Ðắk Mil xúc tiến cấp mã vùng trồng sầu riêng

Hưng Nguyên| 04/10/2022 08:59

Đắk Mil là một trong những vùng trồng sầu riêng lớn nhất tỉnh. Bà con nông dân nơi đây mong muốn sớm được cấp mã vùng trồng sầu riêng phục vụ xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

ADQuảng cáo

Vụ sầu riêng năm 2022, vườn sầu riêng 2 ha giống Ri6, Monthong của chị Lê Thị Thái Hiền, ở thôn Đức Phúc, xã Đức Mạnh (Đắk Mil) thu được khoảng 25 tấn quả. Chị bán sầu riêng cho thương lái với giá 15.000 đồng/kg.

Đây là năm thứ 4 liên tiếp, chị bán sầu riêng cho thương lái. Vì thế, ngoài giá bán chưa cao, thị trường đầu ra thường xuyên thiếu ổn định. Có những năm chị còn bị thương lái ép giá.

Theo chị Hiền, từ khi trồng sầu riêng đến nay, gia đình chị tự tìm hiểu kỹ thuật, quy trình sản xuất, cách xử lý sâu bệnh cho vườn cây. Hiện nay, chị đang sản xuất sầu riêng theo hướng hữu cơ, bảo đảm an toàn để nâng cao chất lượng sản phẩm.

"Tôi mong muốn được hướng dẫn thêm về kỹ thuật, quy trình sản xuất để được cấp mã vùng trồng, đáp ứng điều kiện xuất khẩu chính ngạch. Vì đó là cơ hội lớn để nâng cao giá trị sản phẩm sầu riêng", chị Hiền bày tỏ.

Tương tự, vườn sầu riêng Monthong gần 2 ha của ông Hồ Đức Thiện, ở thôn Đức Ái, xã Đức Mạnh (Đắk Mil), đã cho thu hoạch năm thứ 10. Mỗi năm, mỗi cây sầu riêng của ông cho thu hoạch khoảng 5 tạ quả.

Năm nay, thương lái vào tận vườn sầu riêng của ông thu mua với giá từ 60.000 – 65.000 đồng/kg. Dù giá bán khá tốt, nhưng ông vẫn mong muốn sầu riêng được xuất khẩu, đạt giá trị cao hơn.

Sầu riêng Đắk Mil chuẩn bị các khâu để phục vụ xuất khẩu chính ngạch

Ông Thiện cho biết, ông đã chủ động áp dụng khoa học, kỹ thuật vào chăm sóc sầu riêng từ lâu. Nhờ đó, ông đã hạn chế được những tác động bất lợi của thời tiết, sâu bệnh trên cây sầu riêng.

Thời gian tới, ông mong cơ quan chức năng sớm có sự đánh giá, hỗ trợ cấp mã vùng trồng cho vườn sầu riêng để sản phẩm có thể xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc...

ADQuảng cáo

Những năm qua, sầu riêng là 1 một trong những cây trồng chủ lực của Ðắk Mil. Trên địa bàn huyện hiện có gần 900 ha sầu riêng, trong đó có 650 ha đang cho thu hoạch, với sản lượng hơn 8.300 tấn/vụ.

Năng suất trung bình của sầu riêng Ðắk Mil đạt khoảng 8-10 tấn/ha. Bà con ở Ðắk Mil chủ yếu sản xuất các giống sầu riêng như: Ri6, Monthong, Dona, sầu riêng địa phương…

Dù đã được người tiêu dùng biết tới, nhưng việc tiêu thụ sầu riêng tại Đắk Mil chủ yếu vẫn phụ thuộc vào thương lái. Hằng năm, thương lái tìm đến tận vườn của bà con mua sầu riêng với giá thất thường.

Ông Lê Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Mil cho biết, đầu ra của sản phẩm sầu riêng trên địa bàn nhiều năm qua vẫn rất phụ thuộc vào thương lái. Điều này khiến giá trị sản phẩm sầu riêng chưa cao, người sản xuất gặp nhiều áp lực.

Để khắc phục hạn chế này, huyện phối hợp với cơ quan chức năng rà soát các hộ dân, HTX sản xuất sầu riêng đủ tiêu chuẩn, từ đó đề nghị cấp mã vùng trồng, phục vụ xuất khẩu.

Huyện sẽ tập huấn, hướng dẫn người dân áp dụng quy trình sản xuất sầu riêng theo các tiêu chuẩn xuất khẩu, lập hồ sơ mã vùng trồng, từng bước tiếp cận thị trường quốc tế.

Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT, thời gian qua, sầu riêng tại Đắk Mil chủ yếu được tiêu thụ theo dạng sản phẩm tươi ở thị trường nội địa. Điều này làm giảm giá trị sản phẩm, thu nhập của bà con nông dân.

Tỉnh Đắk Nông đang từng bước xây dựng thương hiệu cho sầu riêng Đắk Mil. Trong đó, tỉnh tập trung phát triển vùng trồng, áp dụng quy trình sản xuất sầu riêng theo các tiêu chuẩn thế giới.

Nhiều nông dân sản xuất sầu riêng ở Đắk Mil cũng đang chuẩn bị các khâu để sẵn sàng cho thị trường xuất khẩu. Trong đó, phần lớn bà con đã thay đổi quy trình sản xuất, kiểm soát tốt dư lượng bảo vệ thực vật, vệ sinh an toàn thực phẩm để nâng cao giá trị sản phẩm...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ðắk Mil xúc tiến cấp mã vùng trồng sầu riêng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO