Ðắk Song tạo các mô hình nông nghiệp bền vững

Thanh Hà| 29/12/2022 09:31

Huyện Đắk Song đang từng bước xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững. Điều này góp phần giúp ngành Nông nghiệp trên địa bàn phát triển ổn định, chất lượng cao.

ADQuảng cáo

Thuận Hạnh là xã biên giới của huyện Đắk Song. Đây là địa phương có đất đai màu mỡ, phù hợp với nhiều loại cây trồng. Trong đó, hồ tiêu được nhiều người dân địa phương chọn là loại cây chủ lực.

Theo lãnh đạo UBND xã Thuận Hạnh, nông dân địa phương rất chủ động trong phát triển nông nghiệp. Hồ tiêu được trồng khá sớm tại địa phương. Người dân tự tìm tòi, học hỏi và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc.

Hồ tiêu Thuận Hạnh được phát triển theo hướng hữu cơ nên ít chịu từ cơn sốt “vàng đen” cách đây ít năm. Năm 2021, xã Thuận Hạnh có 1.133ha hồ tiêu được UBND tỉnh công nhận là vùng sản xuất hồ tiêu ứng dụng công nghệ cao.

Đây là vùng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn nhất được công nhận sản xuất ứng dụng công nghệ cao của Đắk Nông.

Huyện Đắk Song có hơn 2.300ha hồ tiêu được chứng nhận các loại

Gần đó, xã Thuận Hà cũng là địa phương phát triển nông nghiệp chủ lực là hồ tiêu. Xã này đã có 416ha hồ tiêu được công nhận vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Đắk Song, thời gian qua, người dân trên địa bàn huyện ngày càng chú trọng đến việc sử dụng các biện pháp sinh học để chăm sóc, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.

Hiện toàn huyện có 2.332ha hồ tiêu đạt chứng nhận các loại. Trong đó, có 178ha hồ tiêu đạt tiêu chuẩn VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt), 352ha hồ tiêu đạt tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế, 150ha hồ tiêu đạt tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam, 767ha hồ tiêu đạt tiêu chuẩn Rainforest Alliance (tiêu chuẩn nông nghiệp bền vững)…

Ngoài hồ tiêu, Đắk Song đã xây dựng các mô hình phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững cho nhiều loại cây trồng khác. Hiện toàn huyện có 35ha rau tại xã Nam Bình, 40ha sầu riêng tại xã Thuận Hạnh, 25ha bơ tại xã Thuận Hà đạt chứng nhận VietGAP.

ADQuảng cáo

Đắk Song đã hình thành các vùng sản xuất rau quy mô lớn theo tiêu chuẩn VietGAP

Đắk Song đã xây dựng chứng nhận hữu cơ Việt Nam cho 1 HTX chăn nuôi gà có quy mô 2.000 con tại xã Nam Bình, 3ha rau tại xã Trường Xuân và 0,3ha thanh long tại xã Thuận Hạnh.

Huyện Đắk Song đã cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm và điều kiện vệ sinh thú y cho các tổ chức, trang trại sản xuất. Riêng đối với các hộ sản xuất nhỏ lẻ được hướng dẫn ký cam kết sản xuất an toàn với UBND cấp xã nơi sản xuất.

Theo Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đắk Song Lê Hoàng Vinh, những năm qua, ngành Nông nghiệp luôn xác định mục tiêu phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường. Chính quyền và người dân chú trọng đến việc sử dụng một cách hiệu quả các loại thuốc BVTV, phân bón.

Các mô hình trồng rau an toàn, cà phê sạch… đang phát triển rộng rãi ở  huyện Ðắk Song. Nhờ vậy, các sản phẩm nông nghiệp giảm dần dư lượng thuốc BVTV, góp phần bảo đảm vệ sinh môi trường.

Người dân Đắk Song chủ động đưa giống mới vào sản xuất

Hiện nay, bà con nông dân Đắk Song đã ứng dụng các giống cây trồng, vật nuôi có ưu thế lai cho năng suất và chất lượng cao, khả năng chống chịu bệnh tốt, ứng dụng rộng rãi các chế phẩm vi sinh trong sản xuất.

Ngoài ra lựa chọn bổ sung vào cơ cấu giống lúa, ngô, rau củ quả, gia súc, gia cầm… có giá trị kinh tế, năng suất cao vào nuôi trồng.

Cùng với các thành tựu về giống, các tiến bộ kỹ thuật trong việc chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống cũng như quy trình thâm canh cây trồng đã được áp dụng phổ biến.

"Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp đã làm tăng năng suất, đem lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm địa phương", ông Vinh cho hay.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ðắk Song tạo các mô hình nông nghiệp bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO