Chiếc gùi trong đời sống của người M’nông

Y Krăk| 28/07/2017 08:57

Đối với đồng bào M’nông, ngoài các loại vật dụng như chiêng, ché, quả bầu đựng nước, đựng cơm hay cái nia để sàng lúa, ngô… thì chiếc gùi (gọi theo tiếng M'nông là sah) cũng đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống hằng ngày. Đây là vật dụng không thể thiếu trong sinh hoạt gia đình cũng như trong các nghi lễ, lễ hội lớn của người M’nông.

ADQuảng cáo

Gùi còn là vật dụng rất hữu ích, tiện nghi trong lao động sản xuất hằng ngày của người M’nông

Trước đây, cũng giống như đồng bào các dân tộc Ê đê, Mạ, Xê đăng… ở Tây Nguyên, người M’nông thường có tập quán canh tác lúa nương (lúa được trồng trên đồi), ngô, đậu đỗ tại nương rẫy mới khai phá. Do địa hình rừng núi hiểm trở, đường sá đi lại khó khăn, phải luồn lách qua cây cối um tùm nên không thể dùng các phương thức vận chuyển bình thường như bưng, vác..., thì sah là vật dụng chuyên dụng nhất để vận chuyển các loại nông sản sau khi thu hoạch.

Theo ông Điểu M’rưng, bon Đắk R’moan, xã Đắk R’moan (Gia Nghĩa) thì sah của người M’nông không biết hiện hữu trong đời sống từ bao giờ, chỉ biết rằng từ nhỏ ông đã sớm được bố truyền dạy cho cách đan sah. Rồi ông lại được theo chân mẹ, các chị đeo sah đi bẻ măng, hái rau bép, chặt đọt mây rừng. Cứ như thế, lớn lên ông lại tiếp tục truyền dạy cho con cháu trong gia đình mình đan sah. Từ đó, hình ảnh sah đã ăn sâu vào sinh hoạt thường ngày và trở thành người bạn thân thiết với ông cũng như người dân trong bon cho tới hôm nay.

Bên cạnh đó, sah cũng là vật dụng không thể thiếu trong các dịp lễ hội của người M’nông. Mỗi khi thực hiện nghi thức cúng thần lúa, lễ cúng mưa đầu mùa, lễ hội sum họp cộng đồng, người ta thường đặt vài chiếc sah ở nơi dựng lễ để đựng đồ cúng như thịt nướng, cơm lam, các loại hoa màu gieo trồng được để cúng tế thần linh.

Không chỉ thế, sah còn là sản phẩm trang trí, thể hiện nét thẩm mỹ và bàn tay khéo léo, tài hoa của người đàn ông M’nông trước khi lấy vợ, xây dựng gia đình. Ngoài ra, sah còn là biểu trưng cho sự cần cù, chịu thương, chịu khó của người phụ nữ, đã đi sâu vào thơ ca, truyện cổ, sử thi Ot N'drong của người M'nông.

ADQuảng cáo

Ðể làm được một chiếc sah, phải mất rất nhiều thời gian và công đoạn khác nhau. Từ khi vào rừng chặt tre, nứa, kiếm dây mây đến khâu phơi nắng, vót bóng thanh tre,… cho đến khi hoàn thành một chiếc sah ít nhất cũng phải mất từ 2 – 3 tuần.

Ðể tạo hoa văn trang trí, người thợ đan cài các sợi nan đã được nhuộm màu từ nhựa cây rừng, hoặc lật mặt cật hoặc mặt lòng của nan để có được màu sắc như ý. Dây quai sah được làm từ nhiều sợi dây mây nhỏ, đan bắt chéo nhau thật khít để tạo độ bền chặt. Phần đầu dây quai đeo phải được đan rộng hơn phần cuối dây nhằm tạo sự thoải mái, tránh bị đau vai khi mang các vật nặng. Ðế sah thường được làm bằng các loại gỗ mềm (thường là gỗ cây cóc rừng) hoặc dùng bốn thanh tre già chắc siết chặt ở 4 góc đế để tạo điểm tựa vững chãi, sah không bị đổ khi được thả xuống.

Đan gùi mới

Đối với thợ đan chưa lành nghề, để đan mỗi loại sah khác nhau, người đan có thể dùng những chiếc khuôn mẫu được làm sẵn bằng tre, nứa giúp cho việc đan được tiện lợi. Đặc biệt, trong quá trình đan sah, người thợ phải có sẵn một con dao lưỡi nhỏ (rộng 1- 2 cm, dài khoảng 15 cm), sắc bén và 1 thanh kim loại nhỏ, có đầu nhọn dùng để đục, vót bóng những thanh tre, dây mây trong khi đan.

Thông thường thì sah của người M’nông cao khoảng 50 – 60 cm, miệng hình tròn, dáng thon gọn, đáy nhỏ hơn miệng và nhiều kích cỡ khác nhau. Với mỗi loại sah tuỳ theo đối tượng và công năng sử dụng riêng. Chẳng hạn như sah để đi lấy củi, hái rau rừng thì phần ở giữa thân gùi thường được đan thưa, có nhiều ô hình lục giác (rộng khoảng 3 – 4 cm). Còn sah thân tròn, toàn thân được đan một lớp nan dày (có thể có nắp hoặc không có nắp đậy). Sah người M’nông sử dùng đựng lúa, đậu bắp các loại để tránh rơi vãi trong quá trình vận chuyển.

Ngày nay, cuộc sống đã có nhiều đổi thay, đường sá đi lại thuận tiện hơn, người dân đã có nhiều phương tiện vận chuyển nông sản, hàng hóa. Thế nhưng, nếu có dịp ghé qua nhiều thôn, bon của người M'nông, chúng ta vẫn dễ bắt gặp hình ảnh các nghệ nhân lớn tuổi cần mẫn truyền dạy cách đan sah cho con cháu, hay hình ảnh các mẹ, các bà mang sah đi lấy củi, bẻ măng...

Với sự tiếp nối và lưu truyền đó, người M'nông vẫn hy vọng và tin tưởng, dù cuộc sống có hiện đại, thay đổi đi chăng nữa thì sah vẫn luôn là vật dụng gần gũi, gắn bó mật thiết với đồng bào M'nông.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chiếc gùi trong đời sống của người M’nông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO