Vai trò của đội ngũ cấp ủy đảng cơ sở và những vấn đề cần quan tâm hiện nay

Trần Văn Hoạt| 24/02/2020 09:08

Cấp ủy đảng cơ sở là cơ quan lãnh đạo của chi bộ, đảng bộ cơ sở, do đại hội chi bộ, đảng bộ bầu ra hoặc cấp ủy có thẩm quyền chỉ định. Cấp ủy cơ sở có vai trò, nhiệm vụ quan trọng đối với toàn bộ hoạt động lãnh đạo của đảng bộ, chi bộ cơ sở trên các mặt: Xây dựng nội bộ tổ chức cơ sở đảng; lãnh đạo các tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở; lãnh đạo các mặt đời sống xã hội ở cơ sở.

Những vai trò, nhiệm vụ cụ thể của tổ chức cơ sở đảng, thể hiện: Đối với công tác xây dựng Đảng ở cơ sở, cấp ủy cơ sở lãnh đạo công tác xây dựng Đảng trên các mặt: Chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; lãnh đạo thực hiện chỉ thị, nghị quyết của cấp ủy cấp trên, xây dựng và lãnh đạo tổ chức thực hiện các nghị quyết trong nhiệm kỳ của đảng bộ, chi bộ cơ sở.

Đối với hệ thống chính trị ở cơ sở, cấp ủy lãnh đạo xây dựng tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ và lãnh đạo các mặt hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở; đồng thời, có trách nhiệm lãnh đạo thực hiện tốt các khâu của công tác cán bộ: đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chính sách cán bộ theo phân cấp. Đối với các mặt đời sống xã hội ở cơ sở, sự lãnh đạo của cấp ủy bảo đảm các mặt đời sống về kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh… nhằm phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân theo đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Đối với chỉ thị, nghị quyết của cấp trên, cấp ủy cơ sở bám sát nội dung, chương trình của cấp trên, cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị; tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả và tiến hành sơ kết, tổng kết, đóng góp ý kiến xây dựng, bổ sung, hoàn thiện. Đối với công tác kiểm tra, giám sát, cấp ủy cơ sở lãnh đạo tổ chức đảng và đảng viên công tác kiểm tra, giám sát thực hiện đường lối, chủ trương, nghị quyết của các cấp ủy đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát hiện những nhân tố mới để nhân rộng, những tư tưởng, nhận thức lệch lạc, tiêu cực để kịp thời ngăn chặn, hạn chế và xử lý theo quy định.

Mỗi cấp ủy và tổ chức cơ sở đảng cần nhận thức đúng đắn về vai trò, nhiệm vụ của cấp ủy cơ sở, thực hiện tốt các nhóm giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cấp ủy. Cụ thể, nhóm giải pháp về nhân sự và lựa chọn cấp ủy cơ sở: Các chi bộ, đảng bộ cơ sở cần thực hiện nghiêm túc các quy định của Trung ương và cấp ủy cấp trên về các tiêu chuẩn của cấp ủy viên, gắn với đặc điểm tình hình địa phương cơ sở để xây dựng đội ngũ cấp ủy viên cho phù hợp, chất lượng, đặc biệt là thực hiện đúng tinh thần Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Hướng dẫn số 02-HD/TU ngày 20/12/2019 của Tỉnh ủy Đắk Nông “Một số nội dung về tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025”. Trong đó, tổ chức cơ sở đảng phải coi trọng chất lượng cấp ủy, đặc biệt là bí thư cấp ủy.

Khi tiến hành đại hội bầu cấp ủy mới cần chỉ rõ tiêu chuẩn cấp ủy viên, đánh giá những ưu điểm, hạn chế của từng ứng viên để đại biểu có sự lựa chọn đúng đắn, tránh chủ quan cảm tính; cấp ủy phải vừa đủ tiêu chuẩn, vừa bảo đảm cơ cấu và có số dư, phải là những người thực sự có đức, có tài và được đại hội tín nhiệm cao.

Việc nâng cao chất lượng lãnh đạo của cấp ủy cơ sở phải gắn liền với công tác chăm lo đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ chính trị; cấp ủy phải là hạt nhân đoàn kết, tăng cường gắn bó với Nhân dân; đổi mới phương thứ lãnh đạo đối với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân ở cơ sở; xây dựng kế hoạch tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng, phát hiện kịp thời để ngăn ngừa và xử lý nghiêm các sai phạm cũng có vai trò rất quan trọng.

Tuy nhiên, các tổ chức cơ sở đảng cần chú ý xây dựng đội ngũ cấp ủy có chất lượng, chú trọng phát huy vai trò của bí thư cấp ủy trên cơ sở tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cả về lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng cụ thể theo từng chức danh; xây dựng được một tập thể cấp ủy đoàn kết thống nhất cao, bảo đảm thực hiện nghiêm các nguyên tắc, kỷ luật của Đảng; luôn luôn đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy cơ sở.

Trong phương thức lãnh đạo của cấp ủy cơ sở cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung cơ bản, như: Đầu mỗi nhiệm kỳ, cấp ủy cơ sở cần nhanh chóng xây dựng chương trình công tác toàn khóa, cụ thể hóa bằng kế hoạch công tác từng năm, quý, tháng của chi bộ; đổi mới và nâng cao chất lượng xây dựng nghị quyết của đảng bộ, chi bộ theo hướng ngắn gọn, thiết thực, khả thi; coi trọng đổi mới nội dung và nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, tổ chức đảng, nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng; tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh quy chế làm việc của cấp ủy, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, đi đôi với phát huy vai trò trách nhiệm, tính chủ động của người đứng đầu.

Trước thềm đại hội đảng các cấp, trước hết là cấp cơ sở, các tổ chức cơ sở đảng cần nhận thức đúng đắn và phát huy tốt vai trò của cấp ủy, thực hiện tốt các giải pháp đã nêu nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cấp ủy đảng ở cơ sở, góp phần nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh, giữ vững vai trò lãnh đạo trước toàn xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vai trò của đội ngũ cấp ủy đảng cơ sở và những vấn đề cần quan tâm hiện nay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO