Xúc tiến thương mại các sản phẩm chủ lực

(Ông Lê Văn Thị, Giám đốc Sở Công thương)| 06/09/2021 08:26

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khiến cho hoạt động xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp không thể diễn ra như kế hoạch. Trước thực tế này, ngành Công thương đã tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường xuất khẩu cho các doanh nghiệp.

ADQuảng cáo

Kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh

Trong 8 tháng đầu năm, phần lớn các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh chịu nhiều tác động từ thị trường. Trong đó, một số sản phẩm chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn đang sụt giảm mạnh về sản lượng và giá trị. Cụ thể như: Nhân điều đạt 158,1 triệu USD, giảm 42,8%; cà phê đạt 98,1 triệu USD, giảm 0,1%; hàng hóa khác đạt 237 triệu USD, giảm 1,1%. Riêng gỗ và các sản phẩm gỗ đạt 11,8 triệu USD, tăng 81,54% so với trước.

Như vậy, trong 8 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh đã thực hiện được 607,6 triệu USD, đạt 51,9% so với kế hoạch và giảm 2,1% so với cùng kỳ năm trước.

Công ty cổ phần đầu tư Long Huệ (Tuy Đức) đóng gói sản phẩm chanh dây để xuất khẩu

Theo ông Nguyễn Chí Long, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư Long Huệ (Tuy Đức), dịch bệnh khiến hoạt động sản xuất của công ty gặp nhiều khó khăn. Khâu vận chuyển nguyên liệu, sản phẩm bị hạn chế.

Nguồn nguyên liệu nhập về lại thiếu hụt. Trong khi đó, để bảo đảm công tác phòng, chống dịch, lực lượng lao động tại doanh nghiệp chỉ duy trì hoạt động 50/50. “Thời điểm này, đơn đặt hàng từ các đối tác khá lớn. Tuy nhiên, công suất nhà máy của đơn vị chỉ duy trì được khoảng 30-40% so với trước", ông Long chia sẻ.

Theo Sở Công thương, tình hình kinh tế thế giới hiện đang chịu tác động tiêu cực từ chính sách bảo hộ thương mại mới và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Thêm vào đó, dịch bệnh Covid-19 đã làm gián đoạn các chuỗi cung ứng trên toàn cầu. Bất ổn chính trị ở nhiều quốc gia, khu vực cũng dẫn đến sức mua trên thị trường quốc tế giảm sút.

Mặt khác, giá nhiều loại hàng hóa trên thị trường thế giới đang biến động bất thường như: Dầu thô, xăng dầu, tiêu, điều, giá vàng, tỷ giá một số ngoại tệ mạnh… Điều đó đã tác động không nhỏ tới việc duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu của các doanh nghiệp trong tỉnh.

Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu

ADQuảng cáo

Để thúc đẩy sản xuất, phát triển thị trường cho các sản phẩm xuất khẩu, nhất là các mặt hàng chủ lực, ngành Công thương đang triển khai nhiều kế hoạch cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn cho cả trước mắt và lâu dài.

Trước tiên, ngành tập trung triển khai Kế hoạch Phát triển thương mại điện tử tỉnh Đắk Nông, giai đoạn 2021-2025. Theo đó từng bước hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử vào quá trình quản lý, điều hành. Dựa trên nền tảng số, doanh nghiệp sẽ mở rộng cơ hội tìm kiếm đối tác, thị trường trên toàn cầu một cách nhanh nhất và dễ dàng tham gia các sàn thương mại điện tử quốc tế, để quảng bá, kinh doanh sản phẩm của mình.

Các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: EVFTA, CPTPP, RCEP… đang được ngành khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp vận dụng để mở rộng tiếp cận thị trường mà trước đó, Việt Nam và đối tác đã có những chính sách ưu đãi.

Dầu sachi của Công ty cổ phần Sachi Tây Nguyên (Đắk Mil) đang được xuất khẩu qua các thị trường chính như Đài Loan, Malaysia...

Thời gian qua, ngành Công thương đã tích cực phối hợp với các địa phương để cung cấp thông tin thường xuyên về thị trường cho doanh nghiệp. Các hoạt động bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa xuất khẩu trên thị trường thế giới tiếp tục được các ngành, đơn vị chủ động hỗ trợ, hướng dẫn.

Theo ông Lê Thanh Đồng, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đắk R’lấp, trên địa bàn huyện hiện tập trung sản xuất nhiều sản phẩm công nghiệp chế biến, phục vụ xuất khẩu như: điều, alumin, chanh dây…

Các doanh nghiệp đã tập trung đầu tư vào máy móc, công nghệ hiện đại, để chế biến sâu các sản phẩm hàng hóa. Hàng năm, địa phương thường phối hợp thu thập, cung cấp thông tin về cơ chế, chính sách thương mại về các thị trường xuất, nhập khẩu tiềm năng... để thông tin kịp thời cho các doanh nghiệp.

Ngành tiếp tục duy trì mối quan hệ xuất khẩu đối với các nước bạn Campuchia, Lào thông qua các hoạt động như luân phiên phối hợp tổ chức và tham gia các hội chợ, các chương trình kết nối doanh nghiệp; hướng doanh nghiệp lưu thông hàng hóa theo con đường chính ngạch, nhằm đẩy mạnh quan hệ hợp tác và phát triển kinh tế biên mậu…

Để đáp ứng các yêu cầu khắt khe từ thị trường, nhất là trước sự lây lan nhanh của dịch bệnh, vai trò của chủ thể trong xuất khẩu rất quan trọng.

Vì vậy, ngành Công thương tiếp tục hướng dẫn và thúc đẩy các hợp tác xã, doanh nghiệp có các sản phẩm chủ lực chủ động xây dựng nhãn hiệu hàng hóa gắn với chỉ dẫn địa lý. Trong đó, các đơn vị tập trung cải tiến mẫu mã, bao bì, chứng nhận sản phẩm.

Có như vậy, các sản phẩm và doanh nghiệp của tỉnh khi tham gia xuất khẩu sẽ ít bị tổn thương bởi các “cú sốc” của thị trường thế giới.

(Ông Lê Văn Thị, Giám đốc Sở Công thương)

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xúc tiến thương mại các sản phẩm chủ lực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO