Xung quanh việc xây dựng các nhãn hiệu cà phê tập thể: Khát khao nhưng tránh chồng chéo, lãng phí nguồn lực

Bài, ảnh: Bình Minh| 03/01/2019 10:20

Dù có diện tích, sản lượng cà phê lớn trong cả nước nhưng đến nay Đắk Nông vẫn chưa xây dựng được thương hiệu cà phê đủ mạnh nào để làm đầu tàu kéo ngành cà phê của tỉnh hội nhập. Khát khao một thương hiệu đã rõ nhưng việc xây dựng thương hiệu rất cần tập trung nguồn lực, tránh chồng chéo, dàn trải.

ADQuảng cáo

Người trồng cà phê trên địa bàn xã Đức Minh (Đắk Mil) mong có nhãn hiệu cà phê tập thể để nâng cao giá trị cà phê thông qua xuất khẩu. Ảnh: Lê Phước

Cần một thương hiệu đủ mạnh

Đắk Nông hiện là tỉnh có diện tích cà phê đứng thứ 3 cả nước sau Đắk Lắk và Lâm Đồng. Tổng diện tích cà phê hiện nay của tỉnh là hơn 127.000 ha, với năng suất trung bình là 2,376 tấn/ha. Đối với Đắk Lắk mỗi khi nhắc đến, người ta nhớ ngay đến thương hiệu cà phê nổi tiếng là “Cà phê Buôn Ma Thuột”, còn tỉnh Lâm Đồng năm 2017 đã đầu tư 500.000 USD xây dựng thương hiệu Đà Lạt – kết tinh kì diệu từ đất lành cho một số thương hiệu nông sản trong đó có cà phê Arabica, lớn nhất trong xây dựng thương hiệu của Việt Nam. Tỉnh Đắk Nông đến nay vẫn chưa xây dựng được một nhãn hiệu cà phê tập thể nào.

Qua rà soát theo dõi của Sở Khoa học-Công nghệ thì toàn tỉnh hiện có trên 10 nhãn hiệu cà phê đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) chứng nhận đăng ký thành công. Tuy nhiên, điều đáng nói là các nhãn hiệu này đều là nhãn hiệu của tư nhân. Phần lớn nhãn hiệu cà phê tư nhân chủ yếu là chỉ đăng ký chiếm chỗ. Bởi theo luật Sở hữu trí tuệ, các cá nhân trong tỉnh hoặc ngoài tỉnh đều có quyền đăng ký nhãn hiệu hàng hóa ở các địa phương trên địa bàn tỉnh và sau 5 năm lại làm thủ tục đăng ký lại.

Số ít nhãn hiệu cà phê tư nhân còn lại phát huy được hiệu quả trong phát triển thương hiệu nhưng chỉ đạt kết quả kinh doanh cao ở giai đoạn đầu, còn càng về sau thì nơi hoạt động cầm chừng, nơi thì ngưng hẳn hoạt động kinh doanh. Vì thế, các nhãn hiệu cà phê tư nhân chưa thúc đẩy được hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển thương hiệu, cũng như đưa lại lợi ích thiết thực đối với người trồng cà phê trên địa bàn tỉnh.

Khát khao của người trồng cà phê hơn bao giờ hết là nhanh chóng xây dựng thành công nhãn hiệu cà phê tập thể của tỉnh. Từ xây dựng nhãn hiệu cà phê tập thể thành công, tỉnh sẽ có các chính sách liên kết, hỗ trợ đối với doanh nghiệp, người trồng cà phê thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, chế biến sâu cà phê để phát triển thương hiệu, đưa lại lợi ích lớn cho doanh nghiệp và người dân.

Người trồng cà phê trên địa bàn xã Đức Minh (Đắk Mil) mong có nhãn hiệu cà phê tập thể để nâng cao giá trị cà phê thông qua xuất khẩu. Ảnh: Lê Phước

ADQuảng cáo

Nhưng đặt trong chiến lược tổng thể

Tại buổi họp báo Chương trình “Ngày hội cà phê Việt Nam” lần 2 do UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức mới đây, ông Phạm Ngọc Danh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: Tỉnh Đắk Nông đang xây dựng, bảo hộ cho thương hiệu “Cà phê Đức Lập” là địa chỉ gắn liền với thương hiệu địa lý vùng sản xuất cà phê của tỉnh. Khi nhắc đến cà phê Đắk Nông là nhắc đến “Cà phê Đức Lập”. Tỉnh sẽ từng bước xây dựng thương hiệu vùng cà phê của tỉnh như khoanh vùng sản xuất từ các khâu giống, chăm sóc, thổ nhưỡng đất đai để chất lượng sản phẩm khẳng định giá trị cà phê Đắk Nông.

Việc giải quyết các thủ tục pháp lý với Hợp tác xã Minh An sẽ được triển khai. Bởi vì hiện nay, 2 nhãn hiệu “Cà phê Đức Lập Đắk Mil”, “Cà phê Minh An Đức Lập”  của Hợp tác xã Minh An đăng ký độc quyền và được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp bằng chứng nhận vào năm 2006. Theo quy định để tỉnh có thể đăng ký nhãn hiệu “Cà phê Đức Lập” thì phải buộc HTX Minh An chuyển giao chữ “Đức Lập” lại cho địa phương.

Logo nhãn hiệu “Cà phê Đắk Mil”

Tuy nhiên cùng với thời điểm Sở Khoa học và Công nghệ tham mưu, đề xuất UBND tỉnh xây dựng nhãn hiệu “Cà phê Đức Lập” thì huyện Đắk Mil cũng đã hoàn tất hồ sơ đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Cà phê Đắk Mil”. Vừa qua, sau khi nhận được hồ sơ, Cục Sở hữu trí tuệ đã có văn bản chấp thuận và đang tiến hành rà soát xem có bị trùng lắp, tranh chấp với các nhãn hiệu khác. Dự kiến, vào tháng 8/2019, nhãn hiệu tập thể “Cà phê Đắk Mil” sẽ được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận đăng ký. Ông Ngô Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Mil cho biết, huyện không sợ hai nhãn hiệu tập thể này “đá nhau”, vì huyện có cách làm của huyện, tỉnh có cách làm của tỉnh.

Rõ ràng, hai nhãn hiệu tập thể có cùng một trích dẫn địa lý Đức Lập trước đây và hiện nay là Đắk Mil khiến nhiều người lo ngại. Nhiều ý kiến cho rằng nên tập trung xây dựng một nhãn hiệu đủ mạnh để hỗ trợ phát triển thương hiệu. Dù ít mà mạnh, hiệu quả còn hơn nhiều mà dàn trải, chồng chéo. Bởi đằng sau việc xây dựng nhãn hiệu tập thể thành công còn cả một câu chuyện dài về khoanh vùng sản xuất từ các khâu giống, chăm sóc, thổ nhưỡng đất đai cho đến chế biến để nâng cao chất lượng sản phẩm và giá trị sản xuất cho đến liên kết, hỗ trợ theo chuỗi giá trị, phát triển thương hiệu.

Xây dựng thương hiệu là cả một quá trình nỗ lực, phát huy thương hiệu là quá trình gian nan hơn rất nhiều. Vì thế, ngay từ đầu, việc xây dựng nhãn hiệu, nhất là nhãn hiệu cà phê tập thể rất cần sự chặt chẽ, tính toán và hoạch định chiến lược phát triển thương hiệu ngay từ đầu. Tránh tình trạng xây dựng cho có, rồi bỏ mặc, gây lãng phí nguồn lực đầu tư của nhà nước.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xung quanh việc xây dựng các nhãn hiệu cà phê tập thể: Khát khao nhưng tránh chồng chéo, lãng phí nguồn lực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO