Những đột phá chiến lược đưa Đắk Nông ngày một phát triển

Công Tính| 15/10/2020 08:02

Giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế nội tỉnh (GRDP) duy trì ổn định và bền vững. Quy mô nền kinh tế ngày càng mở rộng và huy động được tiềm năng vào tăng trưởng, đưa Đắk Nông thoát khỏi tình trạng tỉnh nghèo, chưa phát triển.

ADQuảng cáo

Để đạt được kết quả này, phải kể đến “ba đột phá” được Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015-2020 xác định trên ba hướng chính là tổ hợp công nghiệp bô xít - nhôm - sắt xốp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và du lịch. Theo đó, sau 15 - 20 năm, Đắk Nông trở thành trung tâm công nghiệp bô xít - nhôm - sắt của cả nước; đồng thời tiềm năng khí hậu, đất đai, cảnh quan và văn hóa được đánh thức, khai thác đúng mức.

Mô hình tưới nước, bón phân nhỏ giọt được áp dụng cho trồng khoai lang tại huyện Đắk Mil

Vùng công nghiệp trọng điểm luyện alumin, nhôm

Theo đánh giá của tỉnh, giai đoạn 2016-2020, sản xuất công nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng cao, đạt 12,22%. Đa số sản phẩm công nghiệp chủ yếu đều tăng mạnh như: Sản phẩm điện thương phẩm tăng gần 2 lần; đá xẻ tăng 3,41 lần; thùng, bể chứa và các vật liệu bằng nhôm tăng 4 lần; ván ép từ gỗ tăng 3,24 lần…
Đóng góp lớn vào tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp, cũng như lĩnh vực kinh tế của tỉnh, phải kể đến sản xuất alumin. Nhà máy Alumin Nhân Cơ đi vào hoạt động từ cuối năm 2016, với công suất 650.000 tấn alumin/năm đã cho hiệu quả cao, như: Doanh thu năm 2017 đạt 3.985 tỷ đồng, đến năm 2018 hơn 6.300 tỷ đồng...

Dự án cũng đã giải quyết việc làm trực tiếp cho khoảng 1.100 lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động tại địa phương. Ngoài ra, với dự án Nhà máy luyện nhôm Đắk Nông đang được triển khai; xây dựng Khu công nghiệp Nhân Cơ và chuẩn bị triển khai xây dựng Khu công nghiệp Nhân Cơ 2 đã hình thành định hướng chuỗi công nghiệp alumin - luyện nhôm và sau nhôm.

Những kết quả đạt được trong hoạt động sản xuất công nghiệp đã phản ánh đúng mục tiêu trong việc khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh mà Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra.

Đã thoát khỏi nhóm thu nhập thấp

Trong nhiệm kỳ 2015-2020, tốc độ tăng trưởng (GRDP) bình quân giai đoạn đạt 8,02% (Nghị quyết đề ra 9%). Quy mô nền kinh tế tăng 1,34 lần so với đầu nhiệm kỳ; trong đó, tăng trưởng bình quân khu vực nông nghiệp đạt 4,52% (cao hơn bình quân chung của cả nước 1,52%); quy mô khu vực công nghiệp tăng 1,78 lần, tốc độ bình quân đạt 12,22%. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 38,65 triệu đồng đầu nhiệm kỳ lên 52 triệu đồng vào năm 2020, thoát khỏi nhóm tỉnh có thu nhập bình quân đầu người thấp.

Nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp

Ngoài sản xuất công nghiệp, đối với lĩnh vực nông nghiệp, giai đoạn 2016-2020 cũng đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trước hết phải kể đến quy mô và sản lượng nông nghiệp tăng đáng kể. Đến năm 2020, tổng diện tích gieo trồng toàn tỉnh đạt 326.000 ha, tăng 65.000 ha so với đầu giai đoạn; tổng sản lượng lương thực đạt 440.000 tấn, tăng 39.000 tấn so với đầu giai đoạn.

Để đạt được kết quả này, Đắk Nông đã thực hiện hai đề án tái cơ cấu nền nông nghiệp toàn diện gắn với triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Việc triển khai bước đầu đã có tác động tích cực, nâng giá trị sản xuất trên một ha đất nông nghiệp từ 64,7 triệu đồng lên 71,5 triệu đồng.

ADQuảng cáo

Từ việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015-2020, bước đầu định hướng hình thành được 5 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đến nay, toàn tỉnh có trên 69.500 ha cây trồng ứng dụng một phần công nghệ cao và 270 ha sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đây được xem là tiền đề để nhân rộng mô hình nông nghiệp công nghệ cao trong thời gian tới.

Theo ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, trong 5 năm qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng sản xuất nông nghiệp của tỉnh có nhiều khởi sắc. Đó là nhờ có những chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

“Đến nay, có nhiều nhà vườn, trang trại, hợp tác xã đã áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến và tạo ra được những sản phẩm nông nghiệp đạt chất lượng xuất đi châu Âu. Thông qua sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhiều nông dân trong tỉnh đã dần hình thành được thói quen sản xuất nông nghiệp an toàn, từng bước đáp ứng các yêu cầu khắt khe của các nhà nhập khẩu đưa ra”, ông Tuấn Anh cho biết thêm.

Phát huy những tiềm năng phát triển du lịch

Là một trong “ba đột phá” được Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra, đến nay hoạt động du lịch cũng đã có những khởi sắc mới. Trong giai đoạn 2016-2020, tổng lượt khách du lịch đạt khoảng 1,7 triệu lượt người, với tổng doanh thu khoảng 180 tỷ đồng.

Thời gian qua, Đắk Nông đặc biệt quan tâm đầu tư phục dựng các tài nguyên du lịch văn hóa lịch sử nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch phục vụ nhu cầu của khách tham quan. Toàn tỉnh hiện có 7 khu, điểm du lịch được chấp thuận chủ trương đầu tư.

Việc phát hiện hệ thống hang động núi lửa dài nhất Đông Nam Á tại huyện Krông Nô đã tạo điểm nhấn mới và là tiềm năng cho ngành du lịch của tỉnh trong giai đoạn tới.

Phấn đấu trở thành tỉnh trung bình khá

Trên cơ sở đánh giá những kết quả đạt được và những hạn chế; bối cảnh trong nước và quốc tế, Dự thảo Báo cáo chính trị trình tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025 đặt mục tiêu tổng quát: “Nâng cao năng lực lãnh đạo của đảng bộ; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy ý chí, khát vọng vươn lên của các dân tộc; khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh, bền vững; giữ vững quốc phòng, an ninh; phấn đấu trở thành tỉnh trung bình khá vào năm 2025 và tỉnh phát triển khá vào năm 2030 của vùng Tây Nguyên”.

Trong lĩnh vực kinh tế, giai đoạn 2020 – 2025, tỉnh đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân từ 7,5-8%; thu nhập bình quân đầu người đến năm 2025 trên 70 triệu đồng…

Để đạt được mục tiêu này, Dự thảo đề ra ba khâu đột phá phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ mới. Thứ nhất, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh. Trước hết, đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới thu hút đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển.

Đột phá thứ hai, xây dựng kết cấu hạ tầng. Trọng tâm là hạ tầng giao thông, ưu tiên đầu tư xây dựng, mở rộng hạ tầng giao thông trọng điểm nội tỉnh, kết nối các điểm du lịch và hạ tầng trung tâm đô thị. Thúc đẩy Dự án Đường cao tốc Tây Nguyên – Thành phố Hồ Chí Minh (đoạn từ thành phố Gia Nghĩa – thành phố Hồ Chí Minh) sớm triển khai, hoàn thành đúng tiến độ; kiến nghị Trung ương sớm xây dựng đường sắt Đắk Nông - Chơn Thành (Bình Phước); mở rộng quốc lộ 28.

Đột phá cuối cùng là Phát triển nguồn nhân lực. Trọng tâm, đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong hệ thống chính trị; nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và nguồn nhân lực trong các ngành, lĩnh vực trụ cột phát triển kinh tế của địa phương.

Với sự đột phá, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện trong nhiệm kỳ qua, chúng ta hoàn toàn tin tưởng Đắk Nông sẽ trở thành tỉnh trung bình khá vào năm 2025 và tỉnh phát triển khá vào năm 2030 của vùng Tây Nguyên.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những đột phá chiến lược đưa Đắk Nông ngày một phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO