Kỷ niệm 38 năm ngày giải phóng Gia Nghĩa–Đắk Nông (23/3/1975-23/3/2013): Nhớ về ngày tháng lịch sử năm ấy

Hoàng Thanh| 21/03/2013 14:29

Cách đây vừa tròn 38 năm, vào ngày 23/3/1975, thị xã Gia Nghĩa được hoàn toàn giải phóng. Ðối với người dân được trực tiếp chứng kiến những ngày tháng lịch sử này cũng có những kỷ niệm không thể nào quên...

ADQuảng cáo

Cách đây vừa tròn 38 năm, vào ngày 23/3/1975, thị xã Gia Nghĩa được hoàn toàn giải phóng. Ðối với người dân được trực tiếp chứng kiến những ngày tháng lịch sử này cũng có những kỷ niệm không thể nào quên.  

Ông Lê Trúc Phương, nguyên Bí thư Huyện ủy Ðắk Nông (cũ), nguyên ủy viên Thư ký của Ủy ban quân quản Gia Nghĩa cho biết: “Trước khi rút chạy quân Ngụy đã phao tin trong dân chúng rằng sau khi chiếm được Gia Nghĩa “Cộng quân” sẽ trả thù, vì vậy mà nhân dân rất hoang mang nên trước khi các lực lượng vũ trang tiến vào giải phóng Gia Nghĩa, mọi người đều bỏ chạy theo đám tàn quân. Vì vậy, ngay sau khi Gia Nghĩa được giải phóng, Ủy ban quân quản thị xã đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền cho bà con hiểu rõ chính sách của Ðảng và nhà nước ta, nhất là chính sách khoan hồng đối với binh lính Ngụy. Theo đó, các lực lượng cách mạng đã kêu gọi bà con trở về nhà ổn định cuộc sống. Ðầu tháng 4/1975 các hộ dân đi lánh nạn trước đó hầu hết đều đã quay về, trong số đó có nhiều binh lính và sĩ quan Ngụy quyền”.

Nhớ lại những ngày tháng đó, ông Nguyễn Văn Chi, ở Phường Nghĩa Tân (Gia Nghĩa) cho biết: “Khi đó gia đình tôi đang ở ấp chiến lược (nay thuộc phường Nghĩa Tân), lúc đó tôi mới 12 tuổi, ngày thị xã Gia Nghĩa giải phóng, tôi cùng gia đình và bà con ở ấp chiến lược bỏ chạy về hướng Lâm Ðồng, theo Quốc lộ 28 bây giờ. Lúc ấy mạnh ai nấy chạy mặc dù không biết đi đâu. Lúc đến xã Quảng Khê, tôi tận mắt chứng kiến cảnh binh lính và người dân chen nhau leo lên những trực thăng, do quá nặng nên có 2 chiếc bị rơi và có nhiều người chết. Sau đó sỹ quan và binh lính Nguỵ đã đứng bao quanh nơi trực thăng hạ cánh không cho dân chúng leo lên. Sau khi qua Lâm Ðồng 1 tuần thì gia đình tôi được cách mạng tuyên truyền trở về lại gia đình”.

ADQuảng cáo

Còn ông Lâm Văn Hùng ở phường Nghĩa Ðức cho biết: “Gia đình tôi có 7 người, ngày 23/3/1975, gia đình tôi cũng theo Quốc lộ 28 chạy về Lâm Ðồng, do không có phương tiện nên chỉ đi bộ, mệt đâu nghỉ đó. Trên Quốc lộ 28, quân trang và vũ khí địch vứt ngổn ngang. Lúc đó tôi cũng chỉ gần 10 tuổi. Bố mẹ tôi đem theo tiền bạc thì bị một binh sĩ Ngụy cướp mất nên dọc đường phải vào nhà dân bên đường xin ăn. Hơn 10 ngày sau mới quay về Gia Nghĩa, may mà cả nhà không có ai bị gì”.

Ông Lê Văn Q, hiện ở tại phường Nghĩa Ðức (Gia Nghĩa) cho biết: “Tôi vốn là lính ở đồn Gia Trung, Ðắk Song. Khi giải phóng Gia Nghĩa tôi cùng binh lính đã bỏ chạy về Bảo Lộc (Lâm Ðồng). Giữa tháng 4/1975 sau khi hiểu rõ chính sách khoan hồng của cách mạng, tôi đã trở về nhà và ra trình diện, sau khi đi học tập cải tạo, tôi đã được sống thanh bình cùng với bà con ở Gia Nghĩa. Ðến nay đã gần 40 năm nhưng tôi luôn nhớ về những ngày tháng đó”.           

Theo ông Ðinh Xuân Tục, nguyên là lính đặc công của Trung đoàn 271 thì vào những ngày cuối tháng 3/1975, tinh thần quân ngụy trên khắp chiến trường miền Nam nói chung và Quảng Ðức nói riêng đã rệu rã. Vào đầu tháng 3/1975, quân Ngụy tại Quảng Ðức đã co cụm các lực lượng về cố thủ tại căn cứ Nhân Cơ (Ðắk R’lấp), Gia Trung (Ðắk Song) và Gia Nghĩa. Lực lượng của địch tại Gia Nghĩa gồm hai tiểu đoàn: 258 và 259 địa phương quân, 1 tiểu đoàn biệt động, 1 tiểu đoàn cảnh sát dã chiến và một số lực lượng khác. Tại các vị trí trọng yếu như: trung tâm hành chính tỉnh, sân bay Gia Nghĩa, kho xăng dầu… địch bố trí một hệ thống phòng thủ dày đặc với hỏa lực mạnh. Sau khi đập tan sự kháng cự của địch tại Nhân Cơ vào ngày 17/3, chiến dịch giải phóng Gia Nghĩa được bắt đầu.

Sáng ngày 20/3/1975, những loạt trọng pháo 105 ly của quân ta đã dồn dập nã vào các vị trí trọng yếu của địch. Các đơn vị bộ đội chủ lực là Trung đoàn đặc công 14, Trung đoàn bộ binh 271 cùng lực lượng quân sự địa phương từ các hướng tiến dần vào Gia Nghĩa. Ngày 23/3/1975, chiến sĩ của Trung đoàn 271 đã trực tiếp cắm cờ trên Dinh tỉnh trưởng Quảng Ðức.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỷ niệm 38 năm ngày giải phóng Gia Nghĩa–Đắk Nông (23/3/1975-23/3/2013): Nhớ về ngày tháng lịch sử năm ấy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO