Những tập quán sinh hoạt đáng trân trọng của đồng bào dân tộc M’nông

Nguyễn Thị Thanh Tư| 11/10/2019 10:17

Vấn đề về tập tục, về văn hóa, tín ngưỡng… của người M’nông là những đề tài khá rộng nên trong phạm vi bài viết này chỉ đề cập vài nét nhỏ về tập quán, đời sống sinh hoạt và tính cách con người M’nông xưa, từ khoảng thập niên 80 của thế kỷ 20 trở về trước.

ADQuảng cáo

Đồng bào M'nông hát Tâm Pớt trong Hội xuân Mậu Tuất 2018. Ảnh: Mỹ Hằng

Trước ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam tháng 4/1975,  người M’nông vùng Quảng Đức (Đắk Nông) còn lạc hậu, chậm phát triển. Nhưng họ lại là tộc người có tính cộng đồng cao, với cuộc sống hết sức đơn giản, thật thà, thương người và có lòng sẻ chia. Một tính cách vô cùng đáng yêu, đáng trân trọng mà người viết đã từng gần gũi, tiếp xúc  trong những năm của thập niên 60, 70, 80 của thế kỷ trước.

Ngày đó, “người Thượng” là từ mà người Kinh gọi người dân bản địa vùng Tây Nguyên nói chung. Đó là từ rất sát với nghĩa đen. Bởi phần đa người M’nông thích sống và cũng thích nghi với vùng đất cao so với vùng đồng bằng. Với cuộc sống rất đơn giản, tự nhiên, hoang sơ và chủ yếu dựa vào thiên nhiên. Người M’nông hầu như yêu thương tất cả mọi người trong cộng đồng, yêu con vật mà họ nuôi, yêu cái rẫy họ trồng tỉa, yêu bóng cây che mát… Vì vậy gia súc chủ yếu thả rông, sống chung với người. Mỗi ngày, khi đi lên rẫy hay mỗi lần di cư, họ đều bế theo chó, mèo, gà…

Người M’nông trước đây có tập quán sống du canh, du cư. Họ làm nhà trên triền đồi bên bờ suối để tiện cho việc sinh hoạt. Mái nhà lợp bằng tranh, phủ sà xuống và thấp đến nỗi một đứa nhỏ khoảng năm, sáu tuổi cũng có thể sờ được đuôi của mái nhà. Khi lúa tuốt xong (họ không có thói quen dùng liềm cắt lúa, vì cho rằng dùng liềm, dao cắt lúa làm đau cây lúa, sợ “Jàng lúa” phạt mùa sau bị mất mùa) phơi khô, đổ vào chòi rồi để luôn ngoài nương rẫy. Bắp, bí, dưa leo… cũng vậy, họ chỉ gùi về nhà một ít vào mỗi buổi chiều khi đi rẫy về, đủ ăn trong một hoặc hai ngày. Mọi sản vật cứ để trong rẫy như thế nhưng không bị mất bao giờ. Dù no, dù đói không ai lấy trộm của ai.

Một sàn tre dài dùng làm chỗ ngủ cho mọi thành viên trong nhà. Nhà không ngăn thành buồng riêng. Mọi người cứ nằm trên sàn tre như thế mà ngủ. Phía cuối, cách sàn khoảng một hoặc hai mét là bếp lửa, trong một nhà có thể có nhiều bếp tùy theo cặp vợ chồng hay sắp xếp của chủ nhà. Bếp dùng để cả nhà ngồi quây quần nấu nướng, ăn uống. Không đủ mền cho mọi thành viên và không có mùng nên bếp trong nhà còn dùng để sưởi ấm chân, và khói bếp là phương tiện đuổi muỗi khi ngủ.

Mùa mưa, là mùa trái rừng chín rộ. Họ có thêm một khoản thu nhập khác từ rừng. Từng đoàn, từng đoàn vào rừng hái từng gùi trái rừng như: Dâu, chôm chôm, trái gùi mang đi bán ở chợ hoặc dọc theo đường cái. Mùa này cũng là mùa thu hoạch dưa leo, bầu, bí xen canh với lúa trong rẫy vừa để ăn, còn dư họ cũng mang đi bán để kiếm sống.

Lễ cúng cổng bon của người M’nông. Ảnh tư liệu

ADQuảng cáo

Trang phục của họ cũng đơn giản tới mức tối đa. Đàn ông thường ở trần, bên dưới quấn chiếc khố. Đàn bà cũng ở trần, thỉnh thoảng mới có người mặc áo, bên dưới quấn bằng tấm sơ rê tự dệt. Họ đi chân trần. Quai gùi họ mang in lằn đỏ cả hai vai, đi trong cái nắng, cái mưa, hết lên dốc lại xuống dốc của miền cao nguyên rất là vất vả.

Cuộc sống của họ cứ thế trôi đi và hình thành nên tính cách thật thà rất đáng trân trọng. Họ không tham lam, không bon chen, không cạnh tranh. Đặc biệt là, họ tôn trọng phương thức bằng nhau. Mọi người đều bằng nhau, có món quà gì hay có nhà săn được con heo rừng, con nai họ chia đều cho mỗi nóc nhà, không phân biệt nhà nhiều người hay ít người, không phân biệt nhà khó khăn hay không khó khăn. Trong cộng đồng của mình họ rất đoàn kết, quan tâm đến nhau và thương yêu nhau. Có trường hợp, trong làng có người ốm phải đi bệnh viện có khi gần cả làng đi theo, rồi thì vài chú chó cũng được tham dự hành trình.

Dù cuộc sống cực nhọc vất vả nhưng họ không than vãn mà luôn lạc quan, yêu đời. Đêm đến, bên đống lửa họ lại cùng nhau tụ tập nói sử thi. Người nói sử thi gọi là Ót N'drong (Ót: được hiểu là cầm, giữ; N'drong: hiểu biết, kiến thức…). Thỉnh thoảng họ lại cùng nhau nắm tay trong nhịp xoang nhẹ nhàng, sâu lắng cùng với tiếng cồng chiêng có âm thanh bập bùng xa vắng cho đến tận nửa đêm.

Cuộc sống chủ yếu dựa vào thiên nhiên, cộng với phương thức bằng nhau trong kinh tế hình thành tính cách, tập quán, văn hóa lâu đời người M’nông. Đồng thời tính cộng đồng cao và cuộc sống giản đơn, thật thà làm cho người M’nông có một cuộc sống tự do, tự tại. Tính cách đó của người M’nông ít nhiều cũng làm cho đời sống kinh tế chậm phát triển, chậm thay đổi nhưng chắc chắn chỉ số hạnh phúc nếu có thể điều tra sẽ cao.

Henri Maitre, một viên chức chính quyền Pháp tại Đông Dương thực hiện sứ mệnh thám hiểm về địa lý, con người vùng rừng núi cao nguyên miền Trung Việt Nam. Công trình của ông được in thành sách bằng tiếng Pháp năm 1912 có tựa đề Les junggles Moi và Lưu Đình Tuân dịch là Rừng người Thượng. Trong tác phẩm quý giá này thì Người M’nông có mặt trên cao nguyên miền Trung từ thời rất xa xưa, họ bao gồm tất cả các tộc người trong hinterland (về mặt địa lý từ này chỉ vùng đất ở sâu bên trong, xa bờ biển) hợp thành một bộ lạc rất lớn, được chia thành nhiều bộ lạc thứ cấp. Tuy nhiên, các nhóm khác nhau như nhóm M’nông ở phía tây (người Bhiet, Bu-Neur, Rechong, Kong-Khang, Kseh, Nong, Preh, Tí-Pri, Perong..; Nhóm M’nông phía đông (Người Gar, Briet, Kil, Preng, Dip, Rlam, Krieng…) lại không hề nói cùng một phương ngữ.

Ngày nay, cuộc sống của người M’nông đã khác, chỉ còn ở những làng, buôn vùng sâu, vùng xa ít nhiều vẫn còn giữ được những nét sinh hoạt xưa. Cuộc sống phát triển, các phương tiện thông tin, truyền thông hiện đại mang đến cái nhìn mới mẽ trong tất cả các lĩnh vực. Nhà nước cũng đã nỗ lực nhằm đem lại cho đồng bào đời sống vật chất tương đối đầy đủ hơn, văn minh hơn.

Dẫu biết rằng sự phát triển nào cũng sẽ tác động làm thay đổi tập tục, tập quán người dân, nhưng nếu thay đổi mà không làm ảnh hưởng dẫn đến phai nhạt những nét văn hóa, tập quán tốt đẹp đầy tính nhân văn của mỗi dân tộc là phát triển hoàn hảo. Từ nhận thức như trên người viết cho rằng, việc chung tay của Nhà nước, của mọi người trong xã hội nhằm gìn giữ, phát huy giá trị của tinh thần và những tập tục, tập quán cũng như những  giá trị văn hóa tốt đẹp được hình thành lâu đời của mỗi một cộng đồng dân tộc trong một quốc gia là vô cùng cần thiết.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những tập quán sinh hoạt đáng trân trọng của đồng bào dân tộc M’nông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO