Xuất khẩu giai đoạn 2016-2020: Nhiều kỳ vọng vượt đích

Lê Dung| 23/07/2018 11:08

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đã đặt ra mục tiêu phấn đấu tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh trong giai đoạn 2016-2020 sẽ thực hiện được 4.320 triệu USD. Qua rà soát và dự báo của UBND tỉnh, dự kiến tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh trong 3 năm (giai đoạn 2016-2018) thực hiện được khoảng 2.830 triệu USD, đạt 66% so với kế hoạch 5 năm. Đây là cơ sở, tín hiệu đáng mừng, kỳ vọng vượt đích ở chỉ tiêu này.

ADQuảng cáo

Alumin là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực mới của tỉnh trong giai đoạn 2016-2018

Quy mô xuất khẩu tăng

Theo Sở Công thương, kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh trong năm 2018 ước đạt 1.140 triệu USD, tăng 14% so với kế hoạch năm. Đây được xem là năm kim ngạch xuất khẩu có mức tăng trưởng cao nhất trong cả giai đoạn 3 năm (2016-2018) kể từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2015-2020).

Nếu như những ngày đầu thành lập, các mặt hàng xuất khẩu của tỉnh chỉ tập trung ở một số sản phẩm nông sản, chế biến thô thì đến nay, quy mô các mặt hàng xuất khẩu đã được mở rộng rõ rệt. Trong đó, ngoài những mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: cà phê, hạt điều, hạt tiêu, cao su... thì trong giai đoạn 2016-2018, Đắk Nông đã có thêm sản phẩm xuất khẩu chủ lực mới đó là alumin. Thị trường xuất khẩu của tỉnh cũng ngày càng được mở rộng. Ngoài việc duy trì các thị trường truyền thống, các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh cũng đã và đang chủ động tìm kiếm, mở rộng ra những thị trường mới.

Đến nay, quan hệ thị trường của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được mở rộng đến 35 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, thị trường chiếm tỷ trọng cao và ổn định nhất là các nước như: Singapore, Hàn Quốc, Australia, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Philippin, Nhật Bản. Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh cũng đã chủ động tìm kiếm, mở rộng xuất khẩu sang những thị trường mới ở Châu Phi, Trung Đông…

Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tham gia xuất khẩu cũng ngày một tăng. Toàn tỉnh hiện có 18 doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu. Trong đó có 12 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu ổn định, gồm: 2 doanh nghiệp nhà nước (Công ty Điện lực Đắk Nông, Công ty Nhôm Đắk Nông thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam), 7 doanh nghiệp ngoài nhà nước và 3 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (Công ty TNHH Olam Việt Nam, Công ty TNHH Công nghiệp thực phẩm Pagoda và Công ty TNHH Nông nghiệp MJ Việt Nam).

Trong số này, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang nắm giữ vai trò quyết định đến sự tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn, với tỷ lệ chiếm hơn 70% giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đó là Công ty TNHH Olam Việt Nam. Tiếp đến là doanh nghiệp nhà nước chiếm gần 18% và còn lại là doanh nghiệp tư nhân...

Kết quả này đã minh chứng cho những nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc chủ động đầu tư, tăng cường các biện pháp xúc tiến thương mại và giữ vững mối quan hệ với bạn hàng truyền thống cũng như tìm kiếm thị trường mới…

ADQuảng cáo

Hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại thông qua hoạt động kết nối giao thương với các tỉnh bạn

Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, mở rộng thị trường

Mục tiêu trong giai đoạn 2019-2020, kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh phấn đấu sẽ đạt 2.503 triệu USD và có khả năng vượt chỉ tiêu so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra.

Để đạt được mục tiêu này, thời gian qua, tỉnh quan tâm hỗ trợ, tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp xuất khẩu có thể đầu tư cho sản xuất, mở rộng thị trường. Trong đó, công tác xúc tiến thương mại được đánh giá là có vai trò quan trọng nhằm tạo chuyển biến trong hoạt động đầu tư, sản xuất và xuất khẩu hàng hóa cho các doanh nghiệp.

Được biết, trong giai đoạn 2016-2018, tổng kinh phí dự kiến hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở trong hoạt động xúc tiến thương mại là 4.615 triệu đồng (kinh phí Trung ương hỗ trợ là 1.920 triệu đồng; địa phương hỗ trợ là 2.695 triệu đồng).

Theo đó, thông qua các hoạt động như hội chợ, triển lãm, xây dựng wesite… ngành Công thương đã phối hợp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm mở rộng thị trường trong và ngoài nước. Tỉnh cũng đã quan tâm tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng, hội thảo, hội nghị về thương mại điện tử, nghiên cứu và phát triển thị trường, hội nhập quốc tế, xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm hàng hóa…

Việc triển khai các giải pháp về thị trường xuất khẩu cũng được ngành chú trọng như: thông tin đầy đủ, kịp thời các văn bản, nghị định, cơ chế và chính sách liên quan đến hoạt động xuất, nhập khẩu; hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường trong và ngoài nước; dự báo chiều hướng cung - cầu hàng hóa và dịch vụ; cơ chế, chính sách xuất, nhập khẩu của các nước… giúp các doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh sản xuất, kinh doanh sản phẩm một cách phù hợp…

Trong thời gian tới, cùng với việc thực hiện các chính sách hỗ trợ trên, tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp triển khai tốt quy hoạch và tổ chức sản xuất phát triển vùng nguyên liệu tập trung gắn với công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Trong đó sẽ ưu tiên cho một số dự án có quy mô lớn đang hoạt động trên địa bàn tỉnh như: Dự án nhà máy sản xuất ván MDF, với công suất 100.000 m3 và Nhà máy sản xuất ván công nghệ cao, với công suất 120.000 m3 ván dán, ván sàn/năm của Công ty cổ phần kỹ nghệ gỗ MDF BiSon…

Đặc biệt, mới đây UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch “Đẩy mạnh hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh giai đoạn đến năm 2020”. Trong đó, cùng với việc hỗ trợ phát triển thị trường xuất khẩu cho các doanh nghiệp, tỉnh cũng chú trọng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ xuất khẩu hàng hóa; đồng thời, quan tâm đào tạo nguồn nhân lực...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xuất khẩu giai đoạn 2016-2020: Nhiều kỳ vọng vượt đích
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO