Bài cúng trong nghi lễ của người M’nông

18/11/2018 19:19

Cũng như các dân tộc khác ở Tây Nguyên, đồng bào M’nông có một hệ thống nghi lễ xung quanh các hoạt động thường nhật và mỗi nghi lễ đều gắn liền với một bài cúng riêng biệt. Những bài cúng không chỉ thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của đồng bào đối với các vị thần linh mà còn thể hiện giá trị nhân văn cao cả.

ADQuảng cáo

Xuất phát từ quan niệm vạn vật hữu linh nên bất cứ một sự việc nào diễn ra trong đời sống hàng ngày của người M’nông đều phải được cúng bái. Ngoài các nghi lễ truyền thống mang tính cộng đồng, liên quan đến vòng đời con người, đồng bào M’nông còn có thêm các nghi lễ liên quan đến sản xuất nông nghiệp và đều được tiến hành xuyên suốt cả một mùa rẫy.

Tại các nghi lễ, lễ hội, ngoài rượu cần, mâm cúng, cùng các con vật hiến sinh như trâu, gà, heo thì luôn có bài cúng đi cùng. Bài cúng là một thể loại nói vần thể hiện lời cầu khấn của con người thỉnh cầu các vị thần linh giúp đỡ, ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu.

Điển hình, trong nghi lễ ăn cơm mới được đồng bào tổ chức trước khi chuẩn bị thu hoạch lúa đầu mùa. Lễ vật cúng được đặt trên một cái nia gồm 1 con gà luộc, cơm lấy trên đầu nồi, cá tươi, thịt, các dụng cụ sản xuất như rựa, rìu, xà gạc…Chủ nhà lấy tiết gà hòa vào rượu và bôi lên các dụng cụ để tạ ơn đã giúp đỡ gia đình trong sản xuất, lao động, có được thành quả như hôm nay.

Lời cúng như sau: “Kính báo các thần nay tôi ăn cơm gạo mới/ Cho xà gạc ăn trước, chúng tôi ăn sau/ Cho rìu ăn trước, chúng tôi ăn sau/ Cho cào ăn trước, chúng tôi ăn sau/ Cho con dao ăn trước, chúng tôi ăn sau/ Nay chúng tôi trả ơn các dụng cụ sản xuất/ Chúng tôi đền ơn cho ăn cơm đầu nồi/ Chúng tôi đền ơn cho uống nước rượu đầu/ Chúng tôi đền ơn cho ăn máu con gà/ Dụng cụ đã giúp chúng tôi hoàn thành nương rẫy…”.

ADQuảng cáo

Hay trong lễ trưởng thành - được cha mẹ tổ chức cho con cái khi từ 16-20 tuổi để thừa nhận là thành viên đã trưởng thành của cộng đồng. Đây là nghi lễ đặc biệt quan trọng nên lễ vật cúng cũng phải tươm tất gồm một con heo, ché rượu cần. Cả già làng và người được làm lễ đều mặc trang phục truyền thống để tiến hành các nghi thức cần thiết.

Lời khấn như sau: “Ơ thần! Người này đã được cha mẹ dâng lễ vật là bảy ché rượu, một con heo cúng thần, thịt heo còn lại chia cho tất cả. Rượu nồng hay nhạt xin thần cùng uống, thịt ngon hay dở xin thần cùng ăn. Cầu mong thần phù hộ cho người này mọi điều đều tốt, mọi điều đều hay. Hỡi thần…”.

Có thể thấy, mỗi một bài cúng đều có một nội dung khác nhau và đó chính là mục đích cốt yếu mà nghi lễ hướng tới. Chính vì vậy, dù quy mô nhỏ hay lớn, mỗi lễ hội, nghi lễ đều có một bài cúng riêng biệt. Các bài cúng có thể giống nhau về thể thức, về mục đích nhưng nội dung không giống nhau mà hoàn toàn phụ thuộc vào cách thể hiện của chủ lễ. Trước đây, trong mỗi gia đình, dòng họ và đặc biệt là hội đồng già làng trong cộng đồng bon đều có những người hết sức thành thạo việc cúng tế và cử hành nghi lễ.

Trên cơ sở sưu tầm, biên dịch, đến nay ngành văn hóa đã lưu giữ được hơn 50 bài cúng tiêu biểu trong nghi lễ của đồng bào M’nông. Đây chính là cẩm nang hữu ích để lớp trẻ ở các bon làng có thể kế tục, tìm hiểu và cử hành nghi lễ, góp phần vào việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của người M’nông.

Bài, ảnh: Mỹ Hằng

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cúng trong nghi lễ của người M’nông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO