Những vật dụng đựng hạt giống truyền thống của người Mạ

Đoàn Nhân| 25/08/2017 08:47

Từ xa xưa, người Mạ đã biết chế tác và tận dụng những vật dụng thô sơ có trong đời sống để bảo quản, cất giữ các loại hạt giống, trong đó trái bầu, giỏ đan bằng mây tre được hầu hết các gia đình người Mạ ưa thích.

ADQuảng cáo

Giỏ tre và vỏ bầu đựng hạt giống của người Mạ

Giỏ đan bằng tre, mây gọi là (Sro) thường có chiều dài 44 cm, miệng loe, thân tròn và thon nhỏ dần về phần đáy. Giỏ thường được đan 14 nan tre dẹp có bề rộng trung bình 1 cm và chiều dài khoảng 35 cm, xếp song song, dùng dây mây cột thắt phần đáy giỏ sau đó quấn dần lên trên.

Các nan tre được luồn xen kẽ một nan trên một nan dưới, giữa là dây mây. Miệng giỏ cách đan không thay đổi, dây mây quấn thành nhiều vòng khít nhau, ép các nan tre ngửa ra bên ngoài giống hình chiếc phễu. Các vòng dây mây vừa có tác dụng gia cố hình dáng và tạo độ chắc chắn khi cầm, treo hoặc đeo bên hông người sử dụng.

Để làm một vật dụng đựng hạt giống là cả một quy trình, từ khâu chọn nguyên vật liệu cho đến kỹ thuật đục khoét (đối với trái bầu) và trình độ đan lát (đối với giỏ đựng hạt giống). Những người lớn tuổi trong gia đình, có kinh nghiệm và am hiểu về phong tục tập quán của bon làng được cử đi tìm nguyên vật liệu, như: Trái bầu thì phải tròn, già, không bị sâu, ruột phải mỏng; còn chọn tre, mây thì phải là những cây tre, mây trưởng thành, không già cũng không non, đang phát triển tốt, không bị sâu hoặc mối mọt,…

ADQuảng cáo

Tước nan, chẻ nan và vót nan tre, mây là công đoạn rất tỉ mỉ đòi người thợ phải đều tay, không dày cũng không mỏng để tạo những chiếc giỏ cứng cáp với các hoa văn khác nhau, đồng thời khi đan các nan tre phải kín khít nhau để côn trùng không chui vào làm hư hỏng hạt giống khi đựng vào trong. Người Mạ cho rằng những hạt giống khi đựng vào những vật liệu này sẽ nảy mầm, khỏe mạnh, phát triển tốt, hoa trái đều sai và thơm ngon.

Như thường lệ sau mỗi mùa thu hoạch, chủ nhà lại chọn những hạt giống ưng ý nhất bỏ vào những chiếc giỏ treo trên giàn bếp và đến mùa tra tỉa thì người chủ nhà lấy xuống đổ vào những vật dụng đựng hạt giống khác mang đi tra tỉa trên nương rẫy. Trước khi lấy hạt giống đi tra tỉa hoặc cấy, gia đình làm một nghi lễ nhỏ, lễ vật là một chóe rượu cần nhỏ và một con gà trống tơ đặt bên cạnh những hạt giống và các vật dụng tra tỉa để báo cáo Yàng (thần cây) cho phép được tra tỉa và phù hộ cho cây cối sinh sôi nảy nở phát triển tốt và đem lại một mùa bội thu.

Người Mạ theo tín ngưỡng đa thần. Họ cho rằng mỗi một hạt giống đều có một vị thần cây cai quản. Vì vậy, không được để giỏ chạm vào chỗ ô ế như treo ở nhà nuôi gà, nuôi heo,… mà chỉ được treo trên cành cây, cầm tay hoặc treo trên giàn bếp.

Ngày nay, các dụng cụ thô sơ dùng đựng hạt giống như trái bầu khô, giỏ Sro,… không được sử dụng rộng rãi như trước kia nữa mà được thay thế bằng các vật dụng và cách thức bảo quản hạt giống hiện đại. Nhưng trong mỗi dịp lễ cúng lúa được mùa hay các lễ hội lớn trong bon được tổ chức, những người lớn tuổi trong gia đình, dòng họ, bon làng thường lấy những vật dụng như trái bầu, giỏ đựng hạt giống trước kia để kể lại và nhắc nhở cho con cháu.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những vật dụng đựng hạt giống truyền thống của người Mạ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO