Nét đẹp văn hóa truyền thống: Trống cái của người M’nông

Đoàn Nhân| 29/07/2016 11:01

Chóe, chiêng, nồi đồng, trống,... là những vật dụng quen thuộc của đồng bào M’nông. Trong đó, trống cái được xem là vật linh thiêng đem lại sự bình yên và sức khỏe cho người sở hữu.

ADQuảng cáo

Trống cái của người M’nông được chế tác qua nhiều công đoạn hết sức công phu, phức tạp và phải tuân thủ các luật tục, nghi thức thần linh một cách nghiêm ngặt.

Trống cái của người M'nông

Trống cái của người M’nông được làm từ gỗ nguyên thân và sử dụng kỹ thuật đục đẽo, khoét rỗng. Người M’nông sử dụng các dụng cụ như rìu, dao,.. để đục khoét Tang trống từ hai mặt vào. Sau đó, dùng rìu, dao để tu chỉnh và đục đến khi thông nhau.

Sau khi Tang trống được khoét xong, người thợ không đưa về nhà ngay mà để lại khoảng 25-30 ngày trong rừng cho khô. Sau đó, trở lại rừng làm lễ cúng rước Tang trống về nhà; lễ vật đối với gia đình giàu có là một con trâu đực, còn gia đình khó khăn là một con heo.

Người M’nông theo quan niệm vạn vật hữu linh. Họ cho rằng mọi vật đều tồn tại song song; âm - dương; giữa trời - đất… nên khi làm mặt trống phải sử dụng da của hai con trâu (trâu đực – trâu cái). Khi làm thịt trâu, người ta tách nhẹ nhàng da trâu để khỏi bị rách, róc hết thịt dính trên da, ngâm với nước vôi, sau đó phơi nắng cho da có độ dai nhất định. Khi căng da trâu phải được quay tròn căng hết cỡ trên mặt trống rồi đóng đinh chốt (đinh bằng tre) để bảo đảm da không bị co giãn trong quá trình sử dụng.

ADQuảng cáo

Nếu trước đó đã có da của con trâu đực bọc một đầu trống rồi, thì nhất định ở lễ hội sau người ta sẽ làm thịt một con trâu cái để lấy da bọc đầu trống còn lại. Người được chọn bịt mặt trống là người phải biết đánh trống, có kinh nghiệm, am hiểu về văn hóa, là người có sức khỏe, có uy tín trong gia đình, dòng họ và trong bon.

Khi mặt trống hoàn thành, chủ nhân tiến hành lễ cúng để mời thần linh về dự. Người ta lấy tiết con vật hiến tế bôi lên mặt trống hai lần (lễ hiến sinh thường là con lợn 30 – 40 kg), lần đầu bôi một vòng tròn giữa mặt trống, lần sau bôi lên hai mặt trống để thần linh ngự trị và phù hộ cho gia đình khỏe mạnh, con cháu học hành giỏi giang,…

Hai mặt trống cái của người M’nông gọi là mặt đực và mặt cái. Mặt đực và mặt cái được phân biệt dựa vào cấu tạo mặt trống (mặt đực có khoét lỗ thông hơi, mặt cái không khoét lỗ thông hơi) và qua âm thanh phát ra khi đánh vào mặt trống (đánh vào mặt đực có âm trầm, hào hùng; còn đánh vào mặt cái âm phát ra thanh và bay bổng).

Đối với người M’nông, trống cái là vật có thể phân biệt sự giàu có của bon, dòng họ, gia đình. Những bon giàu thì có từ 4 đến 5 cái trống; dòng họ, gia đình sung túc thì có 1 trống cái. Còn bon nghèo thì có 1 hoặc 2 cái.

Người M’nông dùng trống cái để báo tin những cuộc lễ lớn của bon hay một sự kiện trong đại của gia đình, dòng họ và dùng trong tang lễ. Đặc biệt, trống cái không xuất hiện trong cơ cấu dàn chiêng.

Trống cái là vật linh thiêng của bon, dòng họ và trong gia đình nên được giữ gìn rất cẩn thận ở những nơi trang trọng. Trống cái thường được giao cho người có uy tín, địa vị trong gia đình, trong bon thường là già làng trông coi và bảo vệ.    

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nét đẹp văn hóa truyền thống: Trống cái của người M’nông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO