ họa: BM-LD

Theo bà Mai Thị Xuân, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Thuận Tâm Đắk Nông (Gia Nghĩa), cây giống là vấn đề rất quan trọng đối với chất lượng sản phẩm chanh dây.

Hiện nay, Việt Nam không nhập giống chanh dây từ Đài Loan về như trước kia. Thay vào đó, Việt Nam tự sản xuất giống, nhưng trong đó, có nhiều nguồn giống không đạt chất lượng.

"Nông dân trồng mất 6 tháng để có quả, nhưng khi phát hiện không đạt chuẩn, họ cũng không thể nào trồng lại kịp. Vì vậy, doanh nghiệp mong muốn các ngành sớm vào cuộc để kiểm tra, quản lý tốt nguồn giống cho bà con", bà Xuân bày tỏ.

Còn đối với Công ty Cổ phần đầu tư Long Huệ (Tuy Đức), nỗi lo lớn nhất là làm thế nào để đáp ứng tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm mà phía Trung Quốc yêu cầu.

Đồ họa: BM-LD

Cuối năm nay, Công ty sẽ thực hiện xuất khẩu chanh dây trực tiếp vào thị trường này. Để chuẩn bị cho mục tiêu đó, hiện tại, Công ty đang liên kết gần 100 ha nguyên liệu tại Đắk Nông.

Tại đây, mọi quy trình sản xuất đều được tuân thủ theo quy định của doanh nghiệp. Dự kiến, sản lượng chanh dây mang lại cho Công ty vào khoảng 3.000 tấn/năm. Công ty cũng đang hoàn thiện các thủ tục về mã đóng gói, mã vùng trồng cho sản phẩm.

Theo thống kê của Sở NN-PTNT, toàn tỉnh Ðắk Nông hiện có 6 cơ sở sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP, với tổng diện tích 130 ha, sản lượng đạt 1.570 tấn/năm, trong đó, có 2 cơ sở sản xuất theo hướng hữu cơ, với diện tích 25 ha. Ðối với chanh dây, toàn tỉnh đang có 3 cơ sở sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, với tổng diện tích là 15,5 ha.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc - Cơ hội và thách thức với nông sản Đắk Nông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO