Tiếp tục tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Đắk Nông

Bài, ảnh: Hồng Thoan| 27/12/2021 09:26

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2022, đề ra mục tiêu “Tái cơ cấu, chuyển đổi nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiệu quả, chất lượng, giá trị gia tăng cao”.

ADQuảng cáo

Tái cơ cấu nông nghiệp (TCCNN) là một nội dung đã được các kỳ đại hội trước của tỉnh nêu ra để tăng cường sự chỉ đạo. HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 05 về “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững tỉnh Đắk Nông đến năm 2020, định hướng đến 2030”.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, qua 2 năm triển khai TCCNN theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, sản xuất nông nghiệp đã và đang có những chuyển biến tích cực. Trong đó, nổi bật nhất là sự hình thành, phát triển của các chuỗi giá trị nông sản, nhất là sản phẩm chủ lực như cà phê, hồ tiêu, chăn nuôi heo.

Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ngày càng được các tổ chức, cá nhân chú trọng. Điều này góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đến nay, Đắk Nông đã xây dựng được 4 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về cây lúa, hồ tiêu, cà phê.

Đắk Nông đã công nhận vùng sản xuất lúa xã Buôn Choáh (Krông Nô) đạt tiêu chuẩn ứng dụng công nghệ cao

Tuy nhiên, nhiều mục tiêu của TCCNN đến nay vẫn chưa đạt kế hoạch đề ra. Cụ thể, về giá trị sản xuất nông nghiệp vẫn còn thấp hơn so với kế hoạch. Trồng trọt vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu ngành Nông nghiệp. Giá trị thu nhập trên 1 ha đất canh tác còn thấp hơn so với kế hoạch...

Theo ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN - PTNT, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực tế này. Trong đó, phải thẳng thắn nhìn nhận sự yếu kém trong công tác quy hoạch. Khâu quản lý quy hoạch cũng chưa sát với thực tiễn.

Hoạt động nâng cao chất lượng sản phẩm chưa đạt nhu cầu. Nhiều loại nông sản của tỉnh vẫn còn sản xuất theo phong trào, nên thường được mùa mất giá, được giá mất mùa...

ADQuảng cáo

Đa phần người dân sản xuất nông nghiệp theo truyền thống, chưa chú ý đúng mức đến nghiên cứu thị trường, nhu cầu trong nước, quốc tế; chưa mạnh dạn liên kết, tạo vùng nguyên liệu có quy mô.

Ngành chăn nuôi hướng tới quy mô trang trại, hữu cơ bền vững

Cũng theo ông Phạm Tuấn Anh, trước những thách thức, cơ hội mới, Đắk Nông đang nỗ lực tích hợp quy hoạch ngành Nông nghiệp với quy hoạch chung của tỉnh. Từ đó, có thể giải quyết được những tồn tại về sự chồng chéo, trùng lặp trong các quy hoạch trước, bám sát thực tiễn.

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục tái cơ cấu hình thức sản xuất từ chiều rộng sang chiều sâu, có chất lượng. Từ đó, đáp ứng các tiêu chuẩn, phục vụ tốt nhu cầu sản xuất nông nghiệp tại các địa bàn.

Khâu sản xuất đã được tỉnh quan tâm, chú ý nhiều hơn đến các yếu tố về lợi thế, tính cạnh tranh, quy mô tập trung. Tỉnh sẽ tập trung thu hút đầu tư vào lĩnh vực bảo quản, chế biến sản phẩm; chú trọng nhiều hơn về khâu xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, xúc tiến thương mại... cho các loại sản phẩm.

Tỉnh tiếp tục kêu gọi, hỗ trợ các nhà đầu tư lớn đến đầu tư chế biến, liên kết với hộ dân, tổ hợp tác, HTX để sản xuất theo chuỗi giá trị, bền vững. Đối với ngành chăn nuôi, tỉnh tổ chức thực hiện đúng "Chiến lược chăn nuôi bảo đảm an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường".

Ngành chăn nuôi sẽ phát triển theo hình thức trang trại quy mô lớn, hữu cơ, hướng tới xây dựng, phát triển các trung tâm sản xuất con giống chất lượng. Từ đó, đáp ứng nhu cầu về con giống an toàn, sạch bệnh cho người dân.

Theo ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN - PTNT, quá trình TCCNN của tỉnh đang được đồng bộ với ứng dụng công nghệ cao. Ngành Nông nghiệp phấn đấu đến năm 2030 sẽ hình thành được 23 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó tập trung vào các loại cây chủ lực như cà phê, hồ tiêu, điều...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp tục tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Đắk Nông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO