Xúc tiến thương mại: Cả doanh nghiệp, nhà quản lý cần thay đổi tư duy, cách làm

Lê Dung| 14/11/2016 10:45

Xúc tiến thương mại là giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường, tăng doanh số bán hàng..., nhưng xem ra hiện nay, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông vẫn chưa “mặn mà” với hoạt động này.

ADQuảng cáo

Hàng  Việt ngày càng tạo được niềm tin đối với người tiêu dùng. (Trong ảnh: Người dân chọn mua hàng tại phiên chợ hàng Việt về miền núi ở xã Quảng Sơn (Đắk Glong))

Doanh nghiệp thiếu “mặn mà”

Là đơn vị chuyên sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ và thường xuyên tham gia các hội chợ, triển lãm của tỉnh cũng như khu vực nhưng DNTN Phương Thảo (Đắk Mil) vẫn còn nhiều điều phải đắn đo, cân nhắc về hoạt động xúc tiến thương mại.

Ông Võ Đình Mà, chủ doanh nghiệp cho biết: “Tham gia hội chợ, ngoài việc được bán hàng trực tiếp, doanh nghiệp còn được rất nhiều cái lợi như: Tiếp cận thị trường mới, khách hàng mới, quảng bá sản phẩm, ký kết hợp đồng tiêu thụ... Tuy nhiên, trên thực tế, còn nhiều điều đơn vị cũng cần phải tính toán kỹ. Bởi vì, mặc dù được ngân sách hỗ trợ về kinh phí thuê gian hàng nhưng không ít lần tham gia, doanh nghiệp đã phải chịu lỗ từ 20-50 triệu đồng/đợt do không bán được hàng hóa; trong khi, các chi phí ăn ở, đi lại… không ít”.

Tình trạng này cũng không ít doanh nghiệp đang gặp phải, nhất là khi điều kiện kinh doanh khó khăn, khả năng tài chính lại có hạn. Cũng chính vì vậy nên mỗi dịp có phiên chợ, hội chợ diễn ra, ngoài việc đăng tải trên cổng thông tin điện tử của đơn vị, Trung tâm Xúc tiến Thương mại (Sở Công thương) thường phải xuống tận nơi, "gõ cửa" từng đơn vị để mời tham gia nhưng doanh nghiệp ngày càng thiếu “mặn mà”. Nhiều doanh nghiệp lại chỉ xin gửi sản phẩm đến hội chợ, triển lãm, chứ không tham gia đăng ký gian hàng riêng.

Theo ông Nguyễn Thanh Tòng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại thì tham gia các chương trình, các chi phí vận chuyển, gian hàng trong hội chợ đều được ngân sách hỗ trợ, nhưng việc vận động doanh nghiệp tham gia rất khó khăn. Ngoại trừ một số doanh nghiệp lớn, hàng hóa có thương hiệu mới mạnh dạn đầu tư gian hàng để vừa kết hợp quảng bá sản phẩm mới, vừa tạo không gian cho khách hàng tham quan, thử sản phẩm. Cũng không ít doanh nghiệp do chưa tham gia lần nào, nhận thức về xúc tiến thương mại chưa nhiều nên còn nhiều e ngại, không dám đăng ký. Nhiều doanh nghiệp lại chỉ chú ý tới lợi nhuận mang về nên tham gia không thường xuyên...

Phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi ở xã Quảng Sơn (Đắk Glong) là một trong những hoạt động xúc tiến thương mại năm 2016 của tỉnh

ADQuảng cáo

Nâng cao chất lượng xúc tiến thương mại

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay, xúc tiến thương mại có vai trò quan trọng giúp cộng đồng doanh nghiệp giao lưu, học hỏi và biết được sản phẩm của mình đang đứng ở đâu, sớm có những điều chỉnh phù hợp với thị trường.

Trao đổi về vấn đề xúc tiến thương mại đối với hoạt động xuất khẩu, ông Nguyễn Nho Lý, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Xuất nhập khẩu An Phong (Đắk Song) chia sẻ: Cùng với việc tổ chức những phiên chợ, hội chợ, triển lãm, ngành chức năng cũng nên có những hội thảo chuyên đề theo từng ngành nghề, mặt hàng.

Qua đó, các ngành mời các chuyên gia trong và ngoài nước, các đối tác tham gia và có những phân tích, đánh giá về từng sản phẩm xuất khẩu chủ lực để có những giải pháp sát thực nhất, giúp các đơn vị xuất khẩu trang bị thêm kiến thức, tự tin đưa hàng hóa ra thị trường thế giới. Còn cứ tổ chức chung chung và để doanh nghiệp mãi “tự bơi” thế này thì doanh nghiệp sẽ khó có được kết quả như mong muốn, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay…

Theo ông Tòng thì xác định được tầm quan trọng đó, trong năm 2016, đơn vị cũng đã kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện chương trình xúc tiến thương mại tỉnh Đắk Nông. Trong đó, chương trình có nhiều điểm mới và trọng tâm trên cơ sở định hướng phát triển xuất khẩu, thị trường trong nước, thương mại biên giới, vùng sâu, vùng xa…

Theo đó, chương trình sẽ tập trung đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng có lợi thế, chủ lực của tỉnh, mở rộng xuất khẩu các mặt hàng mới, phù hợp với nhu cầu thị trường trong và ngoài nước; đồng thời, củng cố, phát triển thị trường nội địa. Căn cứ theo quy chế được ban hành thì mức kinh phí hỗ trợ sẽ là 50%, 70% và 100% tùy theo nội dung của từng chương trình.

Mong rằng, cùng với những sự hỗ trợ nhất định của chính sách, doanh nghiệp cũng sẽ thoát ly khỏi “lợi ích trước mắt”, trang bị thêm cho mình những kiến thức, tư duy mới về hội nhập để không chỉ đưa sản phẩm hàng hóa vươn xa ra thị trường ngoài nước, mà còn đứng vững ở thị trường nội địa.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xúc tiến thương mại: Cả doanh nghiệp, nhà quản lý cần thay đổi tư duy, cách làm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO