"Nghề" quản trang: Thầm lặng cao cả

Đức Hùng| 26/07/2017 15:21

Cũng như bao công việc khác, quản trang, hay người ta thường gọi là trông coi nghĩa trang liệt sĩ cũng là công việc rất đỗi bình thường. Thế nhưng, với nhiều người, đây còn là một nghề mà họ chọn bằng cả lòng tôn kính để tri ân, báo đáp công lao những liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập dân tộc.

ADQuảng cáo

Là một sĩ quan từng công tác tại Tiểu đoàn 301, sau khi phục viên, tháng 8/2001, ông Phạm Ngọc Chung, 51 tuổi, trú tại tổ dân phố 12, thị trấn Đắk Mil (Đắk Mil) tự nguyện xin được làm quản trang tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Đắk Mil. Đối với ông Chung, xin làm quản trang không đơn thuần là có một công việc mà còn là cách để được hằng ngày chăm sóc "giấc ngủ" cho những liệt sĩ đang yên nghỉ nơi đây.

Công việc hằng ngày của ông Chung là chăm sóc, lau chùi phần mộ các anh hùng liệt sĩ

Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Đắk Mil tọa lạc trên địa bàn thị trấn Đắk Mil, rộng khoảng 3.000m2, là nơi yên nghỉ của trên 250 liệt sĩ đã được quy tập, trong đó có 94 ngôi mộ liệt sĩ chưa rõ họ tên. Ông Chung dẫn chúng tôi đi vào thắp hương các phần mộ liệt sĩ trên con đường lát bê tông sạch đẹp, hai bên là những cây xanh đang tỏa bóng mát được tỉa tót gọn gàng.

Ngoài việc hướng dẫn thân nhân liệt sĩ thăm viếng, thắp hương, công việc hàng ngày của ông Chung là quét dọn, làm cỏ, vệ sinh từng ngôi mộ, thu gom rác, trồng và chăm sóc các hàng cây cảnh xung quanh nghĩa trang, làm đẹp cho nghĩa trang, chăm lo mộ phần các liệt sĩ...

ADQuảng cáo

Sau gần 10 năm làm quản trang, ông Chung thuộc lòng từng tên liệt sĩ, vị trí ngôi mộ, quê quán, địa điểm các anh được quy tập về. Thậm chí ông còn quen mặt từng người thân đến viếng thăm. Ông Chung cho hay: Ngày ngày gần gũi chăm sóc, lau chùi trên phần mộ các anh, tôi đọc tên, quê quán nhiều lần rồi nhớ tên, từng vị trí. Khi người thân của các liệt sĩ hỏi là mình có thể dẫn ngay đến vị trí các liệt sĩ an nghỉ. Hơn thế, tôi còn tìm hiểu và biết được rất nhiều thông tin về các liệt sĩ đã hi sinh nơi đây, nhất là những liệt sĩ chưa rõ họ tên để cung cấp cho các thân nhân của họ.

Bên cạnh việc giữ sự bình yên cho những người đã khuất, ông Chung còn thường xuyên đón tiếp các đoàn khách, thân nhân, đồng đội liệt sĩ mỗi khi đến đây thăm viếng. Chính những cuộc gặp gỡ, trao đổi ấy, ông lại được nghe những câu chuyện vui, buồn. Dần dần, ông thấy mình với những người đến đây như cùng một nhà, với sự gần gũi, thân quen. Cũng có rất nhiều gia đình từng tới đây để tìm người thân của mình. Có nhiều gia đình đã tìm được phần mộ, nhưng cũng không ít trường hợp phải ngậm ngùi ra về trong nước mắt. Với những ngôi mộ chưa rõ họ tên, ông xem các anh như người thân của gia đình, chăm sóc một cách chu đáo để các anh được an ủi khi người thân các anh chưa tìm thấy.

Anh Đoàn Khắc Đang, huyện Ea Kar (Đắk Lắk), đến Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Đắk Mil thắp hương cho người nhà là liệt sĩ Đoàn Khắc Tứ chia sẻ: "Gia đình tôi mỗi năm chỉ lên thắp hương, dọn dẹp được 1 đến 2 lần, thời gian còn lại đều gửi gắm cho người quản trang. Mỗi lần lên đây thấy phần mộ của anh tôi luôn được chăm sóc tốt, sạch sẽ, gọn gàng, bản thân tôi là người thân liệt sĩ cũng thấy ấm lòng".

Không chỉ ông Chung, hiện có nhiều người đã tình nguyện với công việc quản trang, ngày đêm chăm lo mộ phần cho các anh. Đối với họ, đây không chỉ là công việc, mà còn là một nghĩa cử, nghĩa vụ của mình với những người đã hy sinh cho độc lập nước nhà.

Công việc quản trang khác hẳn với những công việc khác, không nặng nhọc nhưng phải làm việc bằng cả cái tâm và lòng tôn kính với những người đã ngã xuống cho quê hương được yên bình. Để rồi, cứ mỗi năm khi chuẩn bị tới ngày Thương binh – Liệt sĩ 27/7, những người quản trang lại tất bật hơn cho công việc chăm sóc mộ phần, tiếp đón thân nhân, người dân đến thăm viếng nghĩa trang, tri ân những anh hùng liệt sĩ.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Nghề" quản trang: Thầm lặng cao cả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO