Tìm mộ liệt sĩ - nỗi niềm người trong cuộc

Thanh Nga| 29/05/2017 15:29

Chiến tranh lùi xa, đất nước thống nhất đã 42 năm, nhưng hàng ngàn hài cốt liệt sĩ vẫn còn nằm đâu đó dưới lòng Đất Mẹ. Người thân và đồng đội may mắn trở về sau những trận chiến cũng luôn đau đáu một nỗi lòng, nguyện ước đưa các liệt sĩ về nơi an nghỉ đàng hoàng.

ADQuảng cáo

Canh cánh một ước nguyện

Bà Đinh Thị Quynh ở tổ dân phố 4, phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa) tâm sự: Quê của tôi ở làng Thượng Ích, xã Đức Lâm, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh). Theo lời kể của cha mẹ đã quá cố thì anh trai của tôi là Đinh Quyên, nhập ngũ năm 1963 và vào chiến trường miền Nam cuối năm 1964, đến năm 1969 thì hy sinh.

Lúc đi bộ đội, anh Quyên đang học lớp 10 và chưa lập gia đình. Thống nhất đất nước, gia đình có đi tìm gặp lại những người cùng quê cùng đi bộ đội với anh Quyên để hỏi thông tin. Gia đình cứ thế đi tìm thông tin và cũng có đến các nghĩa trang liệt sĩ, hỏi chính quyền địa phương để đi tìm phần mộ nhưng vẫn chưa thấy.

Mới đây, qua thông tin từ một người bạn thì được biết anh Quyên có thể đã hy sinh trong trận Hàng Cồng, thuộc xã Tân Hưng, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau và được chôn cất ở ngã ba xã Tân Hưng. Hàng chục năm nay, mỗi khi có ai nói cho manh mối dù nhỏ nhất về thông tin của anh Quyên thì gia đình đều đi tìm để hỏi. Bây giờ, tôi đã 70 tuổi và chỉ mong sao các con, cháu tiếp tục tìm mộ của anh và đưa về an nghỉ trên mảnh đất quê hương là thỏa nguyện.

Hàng ngàn gia đình khác cũng đang canh cánh nỗi lòng khi những người thân của mình hy sinh nhưng vẫn chưa tìm được hài cốt hay phần mộ. Ông Trần Thế Quang, thôn 2, xã Tâm Thắng (Chư Jút) có 2 người chú hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Ông Quang kể, theo tiếng gọi của Tổ quốc, khi tuổi vừa tròn đôi mươi thì cả 2 chú của tôi đều tình nguyện lên đường chiến đấu và hy sinh, trong khi chưa ai lập gia đình. Trong 2 chú thì liệt sĩ Trần Thế Kháng đến nay gia đình vẫn chưa tìm được phần mộ.

Hành trình tìm phần mộ của bạn

ADQuảng cáo

May mắn trở về sau cuộc chiến ác liệt, ông Đỗ Đình Thân, ở tổ dân phố 1, phường Nghĩa Tân (Gia Nghĩa) đã không quản ngại đường sá xa xôi, băng rừng lội suối đi tìm mộ đồng đội - người bạn thân của mình là liệt sĩ Nguyễn Xuân Cần.

Ông Thân kể: “Hồi đó, sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước thì cả đơn vị của tôi sang Campuchia làm nhiệm vụ quốc tế, hỗ trợ nước bạn. Bạn của tôi hy sinh ở bên nước bạn và được đồng đội chôn cất ở bìa rừng. Mãi đến năm 1985, gia đình anh Cần từ miền Bắc vào tỉnh Lâm Đồng làm kinh tế và thỉnh thoảng tôi có sang thăm. Mẹ của anh Cần khi đó đã già yếu rồi nên mong mỏi tìm được phần mộ anh Cần".

Ông Thân cùng với em của anh Cần đi vào nghĩa trang liệt sĩ các tỉnh, từ Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang đến Bình Phước để tìm mộ anh Cần. May mắn là có một gia đình cùng quê Thái Bình cũng có người thân hy sinh và được quy tập về nghĩa trang Suối Tre ở tỉnh Đồng Nai. Họ tình cờ nhìn bia mộ có ghi thông tin người cùng huyện, cùng nhập ngũ và cùng đơn vị với người thân của mình nên về báo với chính quyền tỉnh Thái Bình. Chính quyền tỉnh Thái Bình liên lạc với chính quyền tỉnh Lâm Đồng và báo cho gia đình biết thông tin. Sau đó, ông Thân và gia đình bạn đến tận nghĩa trang Suối Tre xác nhận đúng là phần mộ của liệt sĩ Cần.

Trách nhiệm thiêng liêng

Ông Đỗ Đình Thân kể, hồi trước khi tham gia chiến đấu, mỗi bộ đội được phát một lọ penixilin, trong đó có một tờ giấy ghi đầy đủ thông tin về bản thân, vo tròn lại và bọc nilon cẩn thận, rồi cất trong túi áo. Việc ghi thông tin này nhằm mục đích lỡ bộ đội có bị thương hay hy sinh thì biết được danh tính. Tuy nhiên, trong lúc chiến đấu, chiến trường diễn ra ác liệt, có nhiều tính huống không thể lường trước được, nên cũng có trường hợp lọ đựng thông tin cá nhân bị mất hoặc đạn, bom phá nát. Vì thế, hiện nay nhiều liệt sĩ, mặc dù đã được chính quyền địa phương, đồng đội quy tập về nghĩa trang, nhưng vẫn chưa biết tên hoặc thông tin không đầy đủ, chưa chính xác. Việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ gặp vô vàn khó khăn và gian nan, nhưng cũng là trách nhiệm hết sức thiêng liêng đối với những người còn sống và toàn xã hội.

Ông Trần Thế Quang chia sẻ, hiện nay, bên cạnh việc Đảng, Nhà nước, xã hội quan tâm về mọi mặt, các gia đình, thân nhân liệt sĩ luôn có nguyện vọng đẩy nhanh việc tìm kiếm các phần mộ liệt sĩ. Ngành chức năng có các giải pháp khoa học giám định ADN các phần mộ để tránh tình trạng vì nóng lòng tìm mộ mà mê tín, bị lợi dụng ngoại cảm, tiếp cận với những thông tin không chính thức, làm mất ý nghĩa đối với việc chăm sóc các gia đình có công, trong đó có gia đình liệt sĩ.

Thời gian qua, các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương đã đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Đối với tỉnh Đắk Nông, trong thời gian qua đã tổ chức được 45 đợt tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ, nhưng chỉ mới quy tập được 27 hài cốt liệt sĩ. Tỉnh đã xây dựng phương án điều tra thông tin về liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ, mộ, nghĩa trang liệt sĩ và phát 2.021 phiếu điều tra.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tìm mộ liệt sĩ - nỗi niềm người trong cuộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO