Ðắk Nông cần xem xét lại việc sản xuất bơ

Hồng Thoan thực hiện| 09/12/2022 09:03

Ngành chức năng đang nhìn nhận, đánh giá lại vai trò, vị trí của cây bơ. Từ đó, có định hướng phát triển loại cây trồng này phù hợp, hiệu quả hơn. Xung quanh nội dung này, phóng viên (PV) Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Tình, Phó Giám đốc Sở NN- PTNT.

ADQuảng cáo

PV:Thưa bà, bơ có phải là cây trồng nhiều tiềm năng, đem lại thu nhập cao cho nông dân Đắk Nông?

Bà Nguyễn Thị Tình: Trước đây thì đúng là như vậy. Cách đây vài năm, bơ được coi là cây trồng tiềm năng, cây chủ lực của nhiều địa bàn trong tỉnh. Theo tính toán, mỗi ha bơ trồng xen có lợi nhuận khoảng 110 triệu đồng.

Đối với trồng thuần, chỉ riêng giống bơ 034, năng suất trung bình 100-110 kg/cây, lợi nhuận thu được khoảng 300 triệu đồng/ha, cao hơn từ 2 - 5 lần so với cà phê.

Do đó, bơ là một trong những loại cây trồng được người dân quan tâm phát triển. Diện tích cây bơ vì thế có giai đoạn phát triển mạnh, vượt quy hoạch của tỉnh rất nhiều.

Đồ họa: N.H - H.T

PV:Còn hiện nay thì sao? Nhiều hộ đang rất thất vọng về cây bơ. Theo bà, điều này là do đâu?

Bà Nguyễn Thị Tình: Không chỉ với nhà nông, thực trạng phát triển cây bơ thiếu bền vững thời gian gần đây đang là vấn đề làm “đau đầu” đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, đơn vị chuyên môn như Sở NN-PTNT.

Trong vòng 5 năm qua, diện tích bơ trên địa bàn tỉnh tăng lên gấp 2 lần, từ mức 2.500 ha vào năm 2018 lên mức 4.700 ha như hiện nay.

Bơ là loại cây ăn quả có diện tích phát triển cao nhất tỉnh. Hiện cây bơ chiếm tỷ lệ gần 26,7% tổng diện tích cây ăn quả của tỉnh. Diện tích tăng, nên sản lượng bơ cũng tăng mạnh. Năm 2021, sản lượng bơ của tỉnh đạt khoảng 21.500 tấn.

Trong khi kênh tiêu thụ bơ của nông dân hiện nay là chưa nhiều. Khâu liên kết với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm còn ít. Nông dân tiêu thụ bơ chủ yếu qua tư thương.

Điều này khiến cho người trồng bơ thường phải chịu cảnh "được mùa mất giá, được giá mất mùa", thu nhập thấp, thậm chí thua lỗ. Cây bơ vì thế ngày càng mất giá trị.

PV:Nhiều hộ dân đã chặt bỏ vườn bơ để trồng cây khác. Bà nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Bà Nguyễn Thị Tình: Đây là một thực tế đang diễn ra ở các địa phương, nhiều nhất là ở Đắk Song. Nhìn nhận kỹ thì xảy ra nhiều đối với cây bơ booth và một số giống bơ địa phương năng suất, chất lượng thấp.

Riêng cây bơ booth, với đặc điểm dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết, chăm sóc khó, đậu quả kém, nên hiệu quả thấp, khiến nhiều người phải chặt bỏ.

ADQuảng cáo

Ngành Nông nghiệp đang xem xét lại việc phát triển cây bơ booth ở những vùng có nhiệt độ ổn định. Những vùng thời tiết có sự biến động cao như Đắk Song, Cư Jút, ngành Nông nghiệp khuyến cáo không nên phát triển cây bơ booth.

Nhà nông cũng không nên mở rộng diện tích bơ, nhưng cũng không nên vội vàng phá bỏ vườn bơ đang cho năng suất, chất lượng tốt.

Sản phẩm bơ Đắk Nông đang khó tiêu thụ

PV:Từ thực tế những năm qua, phải chăng đã đến lúc cần xem xét lại việc phát triển cây bơ?

Bà Nguyễn Thị Tình: Đúng thế! Chúng ta nên nhìn nhận, xem xét lại vai trò, vị trí của cây bơ trong quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Một số vấn đề chính của cây bơ cần có sự nhìn nhận sâu sắc hơn.

Bơ có thời gian thu hoạch ngắn. Trong khi đó, khâu chế biến sản phẩm bơ trong nước mới phát triển, chưa có nhiều nhà máy quy mô, hiện đại. Sản phẩm bơ chế biến cũng chưa phong phú, đa dạng.

Đối với thị trường trong nước, bơ chủ yếu tiêu dùng theo hình thức ăn tươi. Đối với xuất khẩu thì số lượng rất ít, thời gian vận chuyển lâu, khó bảo quản để bảo đảm chất lượng.

Chính vì thế, đầu ra cho cây bơ phải nói là còn rất hạn chế. Đây là lý do phải cân đối lại việc phát triển cây bơ sao cho phù hợp !

PV:Vậy, định hướng của ngành Nông nghiệp hiện nay đối với cây bơ là như thế nào, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Tình: Hiện nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn như Sở NN-PTNT, Sở KHCN, Liên Hiệp các hội KHKT tỉnh... đẩy mạnh nghiên cứu, chọn tạo những bộ giống bơ phù hợp với từng dòng thị trường gồm trong nước và xuất khẩu.

Việc nghiên cứu công nghệ sơ chế, bảo quản các sản phẩm bơ; tạo cơ hội kêu gọi đầu tư cho khâu chế biến, tiêu thụ sản phẩm bơ cũng sẽ được đẩy mạnh.

Hay nói cách khác, Đắk Nông phải tổ chức sản xuất cây bơ phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương, cân đối nhu cầu thị trường.

Khi làm được điều này, tỉnh sẽ thuận lợi hơn để triển khai các bước về xây dựng vùng sản xuất bơ bền vững, gắn với thương hiệu, có chỉ dẫn địa lý, nâng cao giá trị sản phẩm.

PV:Trân trọng cảm ơn bà!

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ðắk Nông cần xem xét lại việc sản xuất bơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO