Để không còn hộ cựu chiến binh nghèo

Hoàng Hoài| 09/09/2021 10:23

Thời gian qua, phong trào thi đua “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” đã trở thành động lực, khơi dậy ý chí, nghị lực, khát vọng làm giàu, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, tạo thi đua sôi nổi trong các tổ chức hội và hội viên.

Đa dạng hình thức hỗ trợ hội viên

Theo ông Nguyễn Thanh Quang, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh, hưởng ứng phong trào thi đua “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, các cấp Hội trong tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể, phù hợp với từng đối tượng hội viên.

Phát triển đa cây, kết hợp sản xuất với kinh doanh là mô hình kinh tế được CCB Nguyễn Đình Liên, xã Nam Bình (Đắk Song) phát huy hiệu quả

Có thể kể đến như các mô hình:  5+1 (5 hộ khá giúp 1 hộ nghèo), các câu lạc bộ giúp nhau phát triển kinh tế, góp vốn xoay vòng giúp nhau giảm nghèo, xây dựng nhà ở, phối hợp mở các lớp tập huấn về phát triển kinh tế, xóa nghèo, chuyển giao khoa học kỹ thuật, quản lý sử dụng vốn vay…

Đến nay, 100% chi hội đã xây dựng được quỹ hội với tổng số tiền trên 28 tỷ đồng giúp 4.166 lượt hội viên vay phát triển kinh tế không lấy lãi hoặc lãi suất thấp.

Hay như CLB "Doanh nhân CCB làm kinh tế giỏi", năm 2019, toàn tỉnh chỉ mới có 1 CLB cấp tỉnh với 76 thành viên, nhưng đến năm 2020 đã có 4 huyện thành lập được mô hình này với 220 thành viên tham gia. Các CLB ra đời không chỉ liên kết hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất, kinh doanh mà còn góp phần giải quyết việc làm cho hội viên, con em CCB và quân nhân.

Điển hình, CCB Trần Văn Định, Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp Nam Hà (Cư Jút) chuyên trồng và chế biến tinh dầu gấc xuất khẩu với doanh thu khoảng 10 tỷ đồng/năm. Hàng năm, HTX tạo công ăn việc làm cho 30 lao động thường xuyên và 150 lao động thời vụ của địa phương.

CCB Phạm Văn Thiếu thuộc Hội CCB huyện Đắk Song với mô hình trồng 30 ha cà phê, kinh doanh nông sản, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đem lại doanh thu 50 tỷ đồng/năm. Ngoài sản xuất, kinh doanh giỏi, ông còn tích cực trong các hoạt động xã hội như giải quyết việc làm cho 30 lao động thường xuyên và 35 lao động thời vụ; hỗ trợ hội viên và người dân khó khăn mua phân bón trả chậm không tính lãi; hiến 5.000m2 đất để làm nhà mẫu giáo và chốt biên phòng…

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 56 doanh nghiệp vừa và nhỏ, 25 HTX, 30 tổ hợp tác, 850 trang trại, 2.940 gia trại và 155 hộ kinh doanh dịch vụ do CCB làm chủ. Trong đó, hai doanh nghiệp có doanh thu trên 50 tỷ đồng/năm; 10 HTX, trang trại có doanh thu trên 10 tỷ đồng/năm.

Với việc triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ, giúp nhau trong phát triển kinh tế, đến nay, tỷ lệ hội viên CCB nghèo đã giảm đáng kể, số hộ khá, giàu tăng cao. Năm 2016, toàn hội có 850 hội viên CCB sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Đến năm 2021, toàn tỉnh có 1.260 hội viên CCB đăng ký sản xuất, kinh doanh giỏi (chiếm 8,5%). 13.320 hội viên có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm; 14.040 hội viên có thu nhập từ 50-100 triệu đồng/năm.

5 năm qua, toàn hội đã giảm được 610 hộ nghèo và hiện còn 5% (720 hộ), trong khi có đến 50,8% hộ khá, giàu. 13 xã, phường, thị trấn và TP. Gia Nghĩa không còn hội viên CCB nghèo. Điều đáng nói, thông qua phong trào, các cấp hội đã góp phần giải quyết việc làm cho hơn 8.500 hội viên và con em CCB.

Phát huy tinh thần tự lực tự cường

Ông Nguyễn Thanh Quang khẳng định: Phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” đã thực sự khơi dậy tình cảm đồng chí, đồng đội, sẵn sàng hỗ trợ, giúp nhau về cây, con giống, vốn, kinh nghiệm, kỹ thuật để vươn lên trong phát triển kinh tế. Kết quả giảm nghèo trong hội thời gian qua đã góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đề ra và phong trào “Đắk Nông chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” do tỉnh phát động.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII cũng đã xác định, nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh phấn đấu hàng năm, tỷ lệ giảm nghèo bình quân 2%, riêng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ giảm từ 4% trở lên theo chuẩn nghèo 2021- 2025.

Trên tinh thần nghị quyết, Hội CCB tỉnh đã cụ thể hóa chỉ tiêu giảm nghèo theo hướng phù hợp với thực tế, điều kiện của hội và hội viên. Cụ thể, đến năm 2025, toàn tỉnh cơ bản hết hộ CCB nghèo, trừ một số hộ nghèo đề nghị chuyển sang bảo trợ xã hội, tức là mỗi năm giảm từ 1% đến 1,5% hộ CCB nghèo; 8 huyện, thành phố hết hội viên CCB nghèo; hộ khá, giàu đạt trên 75%...

Để thực hiện nhiệm vụ này, thời gian tới, các cấp hội tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên CCB phát huy tinh thần tự lực, tự cường trong lao động sản xuất, giúp nhau xóa nghèo bền vững, thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo.

Các cấp hội tổ chức điều tra, phân loại làm rõ nguyên nhân các hộ nghèo và cận nghèo trong hội viên theo các nhóm vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm, tư liệu sản xuất, dạy nghề để hộ nghèo có điều kiện tự vươn lên thoát nghèo, chống tái nghèo, nhất là ở các xã, huyện nghèo, dân tộc thiểu số. Mỗi hội viên cần tự giác, tích cực trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển đa cây, đa con…

Việc phát triển sản xuất, kinh doanh dịch vụ đi đôi với đầu tư, đổi mới trang thiết bị, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới để tạo ra sản phẩm chất lượng cao, phù hợp thị hiếu thị trường. Các hoạt động nhằm giúp hội viên trong phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng tiếp tục được chú trọng với phương châm "ở đâu có hội viên, ở đó có sự giúp đỡ của tổ chức hội".

“Mỗi cán bộ, hội viên CCB cần phải gương mẫu, đi đầu, tiên phong trong phong trào xóa nghèo bền vững và vươn lên làm giàu, góp phần phát triển địa phương. Bám sát tinh thần Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh, để chương trình hành động của Hội đi vào thực tiễn cuộc sống, mỗi CCB quyết tâm phấn đấu trở thành lực lượng nòng cốt, chiến sĩ trên mặt trận giảm nghèo”, ông Quang cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để không còn hộ cựu chiến binh nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO