Cách làm để khai thác các giá trị, tiềm năng của tỉnh

Hoàng Bảo thực hiện| 09/09/2020 09:29

Tại Hội thảo khoa học tư vấn, phản biện và giám định xã hội Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025 mới đây, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đến từ khu vực phía Nam cho rằng, tỉnh cần có các chủ trương, giải pháp phù hợp, đúng đắn để khai thác được các giá trị, tiềm năng ở mỗi lĩnh vực.

ADQuảng cáo

Tập trung vào một số lĩnh vực đang là “điểm nghẽn”

TS. Nguyễn Văn Hiến, Trường Đại học Tài chính-Marketing TP. Hồ Chí Minh

Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đặt ra 4 chương trình đột phá chiến lược ở các lĩnh vực. Để thực hiện được mục tiêu này, tỉnh nên tập trung vào một số lĩnh vực đang là “điểm nghẽn”, cản trở sự phát triển kinh tế như môi trường đầu tư, hạ tầng kinh tế và nguồn nhân lực.

Về vấn đề môi trường đầu tư, nhiều năm qua, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Đắk Nông luôn đứng cuối bảng xếp hạng. Điều này cho thấy, môi trường đầu tư của Đắk Nông chưa được cải thiện mặc dù tỉnh đã có nhiều nỗ lực để khắc phục. Do đó, nhiệm kỳ tới, tỉnh cần phải coi đây là một khâu trọng yếu cần đột phá để khơi thông các nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội, thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Về đầu tư hạ tầng, nhất là giao thông, kỹ thuật phục vụ phát triển các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, tỉnh cần đưa ra được các quyết sách để huy động tối đa nguồn lực vốn nhằm xây dựng hệ thống hạ tầng kinh tế hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển.

Về nguồn nhân lực, Đắk Nông đang thiếu nguồn nhân lực quản lý Nhà nước có trình độ cao, nhân lực có tay nghề, qua đào tạo cơ bản, có kỹ năng và thái độ làm việc chuyên nghiệp. Vì vậy, tỉnh cần có chiến lược phát triển nguồn nhân lực, bao gồm cả đào tạo tại chỗ và chính sách thu hút nguồn lao động chất lượng từ bên ngoài, các chương trình kinh tế lớn…

Bám sát quan điểm chung về hoạt động xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp

TS. Từ Minh Thiện, Đại học Văn Hiến TP. Hồ Chí Minh

Thời gian qua, việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Đắk Nông còn gặp nhiều khó khăn về vốn đầu tư, tư duy và thói quen, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, phân tán… Do đó, để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Đắk Nông cần bám sát quan điểm chung về hoạt động xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp là phát huy tổng lực, nâng cao tính chuyên nghiệp và thực hiện có trọng tâm, trọng điểm.

Tỉnh cũng cần chủ động trong công tác xúc tiến đầu tư; tăng cường hoạt động đối thoại, tháo gỡ khó khăn, góp phần cải tạo môi trường đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư tiếp cận nguồn vốn vay; quản lý quy hoạch, mục tiêu, công nghệ dự án đầu tư; đầu tư hạ tầng; ban hành quy chế và chính sách khuyến khích các doanh nghiệp hoặc các thành phần kinh tế đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao…

ADQuảng cáo

Ngoài ra, Đắk Nông cần từng bước ứng dụng số hóa các hợp tác xã và thành viên hợp tác xã; ứng dụng công nghệ mới trong công tác bảo quản; đào tạo nguồn nhân lực; tận dụng hỗ trợ của chính phủ các nước…

Tạo thế đột phá trong nông nghiệp cần có sự thay đổi tư duy về kinh tế thị trường, chấp nhận đương đầu với các rủi ro, thách thức cũng như thích nghi với sự thay đổi trong các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như các doanh nghiệp, hiệp hội, người sản xuất. Điều này phải thể hiện rõ trong việc tổ chức quản lý, điều hành sản xuất, kinh doanh cũng như các cách thức triển khai những giải pháp, chính sách mang tính quyết liệt, có ý nghĩa như những đòn bẩy khả thi, hiệu quả.

Sự thay đổi này sẽ góp phần tạo nguồn cảm hứng cho các hoạt động đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp cũng như thúc đẩy hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mang lại lợi ích thiết thực cho người sản xuất nông nghiệp.

Xác định rõ mục tiêu chiến lược, tầm nhìn về phát triển kinh tế tư nhân

PGS.TS Nguyễn Ngọc Vinh, Viện nghiên cứu kinh tế phát triển - Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh

Kinh tế tư nhân là động lực phát triển kinh tế của mỗi địa phương, trong đó có Đắk Nông. Nhiều năm qua, Đắk Nông đã có nhiều nỗ lực để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển song vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Do đó, chúng tôi nhận thấy, để phát triển kinh tế tư nhân, cơ quan quản lý Đắk Nông cần quan tâm đến một số vấn đề.

Thứ nhất, xác định rõ mục tiêu chiến lược, tầm nhìn về phát triển kinh tế tư nhân giai đoạn 2021-2025 và xa hơn đến năm 2030. Từ đó mới có căn cứ xây dựng kế hoạch và các kịch bản kèm theo để các cơ quan quản lý có căn cứ thực hiện.

Thứ hai là tiến hành khảo sát hai chiều nhằm tìm hiểu nguyên nhân chưa thành công trong việc phát triển kinh tế tư nhân, những chính sách không phù hợp, vướng mắc, trăn trở của hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp về cơ chế chính sách của tỉnh… Qua đó làm cơ sở trong việc ban hành, điều chỉnh các cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chính xác hơn, tốt hơn.

Thứ ba là nghiên cứu lập đề án nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, mục tiêu cải thiện chỉ số PCI của Đắk Nông vượt lên thứ hạng trung bình sau 5 năm và sau đó là top 10 tỉnh có chỉ số PCI tốt nhất.

Phát triển kinh tế tư nhân cần dựa trên 3 trụ cột là khuyến khích tối đa các cơ sở kinh tế cá thể mạnh dạn chuyển sang doanh nghiệp; duy trì sự phát triển của các doanh nghiệp; tìm kiếm doanh nghiệp lớn, đầu tàu về đầu tư tại tỉnh nhằm dẫn dắt sự phát triển chung của cộng đồng, doanh nghiệp…

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cách làm để khai thác các giá trị, tiềm năng của tỉnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO