Di sản địa chất trong sử thi của người M’nông

18/11/2018 19:18

Với diện tích trải dài qua 6 huyện, thị xã, nên trong khu vực Công viên địa chất (CVĐC) núi lửa Krông Nô có rất nhiều điểm địa chất tiêu biểu liên quan đến các hoạt động địa chất, hình thành núi lửa. Các điểm địa chất này có nhiều giá trị về mặt khoa học, tự nhiên, lịch sử văn hóa. Đáng nói nữa là từ ngàn xưa, sự hình thành các điểm di sản địa chất này đều được phản ánh qua những câu sử thi (Ót N’drong) của người M’nông.

ADQuảng cáo

Điển hình về sự tích núi Nâm Nung, trong sử thi M’nông kể rằng, vào thời đó, các cuộc chiến tranh diễn ra liên miên giữa các thần núi. Trong các trận chiến đó, thần núi Nâm Nung luôn giành chiến thắng và khiến cho các thần núi khác phải khuất phục. Thần núi Nâm Nung luôn mang bên mình chiếc tù và được làm bằng sừng con min (trâu rừng) dùng để kêu gọi, thúc giục quân lính xông trận. Trong các vị thần thì có thần núi Nâm Kar (núi lửa đèo 52) là nữ thần đầy uy lực, không bao giờ chịu khuất phục trước sức mạnh của thần núi Nâm Nung.

Tương truyền rằng, vào thời bấy giờ có bộ tộc tên là Lao Bô (ma rừng) chuyên ăn thịt người, nhất là phụ nữ và trẻ em. Trong rừng Nâm Nung có cây Plang to lớn, sẵn sàng bảo vệ, che chở dân làng. Nhờ đó, uy tín và sức mạnh của thần núi Nâm Nung ngày được lan rộng. Nữ thần Nâm Kar ngày càng nể phục và trở thành vợ của thần núi Nâm Nung. Từ đó, Nâm Nung được gọi là núi Cha, Nâm Kar được gọi là núi Mẹ. Sau khi trở thành núi Mẹ, thần núi Nâm Kar trở nên hiền hòa và sinh con đàn cháu đống. Con của núi Cha và núi Mẹ là những dãy núi trùng điệp uốn lượn quây quần xung quanh ngọn núi Nâm Kar như núi lửa Nâm Kle R’luh, Chư Pui, Nâm Dơng, Xăng Diê, Leng Zom, Yoj rla rpu… Bên cạnh núi Cha và núi Mẹ còn có các vị thần hùng mạnh trợ giúp, giữ cho bon làng, chim nuông có cuộc sống bình yên, hạnh phúc.

Có những câu được thể hiện trong sử thi như: Nâm Nung như là ông thần/ Nâm Bjiang như lòng bàn tay/ Nâm trăh như rổ đựng cơm/ Nâm Dăng như chàng trai trẻ/ Jok Dinh Klo là nguồn nước không bao giờ cạn… Và cũng từ đó, trong nghi lễ cúng rào bon và nhiều nghi lễ khác, đồng bào M’nông thường lấy cây Plang làm cột lễ, với ước vọng che chở cả bon làng.

ADQuảng cáo

Về núi Mẹ Nâm Kar, tương truyền rằng, trên đỉnh núi có một hồ nước rộng mênh mông và rất nhiều cá, cây cỏ xanh tốt. Biết được điều này, một chàng trai tìm đến bắt cá nướng ăn mà không hề biết đây là cá do thần nuôi. Vì thế, khi vừa ăn xong con cá nướng, chàng trai cảm thấy ngứa ngáy toàn thân và khuôn mặt dần biến dạng, có đôi tai rất to và cái mũi rất dài, cái bụng phình to, thân hình vạm vỡ nên gọi là con voi sau này và đây cũng chính là sự tích con voi. Vì là người biến thành voi nên voi ăn rất khỏe, dân làng không đủ cơm để nuôi. Các già làng, thầy cúng liền nấu cơm nếp, bắp, đậu, củ sắn rải lên lá cây trúc để nhử voi đến ăn. Voi ăn đến đâu thì thầy cúng đọc thần chú đến đó để voi nhớ rằng đó chính là thức ăn của mình.

Ngày nay, trên miệng ngọn núi lửa này vẫn có nước và cá sinh sống rất nhiều và đồng bào trong vùng này vẫn giữ nguyên tên gọi của ngọn núi này là Nâm Kar (có nghĩa là núi cá). Truyền thuyết về núi lửa Nâm Kar cũng chính là sự tích con voi mà người M’nông thường kể trong sử thi để nhắc nhở, giáo dục con cháu không tự ý xâm hại đến tài nguyên thiên nhiên khi chưa được cho phép.

Mỗi địa điểm di sản địa chất thuộc CVĐC núi lửa Krông Nô đều gắn liền với một truyền thuyết nhất định xoay quanh sự hình thành của núi đồi, sông suối thông qua những câu vần Ót N’drong. Qua đó, đồng bào xưa lý giải các hiện tượng tự nhiên liên quan đến di sản và tầm ảnh hưởng của nó đối với cuộc sống con người. Hiện nay, tại các điểm di sản địa chất này đang diễn ra các hoạt động nghiên cứu khoa học phục vụ xây dựng hồ sơ CVĐC và lựa chọn một số điểm đẹp, an toàn, có giá trị nổi bật để đưa vào khai thác du lịch. Những câu Ót N’drong nói về sự hình thành các điểm di sản là những cứ liệu hữu ích để tham khảo, nghiên cứu nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị của CVĐC. Đặc biệt, khi các điểm di sản này được đưa vào danh mục điểm đến của chương trình phát triển du lịch bền vững thì những câu chuyện hấp dẫn này sẽ góp phần thu hút du khách.

Bài, ảnh: Mỹ Hằng

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Di sản địa chất trong sử thi của người M’nông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO