“Địa chí Đắk Nông” - “Bách khoa thư” về tỉnh Đắk Nông

Trần Đình Tủng| 08/03/2012 14:29

Nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu về vùng đất và con người Đắk Nông, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã quyết định tổ chức biên soạn cuốn sách “Địa chí Đắk Nông”...

ADQuảng cáo

Nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu về vùng đất và con người Đắk Nông, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã quyết định tổ chức biên soạn cuốn sách “Địa chí Đắk Nông”.

“Địa chí Đắk Nông” là cuốn sách tổng hợp mang tính bách khoa thư của địa phương, trình bày có hệ thống về đặc điểm tự nhiên, con người, lịch sử, kinh tế, văn hóa xã hội… trong quá khứ và hiện tại. Trên cơ sở nghiên cứu khoa học với quan điểm lịch sử và cách nhìn biện chứng, “Địa chí Đắk Nông” thật sự là nguồn tài liệu có giá trị khảo cứu và lưu giữ truyền thống, vừa nhằm khai thác và vận dụng sáng tạo những bài học của quá khứ, vừa đấu tranh chống trở ngại của tự nhiên, xã hội và mỗi con người trong sự nghiệp cách mạng ngày nay.

“Địa chí Đắk Nông” được Nhà Xuất bản Từ điển Bách khoa xuất bản năm 2011, dày 811 trang, gồm 6 phần, 23 chương, do ông Tô Đình Tuấn, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm chủ biên, cùng tập thể tác giả là giáo sư, tiến sĩ của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tham gia biên soạn. Là cuốn sách được đầu tư nghiên cứu, biên soạn rất công phu, có hệ thống toàn diện về vùng đất Đắk Nông trên nhiều khía cạnh: địa lý, lịch sử, chính trị, hệ thống hành chính, kinh tế, văn hóa xã hội của các huyện, thị trong tỉnh Đắk Nông. Nói một cách khác, đây là cuốn địa chí đầu tiên được viết khá đầy đủ về con người và vùng đất Đắk Nông.

Sách có 6 phần. Phần thứ nhất: “Địa lý Hành chính - Tự nhiên - Dân cư” (gồm 3 chương). Là phần mở đầu, được xem như cơ sở để hiểu biết đầy đủ, toàn diện, phù hợp với nội dung của một địa chí địa phương về mọi lĩnh vực của đời sống xã hội tỉnh Đắk Nông ngày nay về các mặt địa hình, địa chất, tài nguyên, khí hậu, đất đai, động vật, thực vật...

Phần thứ hai:Lịch sử - truyền thống xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước (gồm 4 chương). Giới thiệu những nét khái quát về lịch sử và truyền thống xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước của các dân tộc Đắk Nông. Tuy là một phác thảo trong tổng thể của “Địa chí Đắk Nông”, song nó cũng tạo một bức tranh khá đầy đủ để hiểu lịch sử, truyền thống địa phương, trong lịch sử và truyền thống chung của dân tộc Việt Nam.

ADQuảng cáo

Phần thứ ba: Kinh tế (gồm 6 chương): Giới thiệu tổng quan về sự phát triển kinh tế Đắk Nông qua các thời kỳ lịch sử, cung cấp một cái nhìn khái quát bức tranh lịch sử về các chặng đường phát triển của nền kinh tế Đắk Nông từ thời nguyên thủy đến nay. Bao gồm các vấn đề về nông nghiệp, thủy lợi, chăn nuôi, lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp, điện lực, xây dựng, giao thông vận tải, bưu chính viễn thông, thương mại, du lịch, tài chính, tín dụng, ngân hàng, tạo nên một bức tranh chung về nội dung, đặc trưng, vai trò, vị trí và triển vọng phát triển của nền kinh tế Đắk Nông, trong tổng thể chung của kinh tế Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử.

Phần thứ tư: Văn hóa - xã hội (gồm 7 chương). Đề cập đến nhiều vấn đề về sinh hoạt vật chất, tinh thần, các ngành văn học, nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng, giáo dục, thông tin, báo chí, công nghệ, khoa học… của Đắk Nông. Phần này tập trung giới thiệu tương đối đầy đủ về nền văn hóa đa dạng, mang đậm bản sắc của các dân tộc ở Đắk Nông, chủ yếu của người M’nông. Đồng thời cũng nêu những hạn chế và thuận lợi của Đắk Nông trong việc xây dựng công nghệ, khoa học, đội ngũ cán bộ khoa học - kĩ thuật cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa theo con đường xã hội chủ nghĩa.

Phần thứ năm: Hệ thống Chính trị - Công tác quốc phòng - an ninh (3 chương). Giới thiệu về hệ thống chính trị (tổ chức hành chính qua các thời kỳ và tổ chức Đảng bộ Đắk Nông; Quốc phòng toàn dân (sự hình thành và phát triển lực lượng vũ trang và ý thức của quần chúng nhân dân trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc và an ninh nhân dân, công tác phòng cháy chữa cháy, hệ thống tư pháp.

Phần thứ sáu: Thị xã và các huyện. Giới thiệu về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên; quá trình hình thành và phát triển; tình hình dân cư, dân số; các đơn vị hành chính; hệ thống cơ sở hạ tầng và một số đặc điểm về kinh tế, văn hóa, xã hội của các huyện, thị xã.

Có thể nói “Địa chí Đắk Nông” là cuốn sách tổng hợp, mang tính bách khoa thư của địa phương, ghi chép một cách toàn diện về đặc điểm tự nhiên, dân cư, dân tộc, lịch sử, kinh tế, văn hóa, xã hội… theo không gian và thời gian; là kho tư liệu quý báu để phục vụ lãnh đạo, quản lý, hoạch định chính sách đầu tư và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh, quốc phòng, góp phần giáo dục truyền thống cho các thế hệ; đồng thời giới thiệu với các nhà đầu tư, khách du lịch trong và ngoài nước và những ai quan tâm tìm hiểu về con người và vùng đất Đắk Nông giàu tiềm năng.

ADQuảng cáo
(1) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Địa chí Đắk Nông” - “Bách khoa thư” về tỉnh Đắk Nông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO