Thuyền độc mộc trong đời sống của đồng bào M’nông, Ê đê

Anh Bằng| 03/03/2017 09:26

Đồng bào M’nông, Ê đê sống ở khu vực phía bắc tỉnh Đắk Nông sử dụng thuyền độc mộc trên sông Krông Nô, Sêrêpốk và hồ Ea Snô.

ADQuảng cáo

Tuy số lượng thuyền độc mộc ít hơn so với người Mạ ở Lâm Đồng, người Bâhna Rngao ở (Kon Tum)… nhưng sự hiện diện của phương tiện truyền thống này đã phần nào gợi lên bản sắc văn hóa độc đáo và cổ kính.

Du khách đi thuyền độc mộc trên Hồ Lắk (Đắk Lắk). Ảnh: Ngọc Tâm

Đối với người M’nông, Ê đê, để làm một chiếc thuyền độc mộc như ý đòi hỏi cả một quá trình chuẩn bị và thực hiện tỉ mỉ, công phu, nghệ thuật. Thuyền thường được làm từ một cây gỗ Sao nguyên thân. Loại gỗ này gần như phố biến để đóng thuyền độc mộc ở các dân tộc Tây Nguyên, với tính bền, thân về già vừa to, chắc và thẳng. Các dân tộc miền xuôi, kể cả người Kinh từ xa xưa cũng đã dùng gỗ Sao đóng tàu đi biển, truyền thống này cũng được lưu truyền đến tận ngày nay.

Nghệ nhân Y Vang (xã Quảng Phú, huyện Krông Nô), người đã từng làm thuyền độc mộc tại địa phương cho biết: Trước đây, để làm thuyền độc mộc chúng tôi phải vào rừng tìm gỗ, thứ vật liệu cần tìm là gỗ Sao, thân to và thẳng. Trước khi chặt cây, phải cúng Yàng, xin phép thần rừng rồi mới đốn hạ. Lễ vật cúng thần gồm một con gà, ché rượu cần... Sau khi thủ tục cúng tế xong là mọi người tổ chức chặt cây.

Công cụ chặt cây và làm thuyền đều sử dụng rìu là phương tiện duy nhất. Vào rừng tìm cây làm thuyền thường thì có một nhóm khoảng 4 đến 5 người, chặt cây xong là đẽo bốn mặt gỗ cho vuông, đều. Sau đó khoét lỗ từ một mặt lõm sâu vào thân cây. Cứ như vậy tiến hành đục đẽo rộng ra đến các phần khác của thân gỗ.

Công đoạn thứ hai là tiến hành đốt phần phía trong lòng thuyền. Họ dùng các mảnh tước khô của thân cây đã được đẽo ra, kết hợp với củi khô của rừng để hun đốt. Việc đốt này vừa làm cho thuyền được khô và nhẹ, vừa hỗ trợ cho việc đục đẽo đỡ tốn công sức của người thợ. Sau đó tiếp tục đẽo lòng thuyền và mặt ngoài mạn thuyền cho thật trau chuốt, cân đối đến khi chiếc thuyền có hình dáng như ý.

ADQuảng cáo

Trong quá trình đẽo, người thợ luôn cẩn trọng với những thao tác của mình, hết sức tâm huyết để đục đẽo tỉ mỉ từng phần của thân cây. Vì thuyền khá dài, nên việc cân đối từng phần cũng phải tính toán kỹ lưỡng, làm sao cho các bộ phận tổng quan trên thân thuyền cân đối, hài hòa để khi hạ thủy mạn thuyền không nghiêng ngả mà giữ được thế cân bằng giữa trọng lượng của thuyền với mặt nước… Thời gian để làm xong một chiếc thuyền thường thì cả tháng, thậm chí lên đến vài tháng…

Với mong muốn có sự may mắn, an toàn cho gia chủ và chiếc thuyền, nên trước khi hạ thủy họ thường tổ chức cúng Yàng (thần sông). Lễ vật cho lễ tạ ơn này gồm một con gà, ché rượu cần. Nếu gia đình khá giả thì con heo và ché rượu quý (yang r’lung, ché túc...). Sau buổi lễ, gia chủ mời họ hàng và người thân đến ăn tiệc, mừng thành công, mừng gia đình, bon buôn có thêm một sản phẩm mới.

Thuyền độc mộc sưu tầm được trên lưu vực sông Krông Nô trưng bày tại Bảo tàng tỉnh. Anh Bằng

Với người M’nông, Ê đê thì thuyền độc mộc không chỉ là phương tiện đi lại, vận chuyển đánh bắt thủy sản mà còn là tài sản khẳng định vị thế xã hội trong cộng đồng bon buôn. Gia đình có điều kiện về nhân lực, của cải vật chất thì có từ một đến hai thuyền trở lên. Ngược lại với những gia đình khó khăn thì làm được một cái hoặc không có. Với những bon, buôn sống gần sông suối, ao hồ, thuyền độc mộc là phương tiện lao động quan trọng tạo thu nhập và nguồn thực phẩm tươi sống hàng ngày…

Ngày nay, khi đến Đắk Nông, trên hồ Ea Snô hay dòng sông Krông Nô, Sêrêpốk huyền thoại, thỉnh thoảng bắt gặp những chiếc thuyền độc mộc rẽ sóng, lướt nhẹ trên mặt nước với cảnh hoàng hôn nhẹ gió lay đưa, dệt thêm khung cảnh hữu tình vào bản sắc văn hóa truyền thống ngàn đời trên cao nguyên M’nông thơ mộng, gợi cho du khách hình ảnh khó quên nơi miền quê yên ả thanh bình.

* Thuyền của người M’nông thường có kích thước bề ngang nhỏ hơn thuyền của các dân tộc khác. Tuy về chiều dài tương đồng nhau, ngắn thì 4 đến 5 mét, dài thì 9 đến hơn 11 mét. Nhưng thuyền ở một số nhóm Ê đê, Mạ khu vực Buôn Đôn và Cát Tiên (Lâm Đồng) phần lớn rộng hơn thuyền của dân tộc M’nông ở huyện Lắk (Đắk Lắk) và M’nông ở Đắk Nông.

* Khác với người Ê đê và các dân tộc khác, một số nhóm người M’nông trong quá trình làm thuyền không sử dụng lửa để hun đốt, hay để uốn cong thân thuyền, không dùng bào vuốt nhẵn cho thân thuyền trơn láng mà chỉ sử dụng rìu để chặt cây, chẻ gỗ, khoét rỗng thân cây suốt công đoạn làm thuyền. Ngoài gỗ Sao, nguyên liệu làm thuyền độc mộc chủ yếu là gỗ khộp (loại gỗ họ dầu), khó bị mối mọt, mục nát, có tuổi thọ và độ bền cao khi ngâm dưới nước…

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thuyền độc mộc trong đời sống của đồng bào M’nông, Ê đê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO