N’Trang Lơng – Thủ lĩnh trong kháng chiến chống thực dân Pháp

L.H (biên soạn)| 05/11/2010 14:30

Trong công cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp (1914-1935), N’Trang Lơng đã tập hợp hầu hết người M’nông tham gia chống Pháp. Ước tính có trên dưới 5000 người tham gia chiến đấu do ông trực tiếp chỉ huy...

ADQuảng cáo

Trong công cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp (1914-1935), N’Trang Lơng đã tập hợp hầu hết người M’nông tham gia chống Pháp. Ước tính có trên dưới 5000 người tham gia chiến đấu do ông trực tiếp chỉ huy. Cơ cấu của nghĩa quân được N’Trang Lơng phiên chế thành hai lực lượng chính:  Lực lượng trong bon (M’Pol tơ hiên Bol lan) lập “Làng chiến đấu” ở tại địa phương theo kiểu thành lũy truyền thống của đồng bào M’nông. Khi thực dân Pháp đến càn quét thì tất cả các thành viên trong bon đều là những chiến sĩ sẵn sàng giết giặc, kể cả người già, trẻ em và phụ nữ; lực lượng ra rừng (M’Pol tơ hiên Bri Đắk), được ông lựa chọn kỹ lưỡng, phần lớn là thanh niên có sức khỏe tốt, thoát ly khỏi bon vào căn cứ, trực tiếp đi chiến đấu với các thủ lĩnh dưới sự chỉ đạo của thủ lĩnh tối cao N’Trang Lơng.

Tin N’Trang Lơng lập căn cứ kháng chiến chống thực dân Pháp làm nức lòng mọi người, các thủ lĩnh, già làng ở nhiều nơi đều tìm đến ông, một lòng ủng hộ, sẵn sàng đưa quân gia nhập cùng nghĩa quân N’Trang Lơng đánh Pháp. Trong hàng ngũ nghĩa quân tham gia chiến đấu với ông, có một số thủ lĩnh được xem là nòng cốt, kiên trung, sẵn sàng hi sinh để giết giặc, như:

+ Bu Luk-Amprad, một trong những cánh tay đắc lực của N’Trang Lơng. Thực dân Pháp coi ông là một vị phó tướng và sẽ kế vị N’Trang Lơng. Ông là người M’nông Noong, sống trên lưu vực sông Đắk Huych (huyện Tuy Đức ngày nay).

+ B’heng Reng là thủ lĩnh người Bu Nơr, tù trưởng bon Bu Kroch nằm trên lưu vực sông Đắk Plai (đất Campuchia).

+ R’Đinh quê ở Bu Koh, lấy vợ bon Bu Siêt (thuộc lưu vực suối Đắk Búk So, huyện Tuy Đức ngày nay) và làm đầu làng của bon này.

+ R’ong Leng là một trong những thủ lĩnh quan trọng của phong trào, ông là người M’nông Nong, quê ở Bù Đăng, lất vợ bon Bu Nor và trở thành đầu làng.

+ Bơ N’Xinh là em ruột của R’Đinh. Ông lấy vợ ở bon Bu Méra và trở thành chủ bon, cùng với anh của mình tham gia phong trào ngay từ những ngày đầu chống Pháp và chiến đấu cho đến khi bị bắt.

+ Bơ Rơi N’Jưng, người M’nông Nong, quê ở Bù Đăng, lấy vợ ở bon Bu Drung – một bon người M’nông Nong ở lưu vực suối Đắk Búk So.

+ Cir là một chỉ huy quân sự trẻ, tài năng và dũng cảm, tuy chưa có vợ, nhưng lại là đầu làng Bù Đăng (huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước ngày nay) là người chiến đấu rất dũng cảm.

Các đầu làng, thủ lĩnh liên minh lại với nhau chống Pháp dưới sự chỉ huy của N’Trang Lơng, tạo thành Hội đồng thủ lĩnh có tổ chức, đưa ra nhiều phương thức chiến đấu khoa học, cùng hợp sức và chủ động tấn công quân chiếm đóng.

Giữa tháng 6-1914, Henri Maitre đi Di Linh (1 huyện lỵ của tỉnh Lâm Đồng ngày nay) nhận vũ khí, lương thực tiếp tế. Nhân cơ hội đó N’Trang Lơng và Hội đồng thủ lĩnh tiến hành khởi sự. Quyết định của Hội đồng thủ lĩnh dưới sự chỉ đạo của N’Trang Lơng là khi Henri Maitre từ Di Linh về đến Bu Méra thì bất ngờ dụ hắn đi Bu Nor (nay là bon Bu Nor B, thôn 6, xã Đắk R’tíh, huyện Tuy Đức) ngay, lấy cớ N’Trang Lơng đang uy hiếp mạnh các bon người M’nông Noong, vì N’Trang Lơng đang cần đến sự hợp lực của các bon này. Mục tiêu của trận Bu Nor là tiêu diệt Henri Maitre cùng lực lượng vũ trang quan trọng của hắn. Mục tiêu thứ hai là sau khi diệt xong Henri Maitre thì phải nhanh chóng đáp úp đồn Bu Méra, tiêu diệt số lính còn lại và tịch thu toàn bộ vũ khí, lương thực trong đồn… Để không bị lộ, vũ khí duy nhất được dùng là dao găm, giáo mác, đao, gậy gộc, kể cả chày giã gạo,… còn súng tịch thu được của Pháp tuyệt đối cấm sử dụng. R’Đinh, người được Henri Maitre coi là đồng minh có nhiệm vụ đứng ra tiếp xúc với Henri Maitre, kêu gọi hắn liên minh với người M’nông để đi đánh N’Trang Lơng.

ADQuảng cáo

Với thái độ chủ quan, yên tâm về sự quy phục của người M’nông, ngày 24-7-1914, Henri Maitre từ Di Linh về, khi vừa tới đồn Bu Méra, R’ong Leng và Bơ Rơi Njưng đã chờ sẵn, kêu cứu và yêu cầu Henri Maitre xuất quân, phối hợp với các làng M’nông Nong đánh N’Trang Lơng. Cuộc gặp mặt nhanh chóng đi đến thỏa thuận lập một liên minh giữa Pháp với người M’nông để đánh N’Trang Lơng. Kế hoạch này được Henri Maitre đồng ý và xuất quân ngay sáng hôm sau. Bu Nor được chọn làm điểm hội quân để tổ chức lễ “kết minh” trước lúc hai bên cùng ra quân.

Đúng hẹn, sáng ngày 29-7, Henri Maitre lên đường đi Bu Nor với lực lượng tùy tùng 15 lính khố xanh, toàn bộ phiên dịch, cai cu ly và bồi bếp, 3 voi mới từ Di Linh về kết hợp với voi của đồng bào chở đạn, gạo và hành lý. Henri Maitre đến Bu Nor vào chiều ngày 29. Hắn được R’ong Leng tiếp đãi long trọng theo đúng phong tục mến khách của người M’nông.

Lễ “kết minh” được tổ chức tại nhà R’ong Leng (bon Bu Nor) khoảng 8 giờ, ngày 30-7-1914, với sự tham gia của gần 200 chiến binh M’nông Nong và các bon lân cận. Nghi thức chính là tổ chức lễ hiến sinh cúng Yang, lấy nước phép tưới lên vũ khí để cầu may. Vũ khí của cả đôi bên được chất thành đống, kể cả vũ khí của Henri Maitre. Để tỏ rõ thiện chí và lấy lòng dân bản địa, Henri Maitre đã nhiệt tình ăn uống tự nhiên. Sau khi Henri Maitre với đoàn quân tùy tùng đã no say thì N’Trang Lơng đứng lên tự giới thiệu về mình rồi tiến tới và bằng một động tác nhanh nhẹn, ông rút dao ngắn đâm Henri Maitre một nhát trúng tim, hắn gục ngay bên cạnh ché rượu, những nhát dao đâm kế tiếp của các thủ lĩnh: Bơ Xinh Rđinh, R’Ong Leng, Bơ Ninh Nxinh, Bơ Rơi Njưng… Đồng thời khắp nhà vang lên tiếng “Lơh!Lơh!” (đánh!đánh). Nghĩa quân (có cả đàn bà) nhảy xô vào bọn lính và tay sai của Henri Maitre tiêu diệt kỳ hết, trừ tên nài voi Nchuh đi thả voi đứng xa dàn lễ nên thoát chết, sau nghĩa quân bắt làm con tin.

Khi trận đánh tại bon Bu Nor kết thúc thắng lợi, N’Trang Lơng cấp tốc cùng các thủ lĩnh D’Rinh, N’Xinh và Rơi N’Jưng tiến đánh đồn Bu Méra. Trưa ngày 31-7-1914, N’Trang Lơng cùng với nghĩa quân tiêu diệt toàn bộ số quân còn lại. Đồn được giữ hầu như nguyên vẹn kể cả toàn bộ vũ khí và hàng hóa lương thực mới nhận từ Di Linh về.

Như vậy, trận Bu Nor và Bu Méra diễn ra đúng như kế hoạch của N’Trang Lơng – Hội đồng thủ lĩnh; nghĩa quân đã đập đúng đầu rắn, trừ khử được Henri Maitre, tên cầm đầu Phái bộ hành chính khảo sát của Đông Cao Miên – Trưởng đồn Bu Méra và tiêu diệt toàn bộ hệ thống quân sự của địch trên Cao nguyên M’nông. Sau khi Henri Maitre chết, với lòng nhân ái vị tha, đồng bào M’nông đã chôn xác hắn bên ngoài bìa làng bon Bu Nor (phần mộ của Henri Maitre được đồng bào bon Bu Nor đắp đất, đá đầy đặn, hiện nay vẫn còn ở bon Bu Nor cũ).

Chiến thắng Bu Nor và Bu Méra là kết quả to lớn quyết định sự thắng lợi của công cuộc kháng chiến chống Pháp trên cao nguyên M’nông do N’Trang Lơng lãnh đạo. Nếu nói trận Pu Xara làm thất bại âm mưu và sự đô hộ của thực dân trên đất Cao Miên (phần đất phía Đông – Bắc Campuchia) năm 1912 do N’Trang Lơng lãnh đạo, thì trận thắng liên hoàn Bu Nor và Bu Méra đã xóa sổ hoàn toàn trụ sở cai trị – Trung tâm tổ chức các cuộc hành quân đàn áp đồng bào M’nông của Pháp, quét sạch thực dân đô hộ trên toàn lãnh thổ cao nguyên M’nông.

Trước thất bại không ngờ, hao tổn lớn về người và của, để trả đũa, đồng thời tiếp tục thực hiện lại kế hoạch bình định vùng M’nông, tháng 1-1915, Toàn quyền Đông Dương ra lệnh mở cuộc hành quân quy mô trên khắp cao nguyên M’nông nhằm diệt gọn nghĩa quân, nhanh chóng lập lại quyền đô hộ. Tơ-ruy-phô (Truffot) viên Phó Công sứ Pháp tại Đắk Lắk được giao chỉ huy cuộc hành quân với sự hỗ trợ của Mác-găng (Marganh) và đơn vị kiểm lâm Krachié (Campuchia) do đồn trưởng Cuốc-xăng (Courrsange) cầm đầu. Nhưng cuộc hành quân này đã bị nghĩa quân N’Trang Lơng bẻ gãy. Thực dân Pháp hoảng sợ co hẳn về Buôn Ma Thuột. Vì vậy, từ năm 1917 đến năm 1927, vùng Cao nguyên M’nông không còn tiếng súng, không có dấu giày của đội quân xâm lược. Đồng bào sống trong hòa bình, ấm no, hạnh phúc.

Trong một thời gian dài không khuất phục được Cao nguyên M’nông, tháng 10-1931, Pát-ki-ê, Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương trực tiếp chỉ đạo quân đội Pháp hành quân tiêu diệt bằng được phong trào N’Trang Lơng. Mãi đến ngày 15-3-1933, quân Pháp mới bao vây và cô lập vùng trung tâm của phong trào – vùng Cao nguyên M’nông. Trước tình thế khó khăn đó, để bảo toàn lực lượng, N’Trang Lơng cùng các thủ lĩnh quyết định rút quân lên dãy Nâm Nung (nay thuộc địa bàn Lâm trường  Đắk N’Tao, xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) lập căn cứ kháng chiến. (Hiện nay trên núi Nâm Nung vẫn còn các công sự, các loại cây ăn quả như cam, bưởi, mít… mà trong kháng chiến chống Pháp nghĩa quân N’Trang Lơng tạo dựng, trồng trọt để nuôi quân). Nhưng trước sức mạnh và sự hung tàn của địch, một số thủ lĩnh nòng cốt của N’Trang Lơng đã sa vào tay giặc. Đầu tháng 5-1935, nghĩa quân rời căn cứ Nâm Nung về tạm lánh tại một cánh rừng già ở Pupar. Do trong hàng ngũ nghĩa quân có kẻ phản bội, nên địa điểm trú quân của N’Trang Lơng bị lộ. Ngày 20-5-1935, quân địch bao vây và tấn công bất ngờ, N’Trang Lơng bị thương nặng và từ trần ngày 25-5-1935.

Trận đánh liên hoàn Bu Nor và Bu Méra là kết quả của sự đoàn kết chung lòng, có tính toán khoa học, kế hoạch thống nhất đồng bộ, tạo được thanh thế lớn, cổ vũ phong trào đấu tranh chống Pháp của đồng bào M’nông nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Trong 25 năm khởi nghĩa, N’Trang Lơng và nghĩa quân đã tỏ rõ sức mạnh quật cường, chủ động tổ chức tấn công diệt địch khắp vùng Cao nguyên – đem lại an bình cho đồng bào các dân tộc trên Cao nguyên trong thời gian dài. Đây là cuộc khởi nghĩa có quy mô lớn nhất, mạnh mẽ nhất và có thời gian lâu nhất trong công cuộc chống Pháp ở Tây Nguyên. Phong trào rộng khắp cả Cao nguyên M’nông (Việt Nam) và còn lan rộng sang Krachié (nay là Mon-đon-ki-ri-Campuchia). Chiến thắng Bu Nor, Bu Méra đã ảnh hưởng sâu sắc tới tinh thần yêu nước và phong trào đấu tranh của đồng bào Tây Nguyên; từ Buôn Đôn, Đắk R’lấp, Krông Nô, Đắk Mil, Đắk Song, Tuy Đức, Bà Rá (Bình Phước)…

N’Trang Lơng mất đi, nhưng phong trào đấu tranh chống Pháp của đồng bao M’nông vẫn tiếp diễn, ảnh hưởng của cuộc khởi nghĩa đã thôi thúc đồng bào Tây Nguyên tiếp tục đứng lên cầm vũ khí đấu tranh chống thực dân Pháp, như phong trào “Nước xu” và “Săm Brăm” sau này.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
N’Trang Lơng – Thủ lĩnh trong kháng chiến chống thực dân Pháp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO